Nguy cơ đại dịch khi virus corona lan sang 3 châu lục
Sự gia tăng đáng báo động của các ca nhiễm virus corona mới bên ngoài Trung Quốc, với lo ngại về sự bùng phát lớn ở Iran, đang đe dọa biến Covid-19 thành đại dịch toàn cầu.
Tại Iran, nơi vừa khẳng định hôm 18/2 rằng không có trường hợp nào mắc bệnh, virus này có thể đã đến hầu hết thành phố lớn, bao gồm cả Tehran, và đã giết chết ít nhất bốn người, theo các quan chức y tế. Đã có trường hợp du khách từ Iran xét nghiệm dương tính với virus này xuất hiện ở Canada và Lebanon.
Số trường hợp cũng tăng vọt ở Hàn Quốc, với sự lây lan bất ngờ gắn liền với một nhà thờ bí mật, nơi hàng trăm hội viên tham dự hành lễ với nhiều người bị nhiễm virus.
Bài viết ngày 21/2 của New York Times cho rằng sự bùng phát ở Hàn Quốc và nguy cơ dịch bệnh lan rộng tại Trung Đông đang đe dọa biến Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, thay vì chỉ gói gọn phần lớn số ca nhiễm trong Trung Quốc.
Bệnh dịch âm thầm lan truyền
Mỹ hiện có 34 trường hợp. Italy đã trải qua đợt tăng đột biến từ 3 trường hợp lên 17 và yêu cầu các biện pháp kiểm dịch bắt buộc.
“Những trường hợp mà chúng ta thấy ở phần còn lại của thế giới, mặc dù con số rất nhỏ, nhưng không liên quan đến Vũ Hán hay Trung Quốc, thật đáng lo ngại”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết hôm 21/2 trong cuộc họp báo tại trụ sở của cơ quan ở Geneva.
Theo New York Times, các báo cáo đáng lo ngại từ Tehran cho thấy virus đã được truyền đi rộng rãi hơn ở đó so với những gì các quan chức thừa nhận trước đó. Trong khi các quan chức y tế của đất nước chỉ xác nhận 18 trường hợp vào ngày 21/2, số ca tử vong cho thấy tổng số có khả năng cao hơn nhiều.
Bốn trường hợp tử vong được báo cáo, có nghĩa là ít nhất 200 trường hợp, Michael T. Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Chính sách tại Đại học Minnesota, cho biết. Nếu virus giết chết khoảng 2% người nhiễm đã biết, như các bác sĩ Trung Quốc đã báo cáo, thì số người chết có thể được nhân lên 50 để có được ước tính số trường hợp sơ bộ, ông giải thích.
“Người ta không chết ngay vì virus này – thường phải mất hai hoặc ba tuần sau khi các trường hợp bắt đầu lây lan cho cái chết đầu tiên. Vì vậy, có thể có rất nhiều trường hợp, và nhiều cái chết sắp đến”, ông Osterholm nói.
Minou Mohrez, thành viên ủy ban bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Iran, nói với hãng tin IRNA hôm 21/2 rằng rõ ràng virus đang lan rộng khắp các thành phố của Iran.
Người phát ngôn của Bộ Y tế, Kianush Jahanpur, cho biết đã có hơn 735 người nhập viện với các triệu chứng giống cúm và đang được xét nghiệm virus.
Hôm 21/2, cơ quan hàng không dân dụng Kuwait đã dừng tất cả chuyến bay đến và đi từ Iran, nơi có chung đường biên giới dài với cả Afghanistan và Iraq, nơi các quan chức y tế có khả năng hạn chế trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus nếu nó đến được các quốc gia đó.
Sự hoài nghi gia tăng
Tiến sĩ Sylvie Briand, giám đốc quản lý các mối nguy truyền nhiễm cho WHO, cho biết sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp ở Iran đang gây bất an.
“Chúng tôi đang tự hỏi mức độ bùng phát ở Iran là bao nhiêu. Chúng tôi đang tự hỏi về tiềm năng cho nhiều trường hợp sẽ sơ tán trong những ngày tới. Chúng tôi muốn tất cả quốc gia nhận thức được điều này và đưa ra các biện pháp chi tiết để nhận dạng những trường hợp này càng sớm càng tốt”, bà nói.
Tại Hàn Quốc, tổng số trường hợp đã vượt qua 340 vào sáng 22/2 và chính quyền đang chạy đua truy tìm tất cả những người đã tiếp xúc với các thành viên của Nhà thờ Shincheonji. Các thành viên của nhà thờ đó, cùng với người thân của họ và những người khác đã nhiễm virus từ họ, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm bệnh được xác nhận của nước này.
Các quan chức y tế cho biết hơn 1.250 thành viên khác trong nhà thờ đã báo cáo các triệu chứng tiềm ẩn, làm tăng khả năng số ca nhiễm của cả nước tăng vọt.
Tất cả bốn cái chết liên quan đến virus ở Iran xảy ra ở Qom, thành phố thánh nổi tiếng với những người hành hương Shiite trên khắp Trung Đông.
Ông Jahanpur, phát ngôn viên của Bộ Y tế cho biết đã có người thử nghiệm dương tính ở Qom, Tehran và Gilan, gần Biển Caspian.
Với những tin đồn lan khắp cả nước trên các dịch vụ nhắn tin tức thời như Telegram, ông chúng bối rối và ngày càng lo lắng khi trạm tàu điện ngầm lớn nhất Tehran đột nhiên bị đóng cửa. Công nhân mặc đồ bảo hộ xuống nhà ga, dường như phản ứng với các báo cáo về những người đi làm bị bệnh. Nó vẫn đóng cửa tối 21/2.
Sự hoài nghi ngày càng tăng đối với việc xử lý ổ dịch của chính phủ. Mahmoud Sadeghi, tiếng nói chỉ trích thẳng thắn của nghị viện từ Tehran, đã cáo buộc chính phủ “che giấu sự lây lan của dịch bệnh”.
Trong khi nguồn gốc của dịch ở Iran không thể được xác định, các quan chức suy đoán rằng nó bắt đầu từ lượng lớn công nhân Trung Quốc ở nước này.
Các cụm lây nhiễm toàn cầu mới một lần nữa cho thấy khó khăn trong việc đánh giá số lượng nhiễm trùng thực sự, trong bối cảnh lo ngại về việc giấu bệnh và thay đổi tiêu chí xác nhận các trường hợp nhiễm.
Tiếp tục củng cố ý tưởng rằng virus đang lan truyền rộng rãi, một nhóm mô hình dịch tễ học từ Đại học Hoàng gia ở London ước tính rằng hai phần ba số người nhiễm virus corona đã rời Trung Quốc đại lục trước khi những hạn chế được đưa ra khắp thế giới mà không bị phát hiện.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán có bao nhiêu trường hợp được phát hiện ở các quốc gia khác nhau và có bao nhiêu trường hợp đã được phát hiện dựa trên các chuyến bay rời Vũ Hán ngay trước khi hầu hết chuyến bay ra khỏi Trung Quốc kết thúc.
Nhóm kết luận thất bại trong việc phát hiện ca nhiễm, có khả năng dẫn đến nhiều chuỗi lây truyền từ người sang người, chưa được phát hiện.
Hồng Anh (Theo New York Times)