+
Aa
-
like
comment

Nguy cơ nạn đói toàn cầu từ tình hình Ukraine và phản ứng của Việt Nam

Huy Hoàng - 24/03/2022 15:22

Nông dân toàn thế giới dường như cũng đang bị “trừng phạt” bởi cuộc xung đột tại Ukraine. Chỉ vài tuần sau khi phương Tây tung ra các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, giá phân bón hiện đã ở mức báo động, tăng tới gần 40% so với mức của một tháng trước. Liệu thế giới có đang đối diện với một nạn đói toàn cầu?

Nông dân toàn thế giới dường như cũng đang bị “trừng phạt” bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga và Belarus là hai nhà cung cấp phân bón chủ chốt của thế giới. Trong đó quan trọng nhất là phân kali, hai nước chiếm đến gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các công ty vận tải biển phần lớn đã bị cấm hoạt động ở Nga, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu đi vào bế tắc.

Tiếp đó, đầu tháng 3, Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón trong nước cắt giảm xuất khẩu để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào ngày 12/3, Ukraine cũng đã chính thức cấm xuất khẩu phân bón ra nước ngoài. Lithuania và Ukraine còn cấm vận các tàu vận chuyển phân bón từ Belarus qua cảng biển của họ. Chuỗi cung ứng phân bón bị tàn phá nghiêm trọng vì xung đột.

Nga và Belarus là hai nhà cung cấp phân bón chủ chốt của thế giới.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, xung đột Nga – Ukraine đang khiến ngành phân bón toàn cầu gặp khủng hoảng, dẫn đến nguy cơ về một nạn đói toàn cầu. Theo ông David M. Beasley, Giám đốc điều hành của FAO, nhận định kể cả khi giao tranh Nga – Ukraine kết thúc, cuộc chiến kinh tế vẫn sẽ tiếp diễn, khiến mức độ mất an ninh lương thực hiện nay là chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ II.

Ông David M. Beasley cảnh báo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực chưa từng thấy kể từ sau Thế chiến thứ II.

Giá phân bón thế giới leo thang, tất yếu sẽ lan đến Việt Nam, do nguồn phân kali nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Các nguồn cung khác của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới đây đưa ra cảnh báo, bất ổn địa chính trị hiện nay sẽ đẩy giá phân bón lên cao, qua đó gia tăng chi phí nông nghiệp và tác động xấu đến chuỗi cung ứng lương thực, trở thành gánh nặng cho chính phủ của đất nước 1,4 tỷ dân. Trung Quốc hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn cung các loại lương thực chủ chốt như lúa gạo, lúa mì, nhưng vấn đề nan giải lại là phân bón.

Trung Quốc hiện phải nhập khẩu hơn một nửa số phân bón kali, nhân tố quan trọng hàng đầu trong trồng trọt. Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, gần 53% lượng phân kali của Trung Quốc nhập khẩu từ Nga và Belarus.

Ông Xu Hongcai, Phó Giám đốc Uỷ ban Chính sách kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc thừa nhận rằng: “Nếu giao dịch phân bón và ngũ cốc bị gián đoạn thì làm sao chúng tôi có thể thực hiện vụ mùa tới một cách bình thường được? Làm sao chúng tôi có thể nuôi sống 1,4 tỷ dân đây? Hiện có quá nhiều thách thức phía trước.”

Trung Quốc đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực.

Đứt gãy nguồn cung bất ngờ khiến Trung Quốc không kịp trở tay. Trung Quốc đã nhanh chóng ra lệnh siết chặt xuất khẩu phân bón, đồng thời cho phép các nhà máy sản xuất phân bón từng nằm danh sách những công ty bị hạn chế vì tiêu thụ nhiều điện được phép hoạt động trở lại, cố chạy đua để đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm này không bị gián đoạn. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc đã giảm 27,8%.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2021, nguồn cung phân bón từ Trung Quốc của Việt Nam chiếm tới 43,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Còn với Nga, con số đó là 6,27%. Việc cả hai đối tác lớn cùng bị ảnh hưởng đã khiến thị trường phân bón Việt Nam “nhảy múa” suốt nửa tháng qua.

Tác động trực tiếp đến Việt Nam?

Theo Báo cáo về tình hình sản xuất phân bón trong nước của Cục Bảo vệ Thực vật, hiện tại, các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân ure, phân NPK… và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, với phân bón hữu cơ, các nhà máy sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật cũng dự báo, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 của Việt Nam sẽ không có sự biến động lớn so với năm 2021.

Duy chỉ có các nhà máy sản xuất phân vô cơ hỗn hợp (DAP) chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Trong khi đó, phân kali và phân đạm SA thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực, còn Nga và Belarus đều bị tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Một nhà máy sản xuất phân bón DAP tại Việt Nam.

Khó khăn của Việt Nam thời điểm này vẫn là nhanh chóng tìm nguồn cung mới cho phân kali. Phân kali là loại phân giúp tăng khả năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng của rễ cây. Vụ mùa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu cây trồng thiếu đi nguồn cung phân kali.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Bộ Công thương đang phối hợp với Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung mới, thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali. Tuy nhiên, các nhà cung cấp trong nước đều khẳng định phân kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới, do vắng bóng hàng từ Nga, Belarus nên Israel, Canada… sẽ “chớp thời cơ”.

Tuy nhiên, Bộ Công thương lo ngại rằng dù có hàng nhưng các đối tác mới sẽ sớm đưa ra mức giá cao, khoảng 800- 850 USD/tấn cho phân kali hạt bột và 1.000 USD/tấn cho phân kali hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200-1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Nhà máy sản xuất phân bón Gat Fertilizers của Israel.

Giá tăng là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, không gì quan trọng hơn nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung phân bón. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước, trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng, chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cục Bảo vệ Thực vật cũng kiến nghị Bộ Công thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng “biện pháp phòng vệ thương mại” đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP để việc nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể nhận định rằng trong giai đoạn ngắn hạn (đến khoảng đầu năm 2023), giá phân bón nhập khẩu sẽ tăng cao. Tuy nhiên, Việt Nam đang thúc đẩy các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và giá cả mặt hàng phân bón. Mặt khác, cảnh báo về nguy cơ nạn đói toàn cầu từ FAO có thể sẽ khiến các quốc gia nới lỏng các lệnh trừng phạt và tìm cách khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực theo đó cũng khó có thể xảy ra, nhất là tại Việt Nam.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều