Nguy cơ ‘chiến tranh giữa các vì sao’ từ sự cạnh tranh không gian Mỹ – Nga
Mỹ và Nga đang cạnh tranh mạnh mẽ trong không gian, điều này có nguy cơ làm gia tăng hoạt động quân sự hóa không gian, dẫn đến “Chiến tranh giữa các vì sao”.
Theo báo cáo của Tạp chí Phố Wall, Mỹ và Nga hôm 27/7 đã tổ chức cuộc đàm phán an ninh không gian đầu tiên kể từ năm 2013 tại Vienna. Hai bên đã tranh cãi gay gắt về phương thức ngăn chặn việc quân sự hóa không gian đang ngày càng tăng. Triển vọng tương lai cho thấy, cuộc chạy đua vũ trang không gian Mỹ – Nga có thể sẽ tiếp tục leo thang, và tình hình an ninh không gian không mấy lạc quan.
Chưa đạt được các hiệp định có tính thực chất
Theo báo cáo, sau cuộc đàm phán an ninh không gian vừa qua, hai bên tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán về không phổ biến hạt nhân từ ngày 28-30/7. Vòng đàm phán này tập trung vào các vấn đề như an ninh không gian, chính sách hạt nhân, tiềm năng hạt nhân và tính minh bạch.
Trước khi diễn ra đàm phán, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí Christopher Ford tuyên bố rằng, Mỹ dự kiến thảo luận với Nga về khả năng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trong không gian, để có thể đưa ra công cụ quản lý nguy cơ, hình thành tính dự báo, tính ổn định trong lĩnh vực mới này. Cùng với đó, Mỹ hy vọng sẽ cùng Nga khôi phục các kênh liên lạc song phương, tránh xung đột trong quỹ đạo tầm thấp.
Về phía Nga, yêu cầu của Moscow trước cuộc họp càng dứt khoát hơn, đó là xây dựng một bộ điều ước hạn chế vũ khí không gian, cấm triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định, Nga luôn tuân thủ nguyên tắc phi quân sự hóa không gian một cách triệt để và bảo đảm rằng, Nga không bố trí bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian. Nga trước đây đã đệ trình dự luật này lên Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, nhưng đã bị Mỹ phản đối.
Đối với hội nghị lần này, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng, các phái đoàn hai bên đã trao đổi quan điểm về các mối đe dọa, chính sách, chiến lược và học thuyết không gian hiện tại và tương lai; thảo luận về tiến trình thúc đẩy an ninh vũ trụ, một cách chuyên nghiệp và bền vững. Tuy nhiên, theo thông báo, Mỹ và Nga đã không đạt được thỏa thuận thực chất trong các cuộc đàm phán.
Tranh chấp sau “cánh gà”
RIA Novosti ngày 27/7 dẫn lời một chuyên gia Nga cho biết, trước cuộc gặp, Mỹ và Nga đã có tranh chấp về các hành động mới nhất của vệ tinh Nga.
Mỹ và Anh chỉ trích Nga. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (SpaceCom) John Raymond và Phó Thống đốc Không quân Harvey Smyth, người đứng đầu Tổng cục Vũ trụ của Anh đồng tuyên bố, có bằng chứng cho thấy Nga đã thử vũ khí chống vệ tinh trong không gian vào ngày 15/7, điều đó có nghĩa là Moscow có ý định triển khai vũ khí có thể đe dọa đến vệ tinh của Mỹ và đồng minh. Nga đã biến không gian thành một “chiến trường” mới.
Ông Raymond cũng tuyên bố rằng, tháng 2/2020, một cặp vệ tinh Nga có tên mã là “Space 2542” và “Space 2543” đã chặn các vệ tinh tình báo Mỹ, nhất là tín hiệu vệ tinh có tên mã “US 245” (còn được gọi là KH-11). Đây là “hành vi bất thường và đáng lo ngại.” Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định, Anh sẽ cải thiện khả năng đối phó với các mối đe dọa không gian của Nga.
Về phía Nga, Moscow tin rằng âm mưu của Mỹ vẫn không thay đổi. Chuyên gia quân sự Nga Leonkov cho biết, những cáo buộc của Mỹ và Anh là vô căn cứ, mục đích trong hành động của Mỹ là để biện minh cho chương trình quân sự hóa vũ trụ của mình. Nga không coi vệ tinh giám sát là vũ khí không gian. Trên thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và hệ thống phòng không S-500 của Nga về mặt lý thuyết có thể phá hủy các vệ tinh, đây là phương tiện hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng vệ tinh làm vũ khí.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin Thượng viện Nga Pushkov chỉ ra, Mỹ nên tập trung vào việc thiết lập một cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, thay vì “phán xét Nga phải làm gì hay không làm gì”.
Thời báo Izvestia của Nga bình luận rằng, chính Mỹ mới coi không gian là một chiến trường, những bố trí quân sự của Washington cùng đồng minh và đối tác trong không gian không chỉ nhằm mục đích răn đe mà còn nhằm tấn công những “kẻ thù tưởng tượng”. Báo “Độc lập” của Nga thì chỉ trích một cách trực tiếp hơn, khi cho rằng, người Mỹ đang khôi phục khái niệm “Chiến tranh giữa các vì sao khét tiếng”, họ không chỉ có thể đe dọa Moscow từ không gian, mà còn các đối thủ tiềm năng khác.
“Chiến tranh giữa các vì sao” sẽ thành sự thật?
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi vòng đàm phán an ninh không gian vừa qua giữa Mỹ và Nga không đạt được kết quả thực chất, do Mỹ là quốc gia khởi xướng quân sự hóa không gian và là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh không gian.
Từ việc cho phép thành lập một lực lượng không gian, đến phiên bản mới của “Chiến lược phòng thủ không gian” đề xuất tăng tốc chuẩn bị cho chiến tranh không gian trong 10 năm tới, cho đến việc tạo ra các vũ khí tấn công mới can thiệp vào tín hiệu vệ tinh. Những điều này cho thấy “sự hung hăng” của Mỹ trong chiến lược không gian. Nhìn về tương lai, triển vọng kiểm soát vũ khí không gian Mỹ-Nga và an ninh vũ trụ toàn cầu không mấy lạc quan.
Mỹ và Nga có thể đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang không gian. Mỹ đang có nhiều hành động nhằm quân sự hóa không gian và chuẩn bị cho cuộc “chiến tranh giữa các vì sao” trong tương lai, hành động của Mỹ sẽ làm leo thang căng thẳng ngoài không gian và thúc đẩy các quốc gia khác cũng có những hành động tương xứng. Trong đó, Nga sẽ là quốc gia đáp trả triệt để nhất, Nga sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo lợi ích của mình trong không gian để cạnh tranh với Mỹ.
Tình hình an ninh không gian có thể còn xấu đi hơn nữa. Xu hướng quân sự hóa không gian của Mỹ đang mang lại sự bất an cho các quốc gia liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parley mới đây tuyên bố rằng, Pháp sẽ bổ sung hàng trăm triệu euro vào ngân sách phòng thủ không gian của mình để phát triển lực lượng vũ trụ nhằm ngăn chặn “những động thái không thân thiện” mà các quốc gia khác có thể thực hiện ngoài vũ trụ.
Trong tương lai, không loại trừ khả năng nhiều quốc gia sẽ đẩy nhanh quá trình quân sự hóa không gian với lý do tự vệ và tình hình an ninh không gian sẽ thực sự “căng như dây đàn”, khó có thể đảm bảo rằng một kịch bản “chiến tranh giữa các vì sao” sẽ không xảy ra.
Đức Trí/IF