Nguồn cơn xung đột giữa Nga và Ukraine
Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh quân sự giữa Ukraine và Nga đang ngày càng một leo thang. Mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vốn gắn bó nay trở nên như nước với lửa. Vậy nguồn cơn cho sự xung đột giữa hai nước láng giềng này rốt cuộc là đến từ đâu? Để hiểu được điều này, chúng ta cần phải nhìn vào lịch sử của vùng Đông Slav.
Cội nguồn lịch sử
Trong thời kỳ trung cổ, khoảng cuối thế kỷ thứ 9, tọa lạc trên vùng Đông Slav có một đại công quốc mang tên Kiev Rus’ hay còn gọi là Nga Kiev (tên tiếng Anh: Kievan Rus’). Kiev Rus’ là một quốc gia liên bang rộng lớn, có diện tích là toàn bộ lãnh thổ Ukraine và Belarus và một phần nước Nga ngày nay. Do đó, dân tộc Nga, Ukraine và Belarus thực tế đều có chung một nguồn gốc văn hóa và lịch sử.
Kiev Rus’ trở nên cực thịnh vào thế kỷ thứ 10 và 11, nhưng sau đó bị đánh bại bởi Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ 13. Kiev Rus’ sụp đổ hoàn toàn vào năm 1240 và tan rã thành nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Sự tan rã đó cũng kéo theo sự phân chia thành các dân tộc Nga, Ukraine và Belarus.
Sau khi Mông Cổ suy yếu, vùng đất Ukraine tiếp tục bị xâu xé bởi nhiều thế lực châu Âu gồm Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Phổ, Áo, Hungary. Đến thế kỷ 18, Đế quốc Nga trỗi dậy và chiếm được phần lớn vùng Ukraine từ tay người Ba Lan. Tuy nhiên, Đế quốc Nga được hình thành tận 5 thế kỷ sau khi Kiev Rus’ tan rã. Trong thời gian đó, dân tộc Ukraine đã kịp xây dựng một nền văn hóa bản sắc của riêng mình. Song về mặt quyền lực, họ vẫn không được tự quyết dưới sự cai trị của các Sa hoàng (vua Nga). Thậm chí, chính quyền Sa hoàng còn tiến hành chính sách “Nga hoá’” như ngăn cấm người dân nói tiếng Ukraine.
Nền cộng hòa Xô viết
Sang thế kỷ 20, Đế quốc Nga cũng sụp đổ (năm 1917). Đi cùng với sự sụp đổ đó là một phong trào đòi quyền tự quyết xuất hiện trên khắp vùng đất Ukraine. Nhiều đảng phái được hình thành tại Ukraine và tuyên bố thành lập nhà nước, như “Cộng hòa Nhân dân Ukraine”, “Tổng cục Ukraine”… Các chính quyền đều tuyên bố thủ đô của mình là thành phố Kiev. Song, một trong những đảng phái ở Kiev thời bấy giờ đã mong muốn tạo dựng một liên bang với người Nga. Họ đã triệu tập một cuộc họp quốc hội riêng rẽ và tuyên bố thành lập nhà nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine” vào ngày 25/12/1917. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa các đảng phái khác diễn ra ngay sau đó.
Dưới sự giúp sức của quân đội Nga, Nhà nước CHXHCN Xô viết Ukraine kiểm soát được phần lớn lãnh thổ Ukraine không lâu sau đó. Đến năm 1920, đất nước Ukraine chính thức đi vào ổn định, kết thúc một thời kỳ sống dưới ách cai trị của các Sa hoàng. Và 5 năm sau, ngày 30/12/1922, CHXHCN Xô viết Ukraine chính thức trở thành thành viên của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (tức Liên Xô).
Trong Thế chiến thứ II, quân đội Đức xâm lược Liên Xô, khơi mào cho một cuộc chiến tranh tổng lực kéo dài trong 4 năm liền. Tất nhiên, CHXHCN Xô viết Ukraine cũng tham gia vào cuộc chiến chống phát xít Đức.
Những rạn nứt nhen nhóm từ Thế chiến thứ II
Mùa đông năm 1943, thủ đô Kiev rung chuyển vì tiếng đạn pháo, xe tăng và phi cơ trong cuộc giằng co quyết liệt giữa quân đội Xô viết và Đức Quốc xã. Ukraine nhanh chóng trở thành “vùng đệm” mắc kẹt giữa Nga và Đức, giữa nạn đói và tàn sát. Ukraine gánh chịu tổn thất nặng nề trong Thế chiến thứ II. Theo ước tính, thiệt hại về mặt dân số với Ukraine lên tới 5 đến 8 triệu người. Đây cũng chính là một trong những vết nứt giữa Nga và Ukraine, dù nước Nga cũng phải chứng kiến số thương vong lên đến hơn 20 triệu người. Đỉnh điểm, chính quyền Ukraine vào năm 2016 đã thông qua một tuyên bố cáo buộc cả Liên Xô và Đức Quốc xã phải chịu trách nhiệm gây nên Thế chiến thứ II.
