Người Việt ở Nga chia sẻ về cuộc chiến ‘tưởng tượng’ với Ukraine
Người Việt sống tại Nga cho biết không quá quan tâm vấn đề thời sự này bởi không tin sẽ có chiến tranh xảy ra giữa hai nước giữa lúc “lò lửa” Ukraine tăng nhiệt.
“Cuộc sống của tôi vẫn diễn ra bình thường. Căng thẳng Ukraine không ảnh hưởng gì đáng kể”, anh Hoàng Phước – hiện sống ở Moscow, Nga – chia sẻ với PV.
Bất chấp các nước vẫn đang loay hoay tháo gỡ bế tắc liên quan đến Ukraine, một số người Việt ở Nga cho biết mọi thứ diễn ra một cách khá bình lặng.
Chị Trịnh Đào – sinh sống tại Nga 34 năm, thành viên Ban Chấp Hành Hội người Việt tại thành phố Saint Petersburg – cho biết người dân Nga ngày ngày vẫn đi làm, trẻ em và sinh viên tới trường. Các nhà máy, xí nghiệp sản xuất cũng như cơ quan hành chính không gián đoạn hoạt động.
Hầu hết người Việt được hỏi cho biết cộng đồng người Việt, và nhiều người Nga, không quá bận tâm tới căng thẳng hiện tại giữa Moscow và Kiev. Lý giải nguyên nhân, họ nhận thấy nhiều người sống tại Nga cho rằng khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine quá xa vời. Ngoài ra, câu chuyện thời sự chính trị không phải là vấn đề người Việt quan tâm, bởi hiện họ chỉ mong mỏi phát triển kinh tế hậu dịch.
Đợt triển khai lực lượng quân sự của Nga gần biên giới Ukraine cùng những cảnh báo chiến tranh liên tục từ chính phủ phương Tây gần đây khiến khu vực này trở thành điểm nóng chính trị thế giới.
Trong khi phương Tây cáo buộc Moscow sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc tấn công, Điện Kremlin bác bỏ, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Cuộc sống vẫn trôi
Chị Minh Thùy – sống ở Moscow và có chồng là người Nga – cho biết cuộc sống hiện tại không bị tác động nhiều. “Nếu nói khó khăn thì từ lúc cấm vận là bắt đầu khó rồi”, chị đề cập tới lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Đồng quan điểm, anh Đào Đại Hải – sang Nga được 34 năm và hiện sinh sống tại thành phố Saint Petersburg – nhận định khủng hoảng quan hệ giữa Nga – Ukraine chỉ là nối tiếp quá trình trừng phạt của Mỹ và EU với Nga nên người dân gần như đã quen với điều này.
“Hiện nay, công việc làm ăn chung có nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế và mâu thuẫn chính trị liên quan đến Crimea từ năm 2014 chứ không phải mới đây”, anh nói.
Theo chị Ngô Thanh Thuỷ – kinh doanh tại thành phố Orenburg, sang Nga từ năm 1988, một năm đầu sau lệnh cấm vận, bản thân chị và nhiều người Việt bị giảm nửa thu nhập do đồng rúp mất giá, bởi họ quy đổi tiền ra USD.
Nền kinh tế vốn phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu năng lượng như dầu và khí đốt, đã không khỏi lao đao sau khi giá dầu thế giới quay đầu giảm sâu, đồng thời phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, kinh tế Nga cũng có những bước tăng trưởng trở lại sau 1-2 năm khó khăn. Chị Thủy cho biết “đồ nhập khẩu lại ngập tràn trên kệ, đời sống người dân ổn định dần” nên cấm vận không còn là vấn đề quá quan trọng với những người sống tại Nga.
Trong chương trình trả lời phỏng vấn trực tuyến “Direct Line” tại thủ đô Moscow ngày 20/6/2019, chính Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga nỗ lực để hưởng lợi từ sức ép kinh tế của phương Tây bằng cách bắt đầu giảm dần nhập khẩu hàng hóa và thay thế bằng sản phẩm nội địa, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực không phải thế mạnh.
“(Nếu xung đột xảy ra), tôi chỉ lo giá USD tăng cao, bởi tôi sống cả hai nơi nên phải quy đổi theo ngoại tệ. Còn nếu để nói chỉ sống riêng bên Nga, sinh hoạt bên này thì hoàn toàn không có gì đáng lo ngại”, chị Thủy nhận định.
