+
Aa
-
like
comment

Người Việt cần ứng xử thế nào trước việc “Trung Quốc bóp chết Hồng Kông”?

Hàn Nguyên - 07/07/2020 21:32

Ngày 30/6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Đặc khu hành chính Hong Kong, chính thức có hiệu lực ngày 1/7, vào đúng dịp kỷ niệm 23 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Đây được coi là cái kết cho sự tồn tại của cơ chế “một quốc gia hai chế độ” của đặc khu kinh tế Hồng Kông.

Trước đó, vào tháng 6/2019, chính quyền Bắc Kinh đưa ra dự luật dẫn độ, cho phép áp giải tội phạm từ đặc khu Hồng Kông về Trung Quốc xét xử, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người dân Hồng Kông. Các cuộc biểu tình xảy ra trên khắp các con đường, và cuối cùng dẫn đến bạo lực đẫm máu, khiến chính phủ Trung Quốc điều động quân đội…

Đụng độ giữa người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ với cảnh sát tại Hồng Kông hồi năm 2019.

Làn sóng biểu tình tại Hồng Kông khi đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, đặc biệt là vấn đề quyền tự trị của đặc khu, với những trào lưu như ‘#PrayForHongKong’ (Cầu nguyện cho Hồng Kông) trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, nhiều bộ phận người dân, vốn luôn có cảm tình với Hồng Kông, cũng thể hiện quan điểm ủng hộ phong trào biểu tình của người dân đặc khu. Cần hiểu rằng, thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam chúng ta là một trong những đất nước có sự tiếp xúc mạnh mẽ nhất với văn hóa và con người của trung tâm hành chính hàng đầu thế giới, thông qua sự hiện diện của những bộ phim truyền hình của đài TVB, hay những nhạc hoa ngữ Hồng Kông. Bên cạnh đó, chúng ta cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hồng Kông, với kim ngạch thương mại song phương trong năm 2019 đạt đến 7,06 tỷ USD. Có thể nói, Hồng Kông là một người bạn rất đặc biệt của người dân Việt Nam.

Hình ảnh quen thuộc về Hồng Kông của người Việt, thông qua những bộ phim truyền hình TVB và những bản nhạc Hoa ngữ đã tạo nên một tâm lý yêu mến đến con người và vùng đất này.

Vì cảm tình sâu nặng đối với vùng đất và con người, trước những biến động lịch sử tại đây, sự ủng hộ của người dân Việt Nam âu cũng là một lẽ thường tình. Hơn nữa, mối quan hệ trong những năm gần đây với chính phủ nước láng giềng phía Bắc tạo nên nhiều cái nhìn không thiện cảm với sự hiện diện của chính quyền Trung Quốc tại đặc khu Hồng Kông. Sự ủng hộ với Hồng Kông theo đó, càng có thêm lý do để lan tỏa.

Tuy nhiên, cũng giống như trong cuộc sống, dù là người bạn thân thiết, chúng ta cũng không thể can thiệp vào gia đình của một người khác. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, kể từ sau năm 1997, Hồng Kông đã không còn là một bộ phận của khối Liên hiệp Anh và chính thức trở về với Trung Quốc. Mọi sự việc giữa Hồng Kông và đại lục, từ đó cũng đã là công việc nội bộ của Trung Quốc. Chủ đích của chính sách “một quốc gia hai chế độ” không phải là đảm bảo cho quyền tự trị của Hồng Kông, mà để duy trì sự ổn định kinh tế-xã hội cho khu vực, và đảm bảo tiến trình sáp nhập được diễn ra chậm rãi, ít biến động. Cột mốc 50 năm được đưa ra, không phải là “quỹ thời gian” để Hồng Kông ‘sống theo ý mình’, đó là khung thời hạn để hoàn tất tiến trình sáp nhập vào Trung Quốc và kết thúc cơ chế trên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu về luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại phiên họp bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 5.

Nếu ta đứng trên góc độ của một người Hồng Kông, những con người đã sống qua nhiều thế hệ dưới sự điều hành của một quốc gia Châu Âu, hoàn toàn có thể hiểu được sự bất mãn và khó chịu với những thay đổi của năm 1997 hay thời hạn 50 năm. Bởi dù thế nào, chính cuộc sống của họ đang trực tiếp bị tác động. Nhưng, nếu đứng trên góc nhìn của một người Trung Quốc, việc đất nước bị chia cắt bởi hai thể chế chính quyền độc lập, là một điều không thể chấp nhận. Vì vậy, họ càng không thể cho phép một vùng lãnh thổ, cho dù là đặc khu kinh tế, có quyền chống đối, nổi loạn, phá hoại tài sản quốc gia. Việc này cũng giống như câu chuyện của một gia đình có con em đi du học nước ngoài. Người con của gia đình, cho dù sinh sống nhiều năm và thích nghi với lối sống phương Tây, khi trở về cũng không thể tách rời khỏi gia đình, cha mẹ, anh chị em. Người con đó không thể tự cho mình quyền được mang những suy nghĩ, tư duy học được từ những ngày du học để làm công cụ lên án những người thân thuộc nhất.

Nước Anh có thể cưỡng chiếm và xây dựng Hồng Kông thành một nền kinh tế vượt trội, một xã hội tự do nhưng người Anh chưa bao giờ là “cha mẹ” của Hồng Kông, người dân và lãnh thổ Hồng Kông từ nghìn đời trước đến nghìn đời sau vẫn mãi thuộc Trung Quốc.

Và đứng trên góc độ của người Việt Nam, chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào nếu một ngày nào đó, một vùng chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, lại “đứng lên” đòi quyền tự trị, tự cai quản. Chắc chắn rằng không một người Việt Nam nào có thể chấp nhận một yêu sách phi lý như vậy. Nhưng chúng ta sẽ nói như thế nào với cộng đồng quốc tế về một sự kiện như thế, nếu như chính chúng ta đã từng ủng hộ cho những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại đặc khu Hồng Kông? Trên cương vị là một quốc gia, dù yêu mến người bạn Hồng Kông rất nhiều, dù có mối quan hệ song phương vô cùng khăng khít, và dù cái nhìn với láng giềng phương Bắc có như thế nào, thì Việt Nam cũng không thể ủng hộ những yêu cầu của một bộ phận người dân Hồng Kông. Không thể từ bỏ tình cảm với vùng đất Hồng Kông, bởi đó là việc trái với con tim của chính mình, nhưng điều chúng ta cần làm là đặt tình cảm đó ở trong lòng, và tin rằng điều đúng đắn và chính nghĩa sẽ vượt lên tất cả.

Việc chính thức ban hành Luật An ninh Hồng Kông trên lý thuyết đã bóp chết quyền tự trị của Hồng Kông, đặc khu này sẽ sớm phải từ bỏ vai trò là Trung tâm tài chính Châu Á-Thế giới, cái vị trí đó bắt buộc phải để lại cho những thành phố đến từ các quốc gia lân cận Hồng Kông.

Trước những thay đổi mang tính chất lịch sử, thực tế lại có một cơ hội cho đất nước chúng ta, khi Hồng Kông – trung tâm hành chính Châu Á và thế giới đang vấp phải những làn sóng bất ổn, kèm theo đó là sự ra đi của những tập đoàn tài chính-kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào tiềm lực và triển vọng của nền kinh tế nước nhà để lấp đầy khoảng trống mà những biến động của Hồng Kông đang để lại. Đó mới là cái nhìn của một người Việt Nam sáng suốt thực thụ, chứ không phải là những việc làm ‘Pray For Hong Kong’.

Hàn Nguyên

Bài mới
Đọc nhiều