Người Việt ở Israel: Covid-19 không đáng sợ bằng bom đạn của Hamas
Một số người Việt ở Israel cho rằng dân địa phương đang buông lỏng các biện pháp phòng dịch sau khi được tiêm vaccine. Họ lo sợ chiến tranh (với Hamas) hơn là Covid-19.
Ái Dương, học sinh trường nội trú EMIS tại Ramat Hasharon, cách thủ đô Tel Aviv 20 phút lái xe, không được phép ra khỏi trường trước khi tiêm vaccine. “Mọi người không ai nhìn thấy mặt nhau. Dù ở trường, tất cả học sinh phải đeo khẩu trang”, Ái Dương nói.
Trước khi tiêm vaccine, trường của Ái Dương thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phụ huynh của học sinh bản địa không được phép đưa đồ hay đón con về nhà.
Tuy nhiên, song song với giai đoạn tiêm chủng thần tốc của Israel là cuộc giao tranh với Hamas ở bên kia Dải Gaza hồi tháng 5.
“Sau khi tiêm vaccine, tôi không còn nghe thấy người Israel bàn tán về đại dịch. Họ không nói với nhau hôm qua tăng bao ca hay bao người đã được tiêm vaccine. Đó không phải là chủ đề người ta muốn nói về. Người ta chỉ nói về chiến tranh (với Hamas) mà thôi”, Ái Dương chia sẻ.
Sợ chiến tranh hơn là virus
Từ ngày 10-18/5, phong trào Hamas tấn công ác liệt vào nội địa Israel. Nằm cách Tel Aviv chỉ 20 phút lái xe, những tiếng bom dội vào trung tâm thủ đô về đêm khiến Ái Dương sợ hãi.
“Hamas chỉ bắn vào buổi tối. Tôi không thể nào ngủ được. Tôi không nghĩ về dịch bệnh tại thời điểm đó. Tôi chỉ nghĩ về chiến tranh mà thôi”, Ái Dương chia sẻ.
Dương kể lại thời điểm đó, người thân và bạn bè hỏi thăm về sự an toàn của Dương. Mọi người, những người ở Việt Nam, cũng không còn quan tâm về Covid-19 ở Israel mà chỉ còn nghĩ về những trận bom đạn mịt mù.
Để giúp bản thân bớt đi nỗi lo sợ, Ái Dương không cập nhật tình hình chiến tranh qua các trang báo chí.
“Tiếng bom ở kề bên tai. Tôi không còn tâm trí để biết thêm bao người chết và bao người bị thương nữa”, Dương nói.
Dương cho rằng chiến tranh mới là chủ đề người dân Israel quan tâm hơn cả, đặc biệt khi một số xung đột rải rác xảy ra gần đây.
“Đại dịch Covid-19, hay một cuộc chiến ở nhiều quốc gia trên thế giới, không phải là thứ mà người dân Israel muốn đề cập đến trong cuộc trò chuyện”, cô nói.
Khi Hamas tấn công, ngày nào Dương cũng phải xuống hầm trú ẩn. Cả trường không ai ngủ được vì mọi người luôn ở trong tinh thần chuẩn bị chạy vào hầm. Học sinh chỉ có hơn 90 giây trước khi hầm trú ẩn đóng lại.
Ngày thường, Ái Dương có thể tính đến các biện pháp bảo vệ bản thân với cuộc chiến Covid-19. Trong giai đoạn hai bên giao tranh, cô chỉ còn nghĩ đến 1 phút 30 giây để chạy vào hầm.
Chiến tranh với tiếng bom mìn và xảy ra cận kề là điều Dương chưa bao giờ tưởng tượng được.
Một tháng sau khi lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel kết thúc, chính phủ Israel cũng dỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang.
“Khi giao tranh kết thúc, tôi nghĩ mọi thứ đều đã ổn cả rồi. Tôi tin rằng Israel không còn gì liên quan đến Covid-19 bởi tỷ lệ người dân được tiêm chủng rất cao. Nên khi biết biến chủng xuất hiện ở Israel, tôi hoài nghi, không rõ vaccine có hiệu quả không”, Ái Dương nói.
Sau khi tiêm vaccine, ‘Covid-19 như chưa hề tồn tại ở Israel’
Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tính đến ngày 15/7, khoảng 57,4% dân số nước này đã hoàn thành hai mũi ngừa Covid-19.
