Người Việt Nam yêu bóng đá hay chỉ là say máu ăn thua?
Đừng nhìn cảnh cả một biển người hò reo quấn quốc kỳ hay phất cờ chạy xe như điên trên đường phố khi thắng 1 trận đấu là tình yêu bóng đá. Cũng đừng vội nhìn những lời ca ngợi lời chúc tụng bốc đồng huấn luyện viên trưởng và các cầu thủ lên đến tận mây xanh nó xuất phát từ một tình yêu đích thực .
Tình yêu bóng đá cũng giống như tình yêu ngoài đời, không thể biết một ai đó có thực sự yêu mình hay không khi bạn đang giàu hoặc đang trẻ đẹp. Chỉ khi nào một người đàn ông không còn tiền hay một người phụ nữ không còn nhan sắc quyến rũ như trước… lúc đó họ mới biết mình có tình yêu đích thực hay không.
Hai mươi năm trước, một trong những cộng đồng fan hâm mộ đông đúc, ồn ào và bị ghét nhiều nhất ở Việt Nam là fan MU. Không ai lạ gì những màn tự cao tự đại rồi chê bai châm biếm mỉa mai các đối thủ khi MU chiến thắng. Và bây giờ cái cộng đồng từng tự cho rằng fan MU ấy ở đâu? Ngay mùa giải đầu tiên sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu và MU với David Moye lâm vào khủng hoảng, đã không thiếu những comment đã xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội và trên các trang báo thể thao kiểu như “tui là fan ruột của MU mà bây giờ tôi không buồn coi MU đá nữa…”.
Thực chất những người đó không phải là fan của MU, họ chỉ là những “fan phong trào”, tóm lại là người say máu ăn thua. họ làm fan của các đội bóng mạnh như MU lúc “vô đối” chỉ để tận hưởng khoái cảm đè bẹp kẻ yếu, cho nên khi đội bóng thua họ lập tức ngoảnh mặt quay đi. Bây giờ họ đã không còn là fan MU nữa mà từ mấy năm trước đã chạy sang làm fan của các đội bóng Barcelona, Mancity… để tiếp tục sự hả hê khi chứng kiến đội bóng của họ đè bẹp kẻ khác. Một fan bóng đá đích thực là những người trung thành với đội bóng của họ dù đội bóng có thua dài dài, có phải xuống hạng họ có buồn đau khổ thậm chí tuyệt vọng thì họ vẫn trung thành và ủng hộ đội bóng đó tới cùng. Sau 6 năm lênh đênh chìm nổi, những fan hâm mộ vẫn không ngừng theo dõi MU đang thua liểng xiểng còn sót lại bây giờ mới là fan MU đích thực.
Mấy chục năm gần đây đội tuyển Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện dạng fan phong trào như vậy trong giai đoạn hoàng kim, đặc biệt 2 năm nay khi ông Park Hang Seo đem về nhiều chiến thắng thì số này bỗng từ đâu xuất hiện, đông như quân Nguyên. Họ tự cao tự đại, ngạo mạn tới mức khi Việt Nam mới thắng được vài đội kha khá để vào trận chung kết ở Thường Châu đã ngông cuồng tuyên bố “cả Châu Á dưới chân”. Họ miệt thị Thái Lan và các đội khác là “Thái dúi”, là kẻ dưới cơ mạt hạng mà chẳng nhớ hay biết rằng, ông Pack cũng chỉ mới thắng được Thái Lan một lần trên cấp độ đội tuyển mà trận đó Thái không đủ quân mạnh nhất, trong khi lịch sử đối đầu Việt Nam mới chỉ thắng 4 còn thua tới 17 trận mà toàn thua đậm. Việc miệt thị này thể hiện sự thiếu văn hoá và một kiểu tự mãn, kiêu căng quá trớn. Dù gì đi nữa, bóng đá Việt Nam cũng mới chỉ mon men rời ao làng, chơi kiểu này thấy kỳ quá, kiêu ngạo quá trớn, khó có thể đồng tình. Những cầu thủ hay người hâm mộ chân chính là những người “thắng không kiêu bại không nản”, và luôn tôn trọng đối thủ của mình.
Bởi vì không xuất phát từ tình yêu , mà vốn từ sự say máu ăn thua, nên chỉ cần kết quả không như ý là họ trở mặt như trở bàn tay ngay. Công Phượng từ lúc xuống phong độ do ngồi dự bị quá nhiều ở CLB lập tức bị chế giễu, miệt thị… thậm chí thành cả 1 phong trào anti bởi những người từng tâng bốc trước đó. Gần nhất là Bùi Tiến Dũng, người hùng Thường Châu năm nào bỗng nhiên thành tội đồ chỉ vì lóng ngóng thua một quả mà nguyên nhân cũng vì ngồi dự bị quá lâu, lập tức bị sỉ vả, nhục mạ, bị trút mọi ngôn từ tệ hại nhất lên đầu, dù cuối cùng đội Việt Nam thắng, chứ thua thì… không hình dung nổi sự trở mặt của những “người hâm mộ” (!)
Khi lần đầu chứng kiến sự cuồng nhiệt của người Việt với mình, ông Park tự vấn là liệu tình cảm này kéo dài được bao lâu? Ai chứ ông Park lạ gì vì chính ông đã nếm trải. Từ người hùng của đội Hàn Quốc ở WC 2002 được hâm mộ như điên cuồng, ông chứng kiến sự lạnh nhạt, rồi bài xích và miệt thị cũng điên cuồng không kém khi sau đó đội Olympic Hàn Quốc ông dẫn dắt có kết quả không tốt. Hàn Quốc và Việt Nam khác nhau nhiều, nhưng hẳn có nét giống nhau vì có quá nhiều người cay cú ăn thua nhưng ngộ nhận hay mạo nhận là người hâm mộ bóng đá. Chính vì vậy mà sau trận hòa Thái Lan, ông nói thẳng trên báo chí là người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng chỉ là bóng đá chiến thắng. Ông thừa hiểu hòa và thua thì…liệu hồn đấy.
Ở Đông Nam Á, ông Park vẫn chưa thua, nhưng nếu ông thua vài trận thôi, thì có thể chính những người ngày hôm nay đang thần tượng, cuồng ông và tâng bốc ông nhiều nhất, sẽ lại là những người đầu tiên “chôn sống” ông ngay lập tức khi ông thua. Tình yêu không thể lâu bền nếu không có sự bao dung và tha thứ. Không có cái đó, những lỗi lầm dù nhỏ, cũng có thể dẫn đến tan vỡ nhanh chóng
Không đội bóng nào thành công mãi, cũng không có huấn luyện viên nào là phù thủy mãi được. Mọi thứ đều có chu kỳ và mong sao cái chu kỳ lần này ở đội VN kéo thật dài, bởi thua thì chẳng vui rồi, và buồn hơn khi cái mặt nạ yêu bóng đá rơi xuống và xuất hiện tình cảnh vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đái bát, qua sông đạp xuồng… như từng thấy
Phạm Trường Giang