‘Người Việt ép nhau uống vì rất nhiều lý do, nên cần liệu pháp xử phạt ‘sốc’
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia, cho rằng với tình trạng lạm dụng rượu bia kinh khủng như ở Việt Nam và văn hoá uống như hiện nay, rất cần một liệu pháp “sốc”, quy định đủ sức răn đe.
Chia sẻ tại toạ đàm Vì sao phải cấm rượu bia hoàn toàn khi điều khiển phương tiện do Báo Giao thông tổ chức chiều nay, 9.1, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ bổ sung thêm quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn với xe thô sơ.
Trước đó, quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia đã được áp dụng với người điều khiển phương tiện ô tô, Cục Cảnh sát giao thông đã xử phạt 10 năm nay nhưng chưa ai khiếu nại vì bị phạt.
“Người Việt Nam vốn duy tình, ép nhau uống vì rất nhiều lý do. Với tình trạng lạm dụng rượu bia kinh khủng như ở Việt Nam, với văn hoá uống hiện nay thì rất cần một liệu pháp sốc, cần quy định đủ sức răn đe”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo Uỷ ban ATGT quốc gia cho rằng, Nghị định 100 là cơ hội để mọi công dân nhận thức rõ ràng: đã lái, không uống, giúp giảm thiểu đối tượng vi phạm khi tham gia giao thông. Người dân sẽ nhìn vào chế tài, vào quy định để biết sợ.
Chưa ai bị phạt phản ứng “tôi ăn hoa quả”
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, cho biết trong 7 ngày CSGT ra quân xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, đã xử lý 84 trường hợp, 18 trường hợp phạt kịch khung. Trong 7 ngày này, riêng ở Hà Nội đã giảm được 11 vụ tai nạn giao thông, 9 người chết. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm, 1 tuần giảm được như vậy ở Hà Nội.
“Hiện tại, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng “tôi uống siro” hay “ăn hoa quả”, thiếu tá Long nói.
Với thắc mắc người tham gia giao thông có được phép yêu cầu thổi lại để chứng minh mình không vi phạm hay không, ông Long cho biết, người dân hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh “tôi không uống rượu bia”.
‘Nước hoa quả lên men có nồng độ cồn cũng được xem là rượu bia’
Bà Trần Thị Xuân Hằng, Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Y tế, cho biết theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2020, nước hoa quả lên men cũng thuộc phạm vi điều chỉnh. Những sản phẩm mà giới trẻ dùng nhiều như nước hoa quả lên men có nồng độ cồn tương đương lên men sẽ được xem như rượu bia.
Theo bà Hằng, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu bia thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%.
Mai Thu/TN