+
Aa
-
like
comment

Người Việt tại Nhật hưởng lợi nhờ cú “quay xe” rúng động của BOJ

Huy Hoàng - 23/11/2022 15:26

Thị trường toàn cầu tuần qua đã rung chuyển dữ dội sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ thay đổi lập trường chính sách tiền tệ của mình. Vậy những thay đổi đó là gì và có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam và cộng động người Việt tại Nhật?

Những thay đổi của BỌ có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam và cộng động người Việt tại Nhật?

Nâng lãi suất dài hạn

Ngày 20/12, BOJ đã quyết định nâng lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%. Sự điều chỉnh chính sách này của BOJ là một bất ngờ lớn đối với thị trường. Bởi nó không khác gì việc BoJ tăng lãi suất dài hạn – giống với hàng loạt trung ương lớn khác trên thế giới vẫn đang liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát – và mặc cho Thống đốc BoJ là Haruhiko Kuroda trước đó đã nhiều lần khẳng định sẽ quyết tâm theo đuổi chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng”.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Như chúng ta đã biết, đồng USD đã tăng giá mạnh mẽ trong suốt năm 2022 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất. Vậy liệu đồng yen có được hưởng lợi nhờ quyết định gần đây của BOJ? Và cộng đồng người Việt đang làm việc tại Nhật có được hưởng lợi nhờ chính sách này?

Câu trả lời là “Có”, vì ngay sau quyết định này, xu hướng mua đồng yen đã tăng lên và giá trị đồng yen ngay lập tức đã tăng 3 đơn vị lên 133 yen đổi 1 USD. Song một câu hỏi khác là liệu mức tăng giá này của đồng yen có bền vững?

Kể từ năm 2016 đến nay, BOJ đã kiên trì với mức lãi suất dưới 0, trong khi các ngân hàng trung ương ở các nước đã tăng mạnh lãi suất. Đồng yen do đó mà giảm giá trị đi rất nhiều, làm tăng hóa đơn nhập khẩu và làm tiền lương của người Nhật và lao động nước ngoài tại Nhật yếu hơn các nước khác. Ngoài ra, đồng yen giảm giá còn đã làm giảm đi khả năng chi tiêu của chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh nước này cần ngân sách củng cố quốc phòng. Với những áp lực ngày một lớn, tác động bao trùm từ kinh tế cho đến quốc phòng như trên, BOJ chắc chắn sẽ phải nỗ lực để đồng yen thiết lập một mốc tăng bền vững so với đồng USD, động thái vừa qua là một tín hiệu chắc chắn cho điều đó.

Quyết định của BOJ đã giúp tăng tỉ giả lên 133 yen đổi 1 USD.

Tính đến 23/12, ba ngày kể từ khi BOJ thay đổi lập trường chính sách, tỷ giá USD so với yen vẫn dao động quanh mức 133 yen đổi 1 USD và chưa có dấu hiệu giảm trở lại, cho thấy đồng tiền Nhật đã thiết lập một ngưỡng mới so với đồng bạc xanh. Điều này có lợi cho người lao động Việt Nam tại Nhật, sau gần một năm phải chứng kiến đồng yen rớt giá thảm hại.

Bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Lãi suất ngắn hạn không thay đổi ở mức -0,1%

Bên cạnh nâng lãi suất dài hạn, thì vừa qua tại một cuộc họp báo, BOJ cho biết vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Câu hỏi lúc này là vì sao BOJ không nâng cả lãi suất ngắn hạn lên để hỗ trợ thêm cho đà tăng cho đồng yen, giống như Fed đã làm? Việc giữ nguyên mức lãi suất âm sẽ có tác động như thế nào đến thị trường lao động tại Nhật?

Trong cuộc họp báo, Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết, ông vẫn tỏ ra thận trọng trước việc tăng lãi suất do lo ngại nền kinh tế nước này – vốn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch – không thể chịu đựng việc tăng lãi suất trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. Bên cạnh đó, các khoản nợ mà Cchính phủ Nhật Bản đang có cũng đã lên mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó, bất kì sự gia tăng quá vội nào về lãi suất cũng sẽ làm tăng chi phí trả nợ, có thể gây ra một “vòng luẩn quẩn” vay mượn nhiều hơn với lãi suất cao hơn kèm theo tình trạng hỗn loạn thị trường.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda.

Do đó, việc nâng lãi suất dài hạn và giữ nguyên lãi suất ngắn hạn cho thấy BOJ đang cực kỳ thận trọng với tác động mà chính sách thắt chặt mang lại. Điều này sẽ còn giúp những ngân hàng trung ương khác có thời gian chuẩn bị và đưa ra những phản ứng kịp thời, không quá nhanh và áp lực như với những lần nâng lãi suất của Fed.

Sự thận trọng của BOJ sẽ đảm bảo cho nền kinh tế Nhật không gặp phải một cú sốc về lãi suất, trong khi đồng yen thì đã được hưởng lợi và tăng giá. Suy cho cùng, những động thái của BOJ vừa qua đã mang lại tác động tốt cho nền kinh tế Nhật Bản nói chung và người lao động tại Nhật nói riêng. Theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, GDP danh nghĩa của nước này trong năm tài khóa 2023 sẽ khoảng 571,9 nghìn tỷ yen (4,31 nghìn tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Triển vọng khả quan đó dựa trên cơ sở chính là tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, Nhật Bản trước đó đã phải vật lộn với chi phí nhiên liệu tăng vọt trong bối cảnh đồng yen mất giá nhanh chóng và khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Do đó, đồng yen mạnh hơn chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất điện và phân phối khí đốt tự nhiên của đất nước. Qua đó giảm bớt áp lực lên chi phí sinh hoạt của người lao động, chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm sôi động thêm thị trường lao động tại quốc gia này.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều