Nguy cơ suy sụp, EU tung 860 tỷ USD giải cứu
Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có, lên tới 860 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế các nước và ổn định khối, trước những khó khăn vì Covid và căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc.
Chính phủ 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa lớn chưa từng có, lên tới 750 tỷ euro (khoảng 860 tỷ USD) sau những giờ phút tưởng chừng đổ vỡ.
Đây là một thỏa thuận gây tranh cãi hiếm có kể từ khi khối này được thành lập năm 1993 bởi nhiều nước, trong đó có Hà Lan quyết liệt ngăn chặn kế hoạch ban đầu về quy mô, về tỷ lệ các khoản trợ cấp phải hoàn trả và các khoản cho vay, quy mô khoản tiền phải được hoàn trả trong ngân sách của EU đối với các nước giàu, cùng các quy định pháp lý liên quan đến các khoản tài trợ của quỹ.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Đức và Pháp, Ủy ban châu Âu (EC) dự định một gói kích thích khổng lồ lên tới 750 tỷ euro (858 tỷ USD), trong đó 500 tỷ euro theo hình thức tài trợ và 250 tỷ euro theo hình thức cho vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng, với mục đích giúp “lục địa già” hồi phục từ cuộc suy thoái chưa từng thấy do Covid-19 gây ra.
Sự phản đối quyết liệt của nhiều nước đã buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel buộc phải đưa ra những đề xuất mới nhằm phá vỡ thế bế tắc.
Cuối cùng thỏa thuận đạt được hướng: 390 tỷ euro sẽ được dành để trợ cấp, thay vì con số 500 tỷ euro như trước đó. Toàn bộ số nợ mới phát sinh sẽ được hoàn trả muộn nhất là năm 2058. Số vốn sẽ được cấp cho các nước từ đầu 2021.
Hồi tháng 4, EU cũng đã thông qua gói kích thích ngắn hạn trị giá 540 tỷ euro áp dụng cho toàn khối, độc lập với các gói riêng của từng nước.
Ngay sau khi EU đạt được nhất trí về kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn giai đoạn hậu Covid, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh. Chứng khoán châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng. Các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng xanh với hầu hết tăng 1-2%.
Trước đó, các TTCK châu Âu gặp khó bởi nền kinh tế các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và những căng thẳng về thương mại và công nghệ với Mỹ và Trung Quốc.
Chính quyền ông Donald Trump đang xem xét đáp trả thuế kỹ thuật số áp dụng mà nhiều nước trong khu vực EU tính áp lên doanh nghiệp công nghệ Mỹ như Facebook, Google… Động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn này.
EU vẫn chìm trong khó khăn
Hồi tháng 1/2020, Pháp và Mỹ suýt chút nữa đã nổ ra một cuộc chiến thương mại khi Mỹ có ý định áp thuế lên 2,4 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Pháp nhằm trả đũa vụ thuế kỹ thuật số. Mọi việc chỉ lắng xuống khi Mỹ đồng ý hoãn thi hành còn Pháp cũng lùi thời hạn áp dụng thuế kỹ thuật số xuống cuối năm 2020.
Hồi đầu tháng 2, ông Trump cho biết, đã đến lúc Mỹ phải đàm phán “nghiêm túc” với EU về thương mại. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn cho rằng, “châu Âu đã đối xử với Mỹ rất tệ,” “tệ hơn Trung Quốc”.
Đây là những tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng chính quyền ông Trump sẽ chuẩn bị một cuộc chiến thương mại, sau khi đã tương đối thành công trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chính quyền ông Trump cũng đã có những hiệp định thuận lợi tại khu vực Bắc Mỹ, với Ấn Độ và Nhật Bản.
Bất đồng giữa EU và Mỹ ở nhiều mặt trận. Chính quyền Trump nhiều lần đe dọa trừng phạt thuế quan đối với ô tô của châu Âu, cùng với các mức thuế quan đã có trong 2 năm qua với thép và nhôm của EU.
EU gần đây cũng gặp nhiều mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó có nguy cơ các doanh nghiệp trong khu vực bị Trung Quốc thâu tóm. Hồi giữa tháng 6, EU đã đề xuất một loạt quy định mới nhằm chống lại các vụ thâu tóm được thực hiện bởi các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn từ chính quyền các nước, như các công ty đến từ Trung Quốc.
Trong năm 2016, ông lớn công nghệ Tencent của Trung Quốc đã mua cổ phần chi phối của sản xuất trò chơi di động Phần Lan Supercell. Nhà sản xuất thiết bị điện Trung Quốc Midea cũng đã mua công ty robot Kuka của Đức. Gần đây, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba là Ant Financial đã mua sàn giao dịch tiền tệ có trụ sở tại U.K. WorldFirst. Ủy ban châu Âu cho biết, trong năm 2016, có tới 3% số doanh nghiệp EU đã được sở hữu và quản lý bởi các nhà đầu tư ngoài EU, chiếm tới 35% tổng số tài sản.
Trong nhiều năm qua, EU gặp khó khăn trên nhiều phương diện, nhất là sau khi nước Anh rút khỏi liên minh. EU đang vất vả để tìm ra sự cân bằng giữa các chính sách truyền thống như chương trình gắn kết dành cho các nước kém phát triển nhất và hỗ trợ nông nghiệp, với các ưu tiên mới được đặt ra như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay củng cố khả năng an ninh và quốc phòng để có thể khẳng định được vị thế địa chính trị trong một tương lai đầy biến động.
M. Hà/ VNN