Nguy cơ Trump sa lầy trong cuộc chiến luận tội
MỹTrump tự nhận mình là một “thiên tài ổn định” nhưng những phát ngôn thiếu kiềm chế của ông lại đang cho thấy điều ngược lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiếm khi thể hiện ông là một người hành động bình tĩnh. Thay vào đó, những hành động, lời nói nóng nảy gần đây đang có nguy cơ làm mờ đi triển vọng tái đắc cử của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới. Dù bối cảnh chính trị hiện nay khó dẫn tới việc ông từ chức, Trump dường như đang ngày càng tỏ ra bất lực trong nỗ lực tự cứu mình khỏi bị luận tội, chuyên gia nhận định.
Sau một loạt lời tố cáo đầy tức giận nhằm vào phe Dân chủ ngày 2/10, Trump hôm qua thậm chí còn trở nên giận dữ hơn, kêu gọi Trung Quốc mở cuộc điều tra cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
“Trung Quốc nên bắt đầu điều tra cha con Biden bởi những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng tồi tệ không kém chuyện xảy ra ở Ukraine”, Trump nói tại Nhà Trắng.
Về cơ bản, Trump đã kêu gọi đối thủ của Mỹ điều tra một công dân Mỹ có ảnh hưởng, người đối đầu với ông trong cuộc cạnh tranh ghế tổng thống. Lời đề nghị này tương tự yêu cầu mà ông được cho là đã đưa ra trong cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Ukraine ngày 25/7, khi ông thúc giục Volodymyr Zelensky điều tra Joe Biden và con trai Hunter, người từng làm việc cho công ty năng lượng Burisma Holdings Ukraine dính bê bối tham nhũng. Chính cáo buộc trên đã khiến đảng Dân chủ khơi dậy cuộc điều tra luận tội nhằm vào ông.
Trump nhiều lần ngụ ý rằng Joe Biden đã lạm dụng quyền lực chính trị và các mối quan hệ khi còn là phó tổng thống Mỹ để cùng con trai nhận hàng triệu USD từ Trung Quốc, song ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Chiến dịch tranh cử của Biden trong khi đó cho rằng Trump đang lạm dụng quyền lực vì lo sợ cựu phó tổng thống Mỹ sẽ đánh bại ông vào năm 2020.
Một phần nỗi lo âu của Trump có thể xuất phát từ bản chất bất thường trong hoàn cảnh mà ông đang phải đối mặt, bình luận viên Stephen Collinson từ CNN nhận định. Từ khi nhậm chức, Trump luôn khiến các đối thủ bất ngờ bởi họ không biết ông sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng trong tuần sau thời điểm đảng Dân chủ tuyên bố điều tra luận tội ông, Trump dường như đã hết cách đối phó.
“Chúng tôi không đùa giỡn”, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff hôm 30/9 nói về quyết định điều tra luận tội Trump.
Nhiều người cho rằng Trump nên phớt lờ cơn bão luận tội và tiếp tục công việc của mình, giống cách cựu tổng thống Bill Clinton đối mặt với việc bị luận tội vào năm 1998 vì cáo buộc quan hệ với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky. Nhưng đây lại không phải con đường mà Trump lựa chọn.
Trong cuộc họp báo chung hôm 2/10 với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Trump, như thường lệ, tiếp tục tung ra những đòn công kích bùng nổ. Ông cãi nhau với phóng viên, chế giễu các đối thủ bằng những biệt danh khó nghe và than phiền vì cách ông bị đối xử bất công.
Tâm trạng khó chịu của Trump được gói gọn trong cuộc gặp với phóng viên Jeff Mason của Reuters, người được nhận xét là một trong những nhà báo lịch sự nhất Washington.
Mason muốn biết câu trả lời cho những câu hỏi mà Trump từ chối giải thích và là trung tâm của cơn bão luận tội: Ông muốn gì từ Tổng thống Ukraine trong cuộc điện đàm cách đây hơn hai tháng? Khi Mason liên tục nhấn mạnh vào câu hỏi quan trọng, Trump đã tỏ ra không hài lòng, gọi đây là “trò xỏ lá” và chỉ trích truyền thông Mỹ “thối nát”.
“Tôi đã sống giữa những cơn bão chính trị ngay từ lúc đắc cử”, Trump nói với một phóng viên khác tại cuộc họp báo. “Qua hai năm rưỡi đầu nhiệm kỳ, tôi đã làm rất nhiều và chính quyền của tôi cũng đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử nước Mỹ”.
Bàn về những bê bối chính trị mà ông đã phải trải qua trong gần ba năm qua, Trump khẳng định mình “đã quen với nó, giống như mặc đồ vào buổi sáng vậy”. Trong một bình luận gay gắt đăng trên mạng xã hội Twitter, ông chỉ trích đảng Dân chủ đang lãng phí thời gian của người Mỹ với những thứ “rác rưởi”, ám chỉ cuộc điều tra luận tội ông.
Trump tiếp tục cáo buộc Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Schiff tội phản quốc. Tuy nhiên, ông lại không thể đưa ra bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho tuyên bố của mình. Điều này cũng không thể khiến phe Dân chủ đi chệch hướng khỏi cuộc điều tra luận tội.
Theo Collinson, Trump tự nhận mình là một “thiên tài ổn định”, tuy nhiên, cảm xúc giận dữ cùng sự bốc đồng ở ông rõ ràng đang cho thấy điều ngược lại.
Schiff hôm 2/10 cảnh báo việc Nhà Trắng cố tìm cách ngăn các nhân chứng đứng ra chống lại Trump trong cuộc điều tra luận tội sẽ bị coi là cản trở công lý, ngụ ý rằng hành động này có thể bị xem xét là một điều khoản luận tội.
Như vậy, đảng Dân chủ đang “trói tay” Trump một cách rất hiệu quả. Lần đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình, ông bị kiểm soát. Lâu nay, ông luôn là người ra quyết định, ép những người xung quanh phải làm theo ý mình. Việc không thể quyết định số phận bản thân chắc chắn khiến ông chủ Nhà Trắng thất vọng, Collinson đánh giá.
Hiện tại, trừ những cố vấn thân cận và đồng minh trung thành như thượng nghị sĩ Lindsey Graham, luật sư riêng Rudi Giuliani hay Ngoại trưởng Mike Pompeo, rất ít nghị sĩ đảng Cộng hòa dám lên tiếng bảo vệ ông trong cuộc điều tra luận tội. Lời đe dọa về hành vi “cản trở công lý” luôn lơ lửng trên đầu họ.
Theo phóng viên CNN Dana Bash và Jamie Gangel, đảng Cộng hòa đang quan ngại không chỉ về những hành động bốc đồng của Trump và còn về tương lai phía trước. “Ông ấy đang tự làm khó mình khi đưa mọi vấn đề nhạy cảm lên Twitter, cách làm chẳng mang lại lợi ích gì lúc này”, một nguồn tin giấu tên từ thượng viện Mỹ nói.
Với tâm trạng khó chịu của Trump như hiện hay, không ít người đã đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có tìm cách chống lại cuộc điều tra luận tội theo cách khiến ông có thể bị phản đòn và đối mặt với những nguy cơ lớn hơn hay không? Tổng thống Phần Lan Niinisto có lẽ cũng có suy nghĩ này khi ông nói với Trump trong cuộc họp báo chung rằng: “Ngài Tổng thống, ngài đang có một nền dân chủ tuyệt vời. Hãy để nó tiếp tục”.
Vũ Hoàng (Theo CNN)