+
Aa
-
like
comment

Nguy cơ suy thoái ngày càng rõ ràng với nền kinh tế Mỹ

Mạnh Hải - 04/11/2022 12:03

Sắp tới đây, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp chính sách tiếp theo và việc tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% là điều được dự báo gần như chắc chắn. Cùng với đó, cũng xuất hiện thêm những sự lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ khó tránh khỏi rơi vào suy thoái.

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng đến gần

Theo các báo cáo mới nhất thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã đạt mức tăng trưởng 2,6% trong quý III, cao hơn so với dự đoán được đưa ra trước đó. Đây có thể coi là một diễn biến tích cực, nhưng nó cũng chỉ có thể cho thấy rằng nền kinh tế sô một thế giới hiện tại chưa suy thoái chứ không phải đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái, nhất là khi trước đó GDP của Mỹ đã giảm trong quý I và quý II năm nay.

Hơn nữa, phần lớn sự tăng trưởng GDP lại đến từ việc giảm bớt thâm hụt thương mại, mà cụ thể là nhờ sự tăng mạnh hoạt động xuất khẩu năng lượng như khí tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu. Nhưng yếu tố này có tính biến động cao và chỉ là kết quả nhất thời khi xung đột Nga – Ukraine còn tiếp diễn. Về lâu dài, triển vọng tăng trưởng đang yếu đi, khi tiêu dùng trong nước đã giảm tốc độ tăng so với hai quý đầu năm.

Cùng với đó, thị trường nhà ở của Mỹ cũng bắt đầu có những biểu hiện xấu đi, thậm chí căng thẳng. Với việc tăng lãi suất của FED thời gian qua, lãi suất thế chấp mới đây đã tiếp tục tăng lên tới 7,16%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Trước đó, giá nhà ở Mỹ giảm kỷ lục trong tháng 8 với mức giảm 2,6%, còn trong tháng 9, doanh số bán nhà sẵn có giảm 24%, mức giảm tháng thứ tám liên tiếp tạo nên đợt giảm dài nhất kể từ năm 2007. Hoạt động xây dựng nhà mới bắt đầu sa sút và số lượng nhà mới giảm 22%.

Đối với thị trường lao động, tình hình dường như vẫn khả quan. Những số liệu cho thấy sự tăng trưởng việc làm vẫn được coi là một cơ sở để chứng minh sự khởi sắc của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy FED quyết liệt tăng lãi suất. Nhưng một điểm cần phải chú ý đó là ở đây, người ta luôn chỉ quan tâm tới số lượng việc làm, còn về mức tiền lương được trả cho những lao động ấy thì lại ít được để ý. Đã có sự giảm tốc rõ rệt trong tăng trưởng tiền lương ở khu vực kinh tế tư nhân, và cùng với việc lạm phát vẫn ở mức cao thì rõ ràng tiền lương thực tế của người lao động Mỹ đã bị giảm xuống. Đó là chưa kể, trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, việc làm chưa giảm một phần do nhiều công nhân vẫn đang bận rộn hoàn thiện những công trình được bắt đầu khi lãi suất còn thấp.

Một vấn đề nữa đó là tín dụng của nền kinh tế sẽ càng co hẹp khi lãi suất tiếp tục tăng. Vào năm 2020 và sau đó là 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng, nước Mỹ đã có những biện pháp mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có việc hạ lãi suất rất thấp. Các doanh nghiệp ở Mỹ đã vượt qua giai đoạn đó dựa vào những khối lượng tín dụng khổng lồ của nền kinh tế. Nhưng giờ đây, khi lãi suất tăng cao thì mỗi khi những khoản thanh toán tới hạn, vấn đề làm sao có thể trả nợ sẽ trợ thành một câu hỏi hóc búa. Và chính trong thời kỳ khủng hoảng, cái mà người ta tìm kiếm chính là những phương tiện thanh toán.

Như vậy có thể thấy rằng, tình hình của kinh tế Mỹ rồi đây sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Người ta có thể vẫn còn những hy vọng rằng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và điều này sẽ đem lại sự tích cực hơn. Nhưng vấn đề rõ ràng là lãi suất chẳng phải vẫn tiếp tục tăng hay sao? Và lãi suất thậm chí sẽ còn có thể duy trì ở mức cao trong suốt một thời gian dài nữa. Làm sao để tiêu dùng theo kịp sản xuất, để tránh hàng hóa sản xuất trở nên đầy ứ không tiêu thụ được. Làm sao để doanh nghiệp có thể đảm bảo khả năng thanh toán khi giá hàng hóa giảm xuống và nhu cầu cũng sụt giảm. Những điều này chính là vấn đề mà nước Mỹ sẽ còn phải rất đau đầu để giải quyết.

Mạnh Hải

Bài mới
Đọc nhiều