Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Tạo đà để hàng Việt vươn xa
Sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình bán lẻ thuần việt và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người tiêu dùng.
Cùng với đó, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, thời gian qua Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài thông qua hệ thống phân phối.
Hàng Việt ra thế giới
Bà Lê Việt Nga-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội cho các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài – thị trường rất tiềm năng thông qua 4 triệu Việt kiều đang sinh sống và làm việc.
Theo bà Lê Việt Nga, tại nước ngoài hiện nay đang có nhiều siêu thị Việt Nam hoạt động hiệu quả và đã xây dựng thương hiệu riêng. Do đó, các nhà bán lẻ Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam tới toàn cầu, qua đó xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.
Đưa ra ví dụ điển hình, bà Lê Việt Nga cho hay: Chẳng hạn như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore).
Hệ thống này hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore; đồng thời, Singapore hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống FairPrice, cũng như hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore.
Chính vì vậy, đây là thị trường tiềm năng để các nhà bán lẻ Việt Nam tiến tới toàn cầu, thông qua việc đưa hàng Việt ra nước ngoài, sau đó thiết lập cơ sở bán lẻ tại nước ngoài mang thương hiệu Việt Nam.
Về cam kết, hai nhà phân phối bán lẻ lớn có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là Big C (do Tập đoàn Central Group sở hữu) và Aeon (do Tập đoàn Aeon sở hữu) đều ký với Bộ Công Thương về việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài.
Riêng Big C, từ năm 2017 đến nay thường xuyên xuất khẩu 46 triệu USD/năm trở lên và đang đẩy con số này lên nhiều hơn trong thời gian tới. Ngoài ra còn có MM Mega Mark (trước đây là Metro), sau khi được Tập đoàn Thái Lan thu mua, đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam.
Hiện tại, kênh phân phối này đang thu hút hàng hóa xuất khẩu về Thái Lan với các mặt hàng có tính bản địa cao của Việt Nam như thanh long, khoai lang… và phấn đấu xuất khẩu mỗi tuần 10 container.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đánh giá cao sự kết nối, cam kết xuất khẩu của Aeon ra hệ thống phân phối ở nước ngoài. Hiện, Aeon đã xuất khẩu 250 triệu USD/năm hàng hóa của Việt Nam gia công qua Aeon, thông qua thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của Aeon).
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay: Trung bình một năm Co.opmart thu về gần 2 triệu USD kim ngạch từ bưởi, khoai lang, thanh long xuất khẩu vào thị trường Singapore.
Năm 2018, xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản đạt 250 triệu USD. Dự kiến, năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng “made in Vietnam” qua Aeon sẽ cao hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Thời gian qua Bộ Công Thương thống nhất với Aeon đưa hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối toàn cầu của Tập đoàn này.
Theo cam kết, đến năm 2020, mỗi năm Aeon tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa Việt Nam và đến năm 2025 là khoảng 1 tỷ USD. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng xúc tiến việc ký kết tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối của Central Group.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore với nhiều mặt hàng như tôm, cá, trái cây và một số món ăn. Hơn 600 mặt hàng Việt Nam đang có mặt tại các siêu thị của Singapore đã tạo điều kiện lan tỏa sang thị trường một số nước.
Đổi mới để phát triển
Thống kê cho thấy, nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao.
Đơn cử, Coopmart từ 90 – 93%; Satra 90 – 95%; Vinmart 96%; Big C 90%… Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không ít sản phẩm của Việt chưa đạt chất lượng như người tiêu dùng mong muốn, chưa đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển.
Ông Nich Reitmeier – Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm và thức uống có cồn của Central Group nhận định: Mặc dù bánh phồng tôm của Việt Nam ngon hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan nhưng bao bì chưa phù hợp bởi thiếu tiếng Anh hoặc tiếng Thái nên hạn chế khách hàng.
Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Thái Lan phải ghi rõ nguyên liệu, thành phần cụ thể. Nếu là đồ uống, thực phẩm phải có chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan.
Theo giới phân tích, việc xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, để hàng Việt thâm nhập và chinh phục người tiêu dùng nước ngoài đòi hỏi việc xuất xứ nguồn gốc, tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn các hệ thống phân phối.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Việt Nga cũng chỉ rõ các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam còn gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị trong và ngoài nước.
Bởi ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như phí trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số, chiết khấu.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng không phải vì thế mà các doanh nghiệp chủ quan, chậm thay đổi.
Do vậy, để có được thị phần, doanh nghiệp bán lẻ Việt cần chủ động nắm bắt cơ hội và đầu tư hạ tầng công nghệ để đủ sức cạnh tranh.
Giới chuyên gia cho rằng, thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ.
Cùng với đó, để thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op luôn có những bước đi đột phá và đối đầu một cách tự tin với các ông chủ ngoại nhiều tiềm lực và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, không chủ quan, Saigon Co.op không chỉ ứng dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, mà còn bắt tay hợp tác với các đối tác ngoại để xây dựng các đại siêu thị nhằm thu hút khách hàng và tạo chuyển biến trong nhận thức về hàng Việt với người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, bằng các bước đi nhanh chóng, Vinmart liên tục gia tăng độ phủ trên thị trường cả nước, thậm chí thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập để mở rộng hệ thống phân phối.
Đặc biệt,Vinmart cũng đang thực hiện các chiến lược sáng tạo về công nghệ, mô hình nhằm thu hút để gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh, xây dựng thương hiệu và đưa hàng Việt đến tay người Việt.
Nhằm thúc đẩy thêm kênh xuất khẩu cho hàng Việt, ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định: Bộ Công Thương đang triển khai đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp Việt với các hệ thống phân phối nước ngoài để xuất khẩu trực tiếp, tạo hiệu quả cao qua các kênh phân phối này.
Trên cơ sở thực tế triển khai, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước hoặc các mô hình thí điểm, mô hình mẫu để hướng doanh nghiệp tận dụng hình thức xuất khẩu này góp phần gia tăng xuất khẩu và đưa hàng Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới.
(Theo Tin Tức)