+
Aa
-
like
comment

Người vì lợi ích chung làm việc không quan tâm đến ghế

06/10/2020 08:33

Người vì dân, vì nước sẽ làm việc đến ngày cuối cùng diễn ra Đại hội XIII dù sau đó họ không còn ở cương vị đó nữa. Họ không quan tâm gì đến lợi ích cá nhân, không quan tâm đến ghế.

Chia sẻ với PV để tìm giải pháp khuyển khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, PGS-TS Vũ Văn Phúc Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, con người làm việc gì đều có động cơ.

Có người thì động cơ trong sáng, động cơ là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như Bác Hồ nói. Nhưng cũng có người làm việc với động cơ cá nhân, xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân thì họ làm việc vì lợi ích của cá nhân, vì lợi ích của gia đình, vì lợi ích của nhóm của cánh hẩu.

Về mặt biểu hiện nhiều cả hai động cơ này lại giống nhau. Nếu không đánh giá một cách khách quan, bằng nhiều tiêu chí thì không phân biệt được ai làm việc vì động cơ cá nhân; ai làm việc động vì động cơ vì nước, vì dân.

Dứt khoát không chọn người ‘giữ mình chờ Đại hội’

Theo ông Phúc, nếu dùng phương pháp đánh giá một cách toàn diện, đánh giá bằng hiệu quả công việc, bằng sản phẩm cụ thể, đánh giá cả quá trình công tác; đánh giá ngang (so với những người cùng chức vụ, cùng vị trí tương đương); đánh giá nhiều chiều bằng nhiều tiêu chí khác nhau thì vẫn phát hiện được xem là người đó làm việc vì động cơ nào.

Người vì lợi ích chung làm việc không quan tâm đến ghế
PGS-TS Vũ Văn Phúc Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

“Tôi lấy ví dụ như bây giờ chuẩn bị đến Đại hội XIII của Đảng, nếu người vì dân, vì nước, người hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì họ làm việc hết sức, làm việc đến ngày cuối cùng diễn ra Đại hội XIII.

Ngay cả sắp tới đây người đó không còn làm nữa, không giữ cương vị đó nữa, họ vẫn tiếp tục làm, làm hết sức mình đến giờ phút cuối cùng. Những người như vậy không quan tâm gì đến lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, không quan tâm đến cái ghế mà họ chỉ quan tâm làm thế nào cho đất nước phát triển, làm thế nào cho dân được ấm no, hạnh phúc”, PGS-TS Vũ Văn Phúc phân tích.

Nhưng ngược lại, ông Phúc cho rằng, người xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, những kẻ cơ hội thì thường trước Đại hội Đảng họ không dám làm gì cả.

“Chúng tôi dùng hay gọi là ‘đi nhẹ, nói khẽ cười duyên’, ‘giữ mình chờ Đại hội’, không làm gì cả. Người ta làm chỉ sợ mất phiếu, sợ đụng chạm, sợ mất lòng nên không dám làm già”, ông Phúc nói.

Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn chứng câu chuyện giải ngân đầu tư công gần đây là một điển hình. Nhiều tỉnh, nhiều bộ bây giờ rất nhiều tiền nhưng không giải ngân được mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tìm mọi biện pháp nhưng nhiều nơi không làm.

Theo ông Phúc, những người ‘giữ mình chờ Đại hội’ dù biết rằng không làm là thiệt hại rất lớn lợi ích chung nhưng họ vẫn cứ khư khư giữ lấy mình, vo tròn lại, co mình lại, làm thế nào để tròn trĩnh, để được  phiếu.

“Những con người đó theo tôi dứt khoát không cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành và càng không nên cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương. Bởi vì những con người giữ mình như thế chả có tác dụng gì cho dân, cho nước và khi được bầu, bổ nhiệm rồi anh ta lại nhăm nhăm vì lợi ích cá nhân của mình. Vì vậy, ngay từ đầu phải gạt những người này ra khỏi danh sách không giới thiệu để Đại hội bầu”, ông Phúc lưu ý.

Không xem xét xử lý kỷ luật những người dám làm vì lợi ích chung

Ông Phúc cho biết, Bộ Chính trị đang giao Ban Tổ chức Trung ương xây dựng đề án “khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” để ban hành trong thời gian tới. Theo đó, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám vì lợi ích chung phải khuyến khích, động viên và phải có cơ chế bảo vệ họ.

Trong thực hiện nhiệm vụ, vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời cũng cần tạo môi trường khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phải có cơ chế bảo vệ người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

“Đảng phải khuyến khích, Nhà nước phải có cơ chế để tạo điều kiện cho người này làm việc một cách tốt nhất để họ dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo, dám đi đầu vào những lĩnh vực khó khăn mặc dù chưa có tiền lệ, dám đi vào những cái mới để tìm ra cơ hội cho đất nước phát triển, cho cơ quan, do đơn vị, cho lĩnh vực, cho ngành mình, cho địa phương mình phát triển”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, những người này phải được động viên, khuyến khích, tạo điều kiện, thậm chí vì một lý do nào đó mà việc làm của họ chưa thành công thì không xem xét xử lý hành chính, không xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí có thể mất đi một số kinh phí nào đó để động viên họ làm nếu như đó thực sự là hành động vì dân, vì nước.

Tất nhiên, ông Phúc cho rằng,  phải đưa ra một hệ tiêu chí đánh giá xem đâu là những con người, những công việc mà cán bộ đó dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; còn đâu là những trường hợp lợi dụng đổi mới sáng tạo để làm vì lợi ích cá nhân mình.

PGS-TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, nhân dân biết hết, ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong lịch sử chúng ta đã có Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay) Kim Ngọc đã dám đồng lý cho người nông dân khoán chui và nhân dân đồng tình ủng hộ mặc dù lúc bấy giờ chưa có chủ trương chung và ông đã được dân bảo vệ.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần, cứ hỏi nhân dân biết hết. Trên thực tế như các cụ nói, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”. Có thể lúc đầu chúng ta chưa phân biệt được người dám nghĩ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung với người cơ hội cá nhân nhưng đến một lúc đó sẽ bộc lộ ra. Thực tế lịch sử, không ngắn thì dài sẽ chứng minh điều đó”, ông Phúc phấn tích.

Thu Hằng/VNN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều