Nguồn tiền không cần đóng thuế “đổ” vào chùa khủng thế nào?
Nói về việc sư Thích Thanh Toàn “chém” sở hữu tài sản lên đến 200 -300 tỷ đồng, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói rằng, có trụ trì chùa còn quản lý số tiền hơn nhiều lần số tiền đó, thậm chỉ cả ngàn tỷ bạc và đó là sự sơ hở trong Ban trị sự Phật giáo của Trung ương cũng như tỉnh Vĩnh Phúc, sơ hở trong quản lý nhà nước.
Liên quan vụ việc, Đại đức Thích Thanh Toàn, người bị tố gạ tình phóng viên vừa được chấp thuận xả giới, hoàn tục muốn giữ lại khối tài sản trị giá hơn 300 tỷ, trong đó có diện tích lớn đất ruộng mua của người dân xung quanh chùa Nga Hoàng, dư luận băn khoăn về việc nguồn tiền “đổ” vào chùa khủng thế nào dưới danh nghĩa cúng dường, công đức và việc quản lý nguồn tiền ấy như thế nào chứ không thể để trụ trì chùa tùy ý sử dụng và được hưởng như sư Toàn.
Bởi tại Điều 62 và 63 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ, tài sản thuộc về Giáo hội, mọi hoạt động ở chùa phát sinh thu nhập từ khách đến cúng, công đức đều là của chùa. Do đó, cá nhân sư thầy không được sở hữu tài sản, kể cả tiền cúng dường. Tuy nhiên, nếu sư Toàn không nộp vào quỹ chùa mà dùng tiền cúng dường, công đức mua tài sản và tự ý coi là của riêng thì cũng không có bằng chứng nào để chứng minh được. Do vậy, đó là lỗ hổng trong công tác quản lý nguồn tiền tại chùa.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay, nắm được tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam, nhiều địa phương xây dựng chùa lớn kết hợp du lịch tâm linh. Trong đó có việc xây dựng chùa để người dân đến chiêm ngưỡng, cúng bái, thu dịch vụ, cúng dường, công đức.
“Thời gian qua, người dân đến chùa chiền cúng dường, công đức với số tiền rất lớn. Có khi người ta làm từ thiện, chi đồng xu, cắc bạc còn suy nghĩ, ra ngoài chợ mua bán gian dối, lừa gạt nhau nhưng đến chùa, sẵn sàng sử dụng một số tiền lớn để cúng dường, công đức. Cho nên trường hợp như sư Thích Thanh Toàn khi làm trụ trì chùa Nga Hoàng mà sở hữu tài sản như sư này nói lên đến 200, 300 tỷ thì cũng cần xem xét lại cách quản lý của chúng ta trong tiền cúng dường, công đức”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, thực tế, tiền của người dân họ cúng dường, công đức chùa, cúng bái cho trời phật chứ không phải là cúng cho ai đó, cúng cho trụ trì.
“Đương nhiên chùa thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù trong quy định rất rõ ràng, quy định tiền cúng dường, công đức là phải công khai, minh bạch, rõ ràng, trong khi đó, tiền cúng dường, công đức để xây dựng chùa, phát triển chùa chứ không thể nào sử dụng số tiền đó mà tiêu xài cho cá nhân trụ trì, sử dụng cho cá nhân rồi mua bán đất đai để có một số tiền lớn đến như thế. Tôi cho rằng, con số mà sư Thích Thanh Toàn nói lên đến 300 tỷ thì cần phải xem xét cho cụ thể rõ ràng. Bởi tôi cho rằng, số tiền đó không thể là tiền của cá nhân sư Toàn được mà đây là tiền cúng dường, công đức vào chùa”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Đồng thời, Đại biểu Hòa đặt câu hỏi: Tại sao thời gian qua, không quản lý để cho cá nhân sử dụng số tiền đó rồi đứng tên mua bán đất đai, xây nhà?.
Từ đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây rõ ràng là sự sơ hở trong Ban trị sự Phật giáo của Trung ương cũng như tỉnh Vĩnh Phúc và sơ hở trong quản lý nhà nước trong thời gian qua. Khi ai cũng xem chuyện này không phải chuyện của mình mà là chuyện của nhà chùa.