“Chỉ là câu chuyện thời sự”
Chia sẻ về khả năng Nga tấn công Ukraine như lời cáo buộc của phương Tây, người Việt sống ở Nga cho biết những người xung quanh họ, và bản thân họ, không mấy tin rằng chiến tranh sẽ xảy ra.
Chị Đào cho biết mình vẫn thường xuyên theo dõi thông tin qua các kênh truyền hình và báo chí. Chị tin tưởng vào lời giải thích của Tổng thống Nga Putin rằng Nga không lên kế hoạch xâm chiếm Ukraine và Moscow sẽ làm mọi cách để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với các bên, như trong cuộc gặp kéo dài 5 giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2.
Trong khi đó, nhiều người khác tỏ ra không mấy quan tâm đến chính trị. Gia đình chị Minh Thùy, cùng với bạn bè người Nga, hầu như không để ý đến vấn đề này do “căng thẳng giữa hai nước đã diễn ra từ lâu nay”, và vì “không tin có chiến tranh thật”.
“Nhiều người Việt tại Nga và người bản địa chỉ suy nghĩ, lo việc làm thế nào để tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống, mong mỏi một ngày kết thúc đại dịch”, chị Đào cho hay.
Theo chị, một phần vì Liên Bang Nga – “như lời nói đùa của một số người – là một ‘vương quốc riêng’”. Từ nhiều năm nước Nga luôn bị dồn vào cô lập, trừng phạt kinh tế liên miên nên họ cũng đã quen với các cuộc khủng hoảng.
Chị Đào cho biết thêm một số người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga quan tâm tới cuộc khủng hoảng nhưng chỉ ở góc độ khách quan, nếu nó ảnh hưởng tới kinh tế thị trường, gây bất ổn cho kinh doanh và đồng ngoại tệ. Còn với du học sinh thì căng thẳng Nga – Ukraine không gây xáo trộn gì.
“Điều này cũng dễ hiểu vì trong đại dịch Covid-19, mọi thứ đều rất khó khăn nên đâu còn sức mà quan tâm đến cuộc chiến ‘tưởng tượng’. Chiến tranh hiện đại giữa các cường quốc là chiến tranh công nghệ, không phải là tay bo bắn giết nhau”, anh Hải nhận định. “Nếu Nga muốn Ukraine sụp đổ, chỉ cần khóa van khí đốt từ Nga sang và các biện pháp tương tự, cần gì đánh nhau”.
Anh Hải cũng nói thêm nhiều người cho rằng Mỹ là người “giật dây” phía sau, chứ vấn đề không nằm ở Nga.
Theo Washington Post, một cuộc thăm dò gần đây công bố vào cuối năm 2021 cho thấy chỉ 2/5 người Nga nghĩ rằng có khả năng căng thẳng hiện tại ở miền Đông Ukraine có thể thành chiến tranh giữa hai quốc gia. Một nửa số người được hỏi đổ lỗi cho Mỹ và NATO vì căng thẳng leo thang.
Dẫu vậy, đối với những người Ukraine đang sống tại Nga, đó có thể là một câu chuyện khác. Chị Đào cho hay nhiều người chị quen sống, học tập, làm việc và nhận quốc tịch Nga nhưng gia đình, họ hàng của họ vẫn ở Ukraine. Vì vậy, ít nhiều người Ukraine ở Nga có mối bận tâm đến căng thẳng giữa hai nước lần này.
“Những người Ukraine sống ở Nga mà tôi quen khá quan tâm đến cuộc khủng hoảng này, bởi xảy ra chiến tranh đồng nghĩa với việc gia đình chia cắt, biệt ly trong đau thương nên họ rất lo lắng”, chị nói.
Anh Hải cho biết nhân viên người Ukraine ở Nga của anh “ít bình luận công khai, nhưng họ có quan tâm bởi luôn lo quê nhà khó khăn kéo dài”.
Tuy nhiên, “họ không có sự phân biệt, không thù oán về quan điểm chính trị”, chị Đào nói. “Họ luôn cầu mong hai quốc gia tự thỏa hiệp với nhau”.
Minh Châu