Nhưng thực chất, trước đó mâu thuẫn với Liên Xô cũng đã nhen nhóm bên trong lòng Ukraine. Dù phần lớn người Ukraine bấy giờ đều chiến đấu bên cạnh Hồng quân, song cũng đã có một số thành phần chống Liên Xô ở Ukraine. Phe đối lập đã bí mật lập ra phong trào “Quân đội Nổi dậy Ukraine”, tham gia hàng ngũ phát xít Đức chống lại Liên Xô. Ngay cả những năm hậu chiến, nó tiếp tục là thế lực đối đầu với Liên bang Xô viết tại Ukraine.
Mối quan hệ giữa Ukraine và Liên Xô lúc đó – mà trọng tâm vẫn là nước Nga – đã bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Năm 1945, Ukraine sửa đổi Hiến pháp cho phép quốc gia này hoạt động như một chủ thể riêng rẽ theo luật pháp quốc tế, tức vừa giống với một quốc gia riêng lẻ nhưng cũng vừa là một phần của Liên Xô. Những sửa đổi trên đã giúp CHXHCN Xô viết Ukraine trở thành một trong những thành viên sáng lập ra Liên Hợp Quốc. Mặc dù mục đích của hành động trên là nhằm Liên Xô có thêm được ghế và một lá phiếu trong các tổ chức quốc tế, song đây cũng là bước đệm để Ukraine lấy đà tách khỏi Liên Xô.
Thời hậu chiến, Liên Xô đã bù đắp rất nhiều cho Ukraine. Từ năm 1946 đến 1950, gần 20% ngân sách Liên xô đều được đầu tư vào Ukraine. Nhà nước Xô viết Ukraine vì thế nhanh chóng trở thành nước dẫn đầu châu Âu về sản xuất công nghiệp và cũng là trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí và nghiên cứu kỹ thuật cao của Liên Xô. Ukraine sau đó đã trở thành nước lớn thứ 2 Liên Xô, chỉ sau Nga, xét về mặt dân số cũng như thực lực kinh tế, quân sự. Thậm chí, đến năm 1954, Ukraine còn được tặng một “món quà bất ngờ”, đó là bán đảo Crimea, vốn thuộc lãnh thổ của Nga từ thời Sa Hoàng. Bán đảo Crimea sau đó được Liên Xô mà người đứng đầu Đảng Cộng sản bấy giờ là Tổng Bí thư Nikita Khrushchev chuyển giao cho Ukraine quản lý hoàn toàn.
Giọt nước tràn ly mang tên Crimea
Thế nhưng, chính Crimea lại tiếp tục phát sinh thêm mâu thuẫn. Khi Liên Xô tan rã, Cộng hòa Liên bang Nga được thành lập. Theo sau đó, CHXHCN Xô viết Ukraine cũng tuyên bố độc lập, đổi tên thành Cộng hòa Ukraine và tự quyết trong mọi vấn đề. Ngay lập tức, vấn đề chủ quyền tại Crimea đã trở thành mâu thuẫn đầu tiên giữa CHLB Nga và CH Ukraine. Liên bang Nga lập luận rằng Crimea đã thuộc về Nga từ thế kỷ 18, chỉ bị tách cho Ukraine từ năm 1954. Và do nhà nước Liên Xô đã tan rã, nên Liên bang Nga không có nghĩa vụ phải chấp nhận việc chia cắt Crimea cho Ukraine. Chính điều này đã khiến cho hai quốc gia vốn từng kề vai sát cánh chiến đấu nhau, nay phải chuyển sang thế đối đầu. Và quan trọng hơn, nó khiến người dân Ukraine nhớ lại sự mất mát mà họ phải gánh chịu trong suốt những năm chiến tranh và nhớ lại cả sự thống khổ dưới ách cai trị của các Sa hoàng. Chính những lý do trên, đã khiến mối quan hệ với Nga trở thành một bó đuốc tẩm sẵn dầu, chỉ chực chờ bùng nổ.
Năm 2013, một sự kiện đã diễn ra và đẩy căng thẳng leo thang, chính phủ Ukraine của Tổng thống Viktor Yanukovych bất ngờ tuyên bố hoãn lại việc ký kết một thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) với lý do”đảm bảo an ninh quốc gia”. Thay vào đó, họ chuyển hướng thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Liên bang Nga. Chính quyền Tổng thống Yanukovych vì thế bị người dân chỉ trích kịch liệt. Hàng dài người xuống đường biểu tình và lập nên “phong trào Euromaidan”. Những người biểu tình cho rằng động thái của ông Yanukovych là “phi dân chủ”, ảnh hưởng đến đời sống người dân và cổ vũ cho quan hệ gần gũi hơn với EU. Phong trào Euromaidan xuất phát từ giới sinh viên đại học, nhanh chóng lan rộng và trở thành cuộc biểu tình lớn nhất cả nước, bất chấp việc cảnh sát tăng cường các hành động trấn áp, thậm chí là sử dụng hơi cay.
