Người Việt ở Vũ Hán sống bằng ‘tinh thần thép’ ở tâm bão dịch bệnh
Dù virus corona lan nhanh, lấy đi không khí Tết, một số lưu học sinh Việt ở Vũ Hán vẫn thấy bình tĩnh khi các trường hỗ trợ liên tục, còn thầy cô, bạn bè nỗ lực tiếp tục cuộc sống.
23h ngày 27/1, nghe âm thanh văng vẳng ngoài cửa, Hiển mở cửa sổ từ tầng 5 ký túc xá trường đại học ở Vũ Hán.
Đến lúc đó, thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tâm điểm của dịch virus corona mới đang lây lan chóng mặt, đã vắng bóng người suốt 6 ngày do lệnh phong tỏa. Nhưng những phút sau đó đã làm Hiển xúc động về tinh thần đoàn kết giữa hoạn nạn
Những tiếng hô “Vũ Hán cố lên, Vũ Hán cố lên, chúc mừng năm mới” vọng lại. Không lâu sau, nhiều căn hộ ở các chung cư xung quanh bật điện, biến khung cảnh đêm tối xa xa thành những ô cửa sáng đèn ngày một lan rộng. Mọi người ngó ra cửa sổ, hô theo, từ tòa này sang tòa kia. Sự phấn khích kéo dài “cỡ khoảng 10-15 phút”.
Lên Weixin (mạng xã hội ở Trung Quốc), Hiển thấy bạn bè chia sẻ những video tương tự.
“Người Vũ Hán hát quốc ca, chiếu điện thoại, ánh đèn nhấp nháy để báo nhau mình vẫn ổn… vào khoảng mùng 2 hoặc 3 Tết”. Hiển kể lại. “Mình rất xúc động”.
Trong video mà Hiển chia sẻ từ mạng xã hội, người dân một số tòa nhà Vũ Hán hô vang “Jiāyóu” cổ vũ tinh thần các tòa nhà bên cạnh. “Jiāyóu” có thể tạm dịch là “mạnh mẽ lên”.
Lo thời gian học kéo dài
Từ khi Vũ Hán ra lệnh cấm đi lại, Nguyễn Thị Hiển, 34 tuổi, nghiên cứu sinh Đại học Sư phạm Hoa Trung, chỉ ở trong phòng, ăn ngủ và học bài. Nhưng đến chiều 29/1, chị vẫn phải ra ngoài lần đầu tiên, đi xe đạp điện ra siêu thị, vì rau xanh, trái cây đang cạn dần, mà “cuộc chiến vẫn còn dài”.
“Mình rất lo, không biết ra ngoài sẽ như thế nào”, Hiển nói với PV từ Vũ Hán. Đường ra siêu thị khoảng 2 km, chỉ lác đác người, quán xá, cửa hàng đều đóng cửa.
“Siêu thị tương đối đông người, ai đi ra cũng cầm túi lớn, đa phần các gia đình bổ sung thực phẩm cho 10 ngày tới nửa tháng. Ai cũng đeo khẩu trang, có người hai lớp khẩu trang, hạn chế nói chuyện với nhau”, nghiên cứu sinh tiến sĩ cho biết.
Số người chết do virus corona tại Trung Quốc lên tới ít nhất 132 người, với 1.500 trường hợp mắc virus mới vào hôm 29/1 (mùng 5 Tết). Số ca nhiễm bệnh lên tới khoảng 6.000, lây lan tới 15 quốc gia.
Hiển lo ngại dịch bệnh sẽ khiến thời gian học tập sẽ bị kéo dài.
“Mình là giáo viên Đại học Sư phạm Huế, cũng mong sớm hoàn thành chương trình để về trường công tác, nên Tết này ở lại để hoàn thành luận án. Nhưng tình hình chưa biết sẽ thế nào, hy vọng không kéo dài nhiều tháng như dịch SARS”.
“Một cái Tết đáng nhớ”, chị cho biết. Trước Tết, một người bạn Trung Quốc lái xe cả một đoạn “rất xa” tới trường để mang cho chị món jiaozi – món ăn truyền thống dịp Tết của người Trung Quốc – nhưng phải quay về vì trường vừa có lệnh cấm ra vào.
Ngày 28 Tết, thay vì tổ chức tiệc tất niên “linh đình” như dự kiến, trường của chị phải thay đổi kế hoạch, phát cho mỗi người suất cơm mang về, kèm theo túi quà, lì xì, phiếu mua hàng siêu thị. Tết đến, các thầy trò chỉ chúc nhau và mừng tuổi qua tin nhắn thay vì gặp nhau.