Đáng chú ý, Đại biểu Hòa cho rằng, chùa nào cũng vậy chứ không chỉ xảy ra tại chùa Nga Hoàng.
“Chùa nào cũng thế. Chùa nào có người dân đến cúng dường, công đức đều như vậy. Nếu mà truy ra không chỉ chùa Nga Hoàng mà nhiều trụ trì chùa khác cũng vậy. Theo tôi biết, các chùa khác, thậm chí trụ trì chùa còn quản lý số tiền hơn nhiều lần số tiền đó, thậm chỉ cả ngàn tỷ bạc. Sự việc xảy ra tại chùa Nga Hoàng nên mới phát hiện trường hợp của trụ trì Thích Thanh Toàn như vậy. Khi sư Toàn xin xả giới, hoàn tục mới phát hiện khối tài sản lớn đến như vậy. Còn nhiều trụ trì hiện tại còn quản lý nhiều tài sản hơn thế nữa. Cho nên tôi nghĩ rằng, nhà nước cần có quy định để quản lý tiền cúng dường và tiền công đức như thế nào cho rõ ràng, minh bạch, chi tiêu đúng mục đích của người dân cúng dường vào chùa”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Trong một đoàn clip được đăng tải, sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại tài sản cá nhân. Sư Toàn giải thích rằng mua trang trại không phải cho riêng mình, để nuôi các cháu ăn học và làm từ thiện cho bệnh viện và nói rằng: “Trang trại quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai hay chuyển như thế nào. Nếu tính tài sản bây giờ cũng khoảng 200-300 tỷ đấy”.
Trao đổi với báo chí sáng 10/10, Đại đức Thích Tâm Vượng – Phó Ban trị sự kiêm chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cái khó mà Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đang phải đối mặt để giải quyết khối tài sản của sư Thích Thanh Toàn sau khi ông này xin xả giới hoàn tục, giữ lại tài sản cá nhân.
Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nhưng trước tiên phải xác định được cụ thể hiện trạng của tài sản, tính pháp lý của tài sản đó hiện nay thế nào, tài sản đó có thật hay không, làm rõ giá trị 300 tỷ có thật hay không.
Trước đó, trao đổi với PV ngày 9/10, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội nhận được báo cáo cho thấy, nhà sư Thích Thanh Toàn tự mua hơn 6.000 m2 đất xung quanh chùa Nga Hoàng của người dân. Tuy nhiên, đất này chưa được chuyển nhượng theo Luật Đất đai nên UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
Nói về thỉnh nguyện sở hữu tài sản của sư Thích Thanh Toàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện, dù có đúng theo Luật Đất đai nhưng theo Luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa thì tất cả những gì họ đang sử dụng đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn). Đến khi vị tỳ kheo mất đi, ngay cả tài sản trên mình gồm 3 tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.
Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội như chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Căn cứ theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội.
Nội quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ là sau khi bổ nhiệm trụ trì thì tất cả tài sản thuộc về cơ sở tự viện, tức thuộc Tăng. Sư Toàn sở hữu tài sản cho mục đích hoạt động của cơ sở tự viện, tài sản vẫn thuộc về Tăng, thuộc về Giáo hội và Giáo hội có quyền định đoạt tài sản đó.
Do vậy, việc sư Toàn lý luận do công đức cá nhân thì cá nhân thuộc về Tăng. Căn cứ theo luật Phật, Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương thì sư Toàn không được quyền nhận tài sản, chỉ Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản. Việc đề nghị là việc của sư Toàn, còn quyết định là việc của Giáo hội.
Theo đó, nếu việc mua bán hơn 6.000 m2 đất là hợp pháp, tài sản này cũng thuộc về chùa Nga Hoàng và phải bàn giao lại cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc. Còn tất cả tài sản mà sư Toàn kê khai, sau khi xác minh cũng do Giáo hội quyết định chứ không có việc sư Toàn sau khi hoàn tục sẽ được hưởng.
(Theo Kiến Thức)