Và theo lẽ thường, bạo lực sẽ chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Việc gia tăng bạo lực làm cho số người biểu tình càng tăng thêm, ước lượng khoảng 350.000-700.000 người. Thủ đô Kiev khi đó rơi vào một khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Ngày 8/12/2013, những người biểu tình đã giật đổ và dùng búa đập phá tượng đài Lenin được xây từ năm 1946 tại Quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev, rồi giương cờ EU lên trên bệ tượng. Sự phẫn nộ của người dân đã cao đến mức Tổng thống Yanukovych phải từ chức và trốn chạy sang Nga.
Chưa dừng lại ở đó, cộng đồng người Ukraine gốc Nga sau đó đã lên tiếng. Ở phần lãnh thổ phía đông của Ukraine, nơi người gốc Nga chiếm đa số, một phần lớn người dân cũng xuống đường biểu tình để bày tỏ sự phản đối của họ đối với phong trào Euromaidan và ủng hộ chính phủ thân Nga của ông Yanukovych. Trên bán đảo Crimea, dòng người cũng tràn xuống đường để phản đối phong trào Euromaidan và thể hiện mong muốn Crimea sáp nhập trở lại Nga. Nhìn chung, thời điểm này, đất nước Ukraine như đã bị chia cắt ra làm hai.
Năm 2014, nhân cơ hội tình hình chính trị rối ren ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu lên kế hoạch để sáp nhập Crimea. Cuộc họp bàn tròn đã diễn ra vào ngày 23/2/2014. Chỉ 4 ngày sau đó, quân đội Nga đã ngụy trang để âm thầm tiến vào Crimea, nhanh chóng tiếp quản tòa nhà Hội đồng Tối cao Quốc hội của Crimea, đóng chốt tại các địa điểm chiến lược trên khắp bán đảo. Vài ngày sau cuộc kiểm soát bất ngờ, một số căn cứ quân sự Ukraine đã bị vây hãm và tấn công. Một chính quyền lâm thời của Nga tại Crimea nhanh chóng được lập nên. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 16/3/2014 cho thấy 97% người dân đồng ý sáp nhập Crimea vào Nga. Cuối tháng 3/2014, Nga đã chính thức hợp nhất bán đảo Crimea thành một phần của Liên bang Nga.
Theo sau Crimea, những người thân Nga ở lãnh thổ phía đông Ukraine cũng tuyên bố ly khai. Họ tự thành lập ra “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, đồng thời tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 11/5/2014 về việc ly khai khỏi Ukraine và kết quả là có gần 90% lá phiếu ủng hộ. Cuộc ly khai sau đó đã biến căng thẳng trở thành xung đột, nội chiến đã nổ ra giữa một bên là nhà nước Ukraine và một bên là các lực lượng ly khai Donetsk và Lugansk do Nga hậu thuẫn. Cuộc chiến đã trở nên quyết liệt tại vùng Donbass phía đông Ukraine và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay. Cũng cần nhắc lại rằng vào thời điểm Ukraine chuẩn bị tách khỏi Liên Xô thì Donbass vốn đã có tới 45% dân số là người gốc Nga. Do đó đây là một trong những vùng chiến sự căng thẳng nhất trong cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine.
Lòng thù hận và sự “quay lưng” của Ukraine
Mất Crimea và xung đột tại Donetsk, Lugansk khiến người dân Ukraine càng thêm thù hận với Nga. Sự tức giận của người dân càng làm động lực khiến cho chính phủ Ukraine sa vào bàn tay của phương tây. “Chống lại Nga” đã trở thành chủ đề nóng ở Ukraine. Mâu thuẫn tiếp tục gia tăng và vào năm 2019, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ nguyện vọng được gia nhập vào khối NATO, khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Hiển nhiên, sự mở rộng về phía đông của NATO được xem là mối đe dọa đối với nước Nga. Chính điều này là nguyên nhân vì sao mà Nga điều quân áp sát biên giới Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Putin tuyên bố chưa bao giờ có ý định xâm lược Ukraine và hành động điều quân là “vì mục tiêu an ninh của Nga” nhưng kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO.
Gần như chắc chắn, chiến tranh sẽ nổ ra nếu NATO kết nạp Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh: “Không phải chúng tôi tiến về phía NATO, mà NATO đang tiến về phía chúng tôi”. Và lần thứ hai trong lịch sử hiện đại, Ukraine lại là “vùng đệm” nằm giữa sự giằng xé của hai bờ đông – tây lục địa châu Âu.
Trong bối cảnh hiện tại, người Nga chỉ yêu cầu một điều từ NATO, đó là không kết nạp Ukraine và nếu Mỹ – NATO cam kết điều đó, thì việc rút quân sẽ được tiến hành ngay sau đó. Song lời đề nghị này không được Mỹ và NATO chấp nhận, và chính vì đó càng khiến cho căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraine ngày một leo thang nghiêm trọng hơn. Nhưng liệu những gì sẽ diễn ra tiếp theo? Liệu Nga có tấn công Ukraine không, khi Mỹ và NATO kiên quyết bác bỏ mọi đề nghị của Nga? Liệu tổng thống Putin sẽ làm gì khi quốc gia láng giềng có tư tưởng chống lại Nga? Chúng tôi sẽ phân tích những viễn cảnh trong một bài viết khác.
Thực hiện: Huy Hoàng