Sau khi các video người Vũ Hán khích lệ tinh thần nhau qua khung cửa sổ lan truyền rộng rãi, nhà chức trách yêu cầu mọi người “ngừng hát khi cửa sổ mở”. Họ cảnh báo việc đó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus – một khuyến cáo gây phản ứng trái chiều từ người dùng Internet.
“Ở phòng, ăn mì tôm 10 ngày liền”
Đối với Trương Hải Đức, 27 tuổi, vừa qua Vũ Hán học chỉ mới hai tháng, cái Tết ở giữa trung tâm dịch bệnh là “gần như không có”, trôi qua như ngày thường.
“Em định về chơi nhà một số bạn Trung Quốc, để cảm nhận không khí Tết bên này, không được vậy coi như không có Tết rồi”, Đức, sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, nói với PV.
“Một số bạn em bảo ở nhà chán lắm, không biết làm gì, như là không có Tết”, Đức nói.
Siêu thị chỉ cách 200 m, không bị cháy hàng như một số nơi khác, nhưng ký túc xá của trường chỉ mở cửa trong hai giờ từ 12-14h mỗi ngày để Đức có thể ra mua đồ.
Trường trang bị một phòng có lò vi sóng, bếp từ, xoong chảo để nấu ăn. Đức không nấu ăn vì lo ngại có nhiều người, thay vào đó ăn đồ không cần chế biến như mì tôm, xúc xích, bánh ngọt.
“Em ở phòng luôn không ra ngoài… Mì tôm em mua 5-7 loại, em ăn cũng được 10 ngày rồi”, sinh viên đến từ Quảng Trị nói, và cho biết nếu dịch bệnh kéo dài hơn thì vẫn luôn có thể mua gạo, nồi cơm về chế biến.
“Em thì thấy là bình thường, nhưng ở nhà thì rất lo. Tết vừa rồi, họp gia đình cũng vui vẻ, nhưng nhắc đến em ở đây, có vẻ mọi người không vui nữa mà rất lo”.
Ở siêu thị gần trường, Đức phải qua kiểm tra thân nhiệt khi vào. Mua bán vẫn diễn ra “bình thường”, và việc thanh toán qua di động giúp anh đỡ lo về vấn đề vệ sinh trên tờ tiền giấy.
“Bên này em không dùng tiền mặt nên cũng đỡ, chỉ thanh toán bằng ứng dụng… siêu thị (gần trường) khá sạch sẽ”, Đức nói.
Cuộc sống bình thường vẫn diễn ra
Đào Lê, lưu học sinh tại Học viện Thể thao Vũ Hán, cho biết không lo thiếu thức ăn, vì mỗi tuần trường chị đều hỗ trợ thức ăn miễn phí. “Hôm qua (trường) vừa mang gạo, trứng, thức ăn tươi, mì… cả bếp cũng được cấp”, Đào nói.
Mỗi ngày chị điền biểu đồ nhiệt độ, đi đâu làm gì, ăn uống gì, gửi qua app tin nhắn cho một thầy ở viện quan hệ quốc tế phụ trách việc theo dõi. 9h30 mỗi sáng, chị theo dõi truyền hình trực tiếp về tình hình dịch bệnh, ngoài các thông báo của trường. Ở ký túc xá của Đào trong đợt nghỉ lễ, gia đình chị là người Việt duy nhất.
“Mấy ngày tới vẫn phải bình tĩnh, phối hợp với nhà trường thôi”, chị nói với PV từ Vũ Hán. “Thiếu gì, khó khăn gì, mình nhắn tin là các thầy cô xử lý hết”.
Ở trường mình, Hiển cho biết vài ngày trước, nhân viên của trường gõ cửa từng phòng để hỏi về sức khỏe, thêm mọi người vào các nhóm chat chung của các tầng trong ký túc xá. Trường phát nhiệt kế và nước rửa tay, ai có dấu hiệu sốt sẽ đo nhiệt độ và gửi trực tuyến thông qua mã vạch QR để trường theo dõi.
Dù lo ngại số ca bệnh và tử vong tăng nhanh, Hiển cũng cảm nhận được cách người Vũ Hán động viên nhau trong cảnh hoạn nạn, tiếp tục sinh hoạt bình thường. Trên mạng, chị đọc được rằng các bác sĩ nhiều nơi khác tới Vũ Hán “chi viện”, bệnh viện dã chiến đang gấp rút xây dựng.
