Nguy cơ lớn từ tình trạng đốt rơm, rạ
Ngay trong những ngày thời tiết nắng nóng kỷ lục thì người dân Thái Bình lại hứng chịu những làn khói bay mịt mù tỏa ra từ việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng.
Khói từ việc đốt rơm rạ với khối lượng lớn không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân mà còn là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, việc người dân tận dụng đường giao thông làm nơi tập kết phơi thóc lúa, rơm rạ sau thu hoạch tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông .
Dọc các tuyến đường liên xã của tỉnh Thái Bình, vẫn có những đoạn đường thóc phơi tràn ra đến giữa đường.
Không những thế, người dân còn dùng cả gạch, đá, bàn ghế, cây khô… để che chắn khu vực phơi thóc, không cho các phương tiện giao thông đi vào, gây ra những mối nguy hại khó lường.
Đó là chưa kể, có những nơi khói, bụi từ quá trình đốt trộm rơm rạ gây cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. Các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc do khói bụi từ việc đốt rơm rạ cũng như phơi rơm, thóc lúa trên đường giao thông.
Điển hình như, hồi 13 giờ 45 phút ngày 14/6/2018, trên đường 396B thuộc địa phận thôn Đông Hồng, xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ), xe ô tô 4 chỗ đang lưu thông theo hướng Quỳnh Côi – ngã ba Đọ, do cuốn vào rơm nên đã bất ngờ bốc cháy phần đuôi xe.
Khi xe bốc cháy, người dân địa phương đã tập trung cứu hỏa và đẩy xe xuống mương nước cạnh đường. Do vướng đường ống nước máy chạy qua mương nên xe ô tô bị cản lại, người dân tiếp tục tập trung chữa cháy, khoảng 10 phút sau đám cháy được dập tắt hẳn. Những người ngồi trên xe đã kịp thời thoát ra ngoài.
Ngày 02/ 6/2019, cháu Hà Văn Hải trú xã Tân Tiến (Hưng Hà) là học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà đi học về, do khói đốt rơm rạ che khuất tầm nhìn nên đã tông vào xe đạp điện do ông Ngô Văn C cùng quê điều khiển ngược chiều, hậu quả cháu H bị gãy chân.
Hay gần đây nhất, khoảng 13 giờ ngày 31/5/2020, anh Bùi Thanh Liêm, sinh năm 1987, trú quán tại thôn Vĩnh Thắng, xã Nam Thanh (Tiền Hải) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 30E- 00804 đi trên đê theo hướng từ Hưng Hà sang Vũ Thư, đi qua cầu Tịnh Xuyên.
Khi đến chân cầu địa phận xã Đồng Thanh (Vũ Thư) thì phát hiện rơm cuốn vào bánh xe khiến xe bốc cháy. Anh Liêm và chị Oanh kịp thời ra khỏi xe, nhưng xe ô tô bị cháy rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Sự việc trên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng nông dân đốt rơm rạ và phơi rơm rạ, thóc lúa trên các tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ cho các phương tiện tham gia giao thông, đồng thời cũng là bài học cho các chủ điều khiển phương tiện chú ý quan sát, đề phòng cháy nổ.
Theo thạc sỹ Hà Mạnh Tuấn (Bệnh viện Sản nhi tỉnh Thái Bình) thì trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2… Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở…
Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon), là loại khí rất độc có thể gây chết người.
Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Đã có nhiều bệnh nhi nhập viện sau mùa gặt mà nguyên nhân cũng từ khói đốt rơm rạ của bà con .
Thực tế tại các địa phương, việc người dân đốt rơm rạ cũng như phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường giao thông ngày càng xảy ra nhiều hơn cho dù địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở.
Tại thôn Đa Phú, xã Thống Nhất (Hưng Hà), bà con nông dân đang bắt đầu vào mùa gặt. Chị Nguyễn Thị Hoài (người dân xóm 4) cho biết, cứ vào chính vụ gặt thì cả làng phải sống chung với khói rơm rạ, mặc dù ý thức được việc đốt rơm sau thu hoạch sẽ không tốt cho môi trường. Năm nay mặc dù đã nghe tuyên truyền trên đài phát thanh, nhưng các hộ dân chưa có giải pháp nào khác để xử lý số rơm sau mỗi vụ mùa.
“Sau khi rơm đốt sẽ thành tro. Tro này được ủ khoảng 2 – 3 tháng rồi đem bón cho các ruộng trồng rau. Vài hôm nữa gặt xong, có lẽ chúng tôi cũng lại đốt rơm thôi”, chị Hoài nói.
Khi thấy chúng tôi chụp ảnh, ông Tạ Tiến Thu ở thôn Chấp Trung 2, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) vội dập đống rơm đang đốt dở từ ruộng, vừa dụi mắt đỏ lên vì khói. Ông Thu cho biết, trước đây hầu hết mọi người đều đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, bởi bây giờ ít nhà nuôi trâu bò, đất cũng không nhiều mà tích rơm rạ như trước.
Ngay như nhà ông cấy trên 2 mẫu nên đốt rơm đi để lấy tro bón ruộng, hoặc bán cho những người làm nghề ươm giống cây trồng, cây cảnh. “Nay tôi cũng chưa biết xử lý thế nào và cũng chưa hiểu rõ về công văn mới của UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu người dân không đốt rơm ra ngoài đồng, trên đường đi”, ông Thu ngượng nghịu trả lời.
Với thực trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng mà cụ thể là UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải tích cực tuyên truyền hơn nữa về Công văn 2566-UBND-NNTNMT của UBND tỉnh, hướng bà con nông dân có các giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ, như vùi rơm rạ vào đất để duy trì nguồn đạm hữu cơ, dùng làm thức ăn gia súc, tận dụng trồng nấm rơm…
Tiếp tục tuyên truyền và xử lý những vụ phơi thóc lúa, rơm rạ lấn chiếm đường giao thông. Cũng cần kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình làm trái và quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cấp thôn, cấp xã còn chưa coi trọng công việc này.
Điều quan trọng nhất để xóa bỏ việc đốt rơm rạ hoặc lấn chiếm đường giao thông làm sân phơi là ở chính ý thức của bà con nông dân. Bản thân người nông dân cũng đã nhận thấy rõ ràng về tác hại của việc đốt rơm, rạ trong ngày mùa, song mọi việc có thể thay đổi được hay không thì còn phụ thuộc vào sự thay đổi về nhận thức, thói quen của chính họ.
Sơn Ca