Nguy cơ thiếu hụt oxy trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mỗi ngày còn cao, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND thành phố về nhu cầu sử dụng oxy y tế và tình hình sản xuất của doanh nghiệp cho các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nguồn cung oxy tế đang sụt giảm nghiêm trọng do hiện nay các đơn vị sản xuất oxy chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp nên lượng oxy phục vụ cho y tế không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh của các đơn vị y tế.
“Mặt khác, giá thành mua oxy thời gian qua, các công ty cung cấp oxy với giá ổn định nhưng khác nhau (thấp nhất 3.950 đồng/kg, cao nhất là 5.390 đồng/kg) và giá oxy cùng một công ty cung cấp cũng không thống nhất đối với các với các đơn vị khác nhau. Hiện một số công ty cung cấp oxy đã thông báo tăng giá từ tháng 12/2021. Để kịp thời đáp ứng công tác cấp cứu và điều trị người bệnh, Sở Y tế đề nghị UNBD thành phố xem xét chỉ đạo”, văn bản nêu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện thành phố đã qua đỉnh và thời điểm bùng phát mạnh của dịch COVID-19, nhưng số ca mắc mới mỗi ngày vẫn ở mức cao (trên dưới 1.000 ca/ngày). Dịch còn diễn biến phức tạp nên nhu cầu oxy lỏng y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế cũng tăng dần. Trong khi đó, công suất sản xuất của các nhà cung cấp có hạn dẫn đến thiếu hụt oxy lỏng để cung cấp cho y tế.
Nhu cầu oxy lỏng của các đơn vị y tế trong 1 tuần khoảng 1.070 tấn và 10.500 chai oxy loại 40 lít (tương đương 0,54 tấn). Dự kiến, thời gian tới, ngành Y tế cần 350 tấn oxy lỏng dự trữ mỗi ngày. Trong khi đó, theo thống kê, khả năng cung ứng oxy của 5 công ty cho thành phố chỉ tối đa 232 tấn/ngày.
Tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chiều 23/12, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, trong đợt dịch cao điểm từ tháng 7 – 9/2021, TP.HCM sử dụng khoảng 380 tấn oxy lỏng/ngày, hiện nhu cầu sử dụng giảm xuống còn khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày.
Tuy nhiên, dự báo số ca mắc mới mỗi ngày còn nhiều và số F0 phải sử dụng máy thở còn cao, TP.HCM cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày.
Thời kỳ cao điểm, TP.HCM có 11 đơn vị cung cấp oxy y tế, nhưng hiện giảm xuống còn 5 đơn vị; số còn lại chuyển qua sản xuất oxy công nghiệp do nhu cầu sản xuất thép, phục hồi kinh tế.
“Nếu không có kiến nghị, giải pháp, TP.HCM sẽ không thể có số oxy cần thiết để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, giải pháp trước mắt, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương điều phối việc sản xuất giữa oxy công nghiệp và oxy y tế nhằm đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Không chỉ riêng TP.HCM, các tỉnh miền Tây cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy y tế. Bộ Y tế nhận được thông tin từ Sở Y tế các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang… và nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực (Sovigaz, Oxy Đồng Nai…) là đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy y tế. Lý do là các nhà sản xuất đã tập trung trở lại cung ứng cho các ngành công nghiệp, sản xuất khác.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị 24 đơn vị tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng oxy y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay.
Ngọc Anh