Chị vẫn thấy một số cảnh tượng của cuộc sống bình thường, làm chị phần nào an tâm hơn. Một số nhân viên trường ra ngoài tản bộ, dắt chó đi dạo, do “ở trong nhà nhiều ngày mệt mỏi… tất cả đều đeo khẩu trang”. Trường vẫn đông lưu học sinh các nước, chỉ trừ một số nước châu Á đã về nước ăn Tết.
“Họ tin chắc chắc sẽ kiểm soát được dịch bệnh. (Trên mạng xã hội), ngoài chia sẻ thông tin về dịch bệnh, họ cũng quay cảnh sinh hoạt thường ngày… chứ không chán nản, buông bỏ”, Hiển nói thêm.
“Nhiều thầy từ mùng 4 đã làm việc. Có người quay cảnh gia đình ăn cơm, gọi video chat cho người thân, coi như ăn Tết qua điện thoại. Phòng học chung của ký túc xá… (sinh viên) vẫn đến để hoàn thành phần việc của mình”.
Đức, lưu học sinh mới sang Vũ Hán hai tháng, nói “khá vui” khi kết nối được với những người Việt khác ở lại đây dịp nghỉ lễ.
“Trước Tết, em cố tìm người Việt nhưng không biết có ai ở lại không, nhưng sau được giới thiệu tới anh ở Đại sứ quán (Việt Nam tại Trung Quốc) và nhóm người Việt ở Vũ Hán, vài ngày nay em thấy yên tâm, có người ‘cùng hội cùng thuyền’, không cảm thấy bị bỏ rơi”, anh kể.
Tính đến nay, đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ghi nhận được gần 30 lưu học sinh Việt Nam và người nhà đang ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), đều trong tình trạng sức khỏe, tâm lý ổn định.
Người thân, bạn bè đồng loạt hỏi thăm Cũng giống Hiển, khi nhìn từ cửa sổ phòng mỗi buổi sáng, Đức vẫn thấy một số người trong trường ra ngoài vận động, đánh cầu lông.
“Ở lại ăn Tết, em cũng muốn đi chỗ này chỗ kia, cuối cùng phải ở nhà. Nhưng ở nhà lại có nhiều thời gian học hơn. Nếu đi chơi thì không ở nhà học được”, Đức nói khi được hỏi về ảnh hưởng của dịch bệnh lên các kế hoạch.
“Nhưng ở nhà, phải đọc thông tin trên mạng, tìm hiểu về bệnh dịch, rồi gia đình, bạn bè hỏi thăm, cũng làm mình lo lắng, phân tâm”.
Sinh viên tới từ Quảng Trị, sang học chương trình tiếng Anh, mới chỉ học tiếng Trung vài tháng nay. Khi ra đường, vì ít người bên đó nói được tiếng Anh, Đức khó hỏi rõ thông tin bằng tiếng Trung, hoặc hỏi xong thường cũng khó hiểu hết người Trung Quốc đã trả lời ra sao.
“Bạn bè chia sẻ (về dịch bệnh) lên mạng xã hội toàn là tiếng Trung, nếu viết có thể dùng công cụ dịch được, nếu là hình thì rất khó để em hiểu được. Nhưng thông điệp thầy cô gửi đều là tiếng Anh”.
Trước thông tin một số nước tổ chức đưa người dân về nước, Đào, từ Học viện Thể thao, cho rằng đó là cân nhắc khó khăn.
“Một số lưu học sinh các nước, chính phủ kêu về mà họ không về… Về thì chắc chắn người nhà sẽ yên tâm hơn, nhưng về cũng mang nỗi lo về cho xã hội”.
Cũng tin vào phương án kiểm soát dịch bệnh của các chính phủ, Đức cho rằng sẽ muốn về nếu dịch bệnh trở nên “nghiêm trọng, nguy hiểm quá”.
“Năm nay Tết không về đã buồn rồi, lại phải ăn trong phòng không ra ngoài được”, Hiển, từ Đại học Sư phạm Hoa Trung, chia sẻ. “Gọi điện thoại cho bạn bè ở nhà, cũng cảm thấy tủi thân”.
“Nhưng xem nhiều bài báo, thấy các y bác sĩ không có Tết luôn, làm việc gần như kiệt sức, nỗ lực chiến đấu cùng các bệnh nhân… mình vẫn khỏe mạnh, có anh em, bạn bè thường xuyên hỏi han, động viên, mình thấy mình quá hạnh phúc”.
Trọng Thuấn/ZNS