Ái Dương cho rằng chính phủ kiểm tra rất sát sao để đảm bảo người dân thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Trong một chuyến đi thực tế của trường tới Jerusalem, Bộ Giáo dục Israel cử nhân viên giám sát học sinh.
Trường của Dương có khoảng hơn 100 học sinh và được chia thành các nhóm nhỏ từ 10-20 bạn. Mỗi nhóm được giám sát bởi hai nhân viên của bộ.
“Người của bộ sẽ kiểm tra các nhóm học sinh có đeo khẩu trang không. Họ cũng quan sát số lượng nhóm có vượt quá con số cho phép hay không. Những người không đeo khẩu trang sẽ bị nhắc nhở. Nghiêm trọng hơn sẽ bị phạt tiền”, Ái Dương chia sẻ với Zing.
Anh Trần Đức Hoàng Tân, thực tập sinh sống tại phía bắc Israel chia sẻ rằng sau khi tiêm vaccine, anh cùng bạn bè đi du lịch ở Biển Chết. Các địa điểm du lịch rất đông người. Tuy nhiên, nhiều người không đeo khẩu trang.
“Khách du lịch ở Biển Chết đông như kiến. Nhiều người chẳng lo lắng gì. Họ cứ đi chơi bình thường”, anh Tân nói.
Trong khi đó, anh Trần Đức Cảnh, hiện sinh sống tại Moshav Paran, một vùng nông thôn thuộc miền Nam Israel, đang tận hưởng cuộc sống yên bình khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.
Anh Cảnh dành thời gian đi du lịch tới nhiều thành phố của Israel, từ thành phố biển Haifa cho tới thành cổ Arce. Chèo thuyền trên dòng sông Jordan hiền hòa, anh Cảnh trân trọng những khoảnh khắc quý giá tại một đất nước xa xôi.
Đi đến từng nơi, kiến trúc và tôn giáo đã làm mê hoặc anh. “Lâu rồi người ta chỉ nói về bệnh dịch, nên những lúc được hòa mình với thiên nhiên rất quý giá”, anh Cảnh cho biết.
Anh Nguyễn Hoàng Lam, sống tại phía Bắc gần Haifa, cho biết ở ngoài đường, nhiều người dân coi nhẹ sự tồn tại của Covid-19. Các địa điểm du lịch vẫn rất đông khách.
Sau khi được tiêm đủ hai mũi vaccine, anh đến trường học và cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp với những người xung quanh.
“Ngày trước tôi phải đứng cách xa giáo viên hai mét. Còn giờ đây, tôi không còn phải lo lắng nhiều chuyện đó”, anh Lam cho hay.
Bây giờ, ngoài đường, các cửa tiệm được mở lại dù có thông tin về biến chủng Covid-19 mới. Nhiều khu vui chơi giải trí bắt đầu đi vào hoạt động.
Từng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, chính quyền Israel buộc phải thực thi lại lệnh này chỉ sau một tuần, khi số lượng ca nhiễm tăng cao mỗi ngày. Khoảng 70% ca nhiễm mới được phát hiện bắt nguồn từ biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Anh Hoàng Lam luôn giữ thói quen đeo khẩu trang dù chính phủ bắt buộc hay không. “Đối với lệnh đeo khẩu trang, kể cả chính phủ không yêu cầu, mình cũng phải tự bảo vệ bản thân mình trước. Mình đề phòng và cẩn thận là có lợi cho mình trước hết”, anh Hoàng Lam nói.
Theo trang Worldometer, tính đến 15/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Israel là gần 850.000 ca, trong đó có hơn 6.400 ca tử vong và gần 840.000 ca phục hồi.
Hôm 11/7, bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết việc tiêm liều thứ 3 cho nhóm có nguy cơ cao sẽ được tiến hành ngay.
Đối với Ái Dương, sau khi được tiêm liều thứ hai của vaccine Pfizer, cô được tới Tel Aviv tham quan. Các vũ trường hay quán bar được mở lại, không khí trở nên náo nhiệt hơn.
“Cuộc sống bình thường như chưa hề có Covid-19 tại đây”, Ái Dương nói.
Thanh Lam