+
Aa
-
like
comment

Người ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ do ăn uống và sinh hoạt

30/08/2020 07:31

Ung thư đại trực tràng thường gặp ở tuổi ngoài 50, vài năm gần đây ghi nhận bệnh nhân tuổi 30-40, thậm chí dưới 20 tuổi.

Đại trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa từ manh tràng đến ống hậu môn. Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam. Số người mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa.

Ghi nhận từ Globocan, hàng năm Việt Nam phát hiện hơn 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng, đứng thứ 5 trong các ung thư phổ biến, sau gan, phổi, dạ dày và vú. Dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng đứng thứ hai ở nam giới và thứ tư ở nữ giới.

Đây là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỷ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Phó giáo sư, tiến sĩ, Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 600 bệnh nhân ung thư đại trực tràng mới. Bệnh nhân ngày càng trẻ, dưới 20 tuổi, 30-40 tuổi, thường gặp ở độ tuổi ngoài 50.

Các dấu hiệu sớm nhận biết ung thư đại trực tràng như đầy bụng, khó tiêu, rối loạn đại tiện gây táo bón, đại tiện phân lỏng nhiều lần, có thể táo bón và đại tiện phân lỏng xen kẽ. Một số trường hợp có thể đại tiện phân nhầy, ra máu hoặc thay đổi khuôn phân. Tiếp đến là mệt mỏi, gầy sút cân, thiếu máu, đau bụng, chướng bụng, bí trung đại tiện khi có dấu hiệu tắc ruột hoặc bán tắc ruột do u đại trực tràng…

“Ở giai đoạn muộn đã có di căn xa không còn khả năng điều trị triệt căn, bệnh nhân có thể gặp phải một số các biến chứng khác như tắc ruột, thủng đại tràng, xuất huyết tiêu hóa…”, bác sĩ nói.

Bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đang khám và sàng lọc ung thư cho người dân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đang khám và sàng lọc ung thư cho người dân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Theo bác sĩ, nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh là người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng, hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp (hội chứng Lynch), bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (PAP). Một số nguyên nhân khác như các tổn thương tiền ung thư bao gồm viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại tràng.

Ngoài ra, lối sống không lành mạnh, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, chất béo, ăn ít trái cây và rau xanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá… cũng là những yếu tố nguy cơ bệnh.

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư đại trực tràng. Phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng có hai phương pháp là mổ mở truyền thống và mổ nội soi.

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân vào hóa chất, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch và chăm sóc điều trị triệu chứng để kéo dài sự sống. Bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư đại trực tràng đa số đều có tiên lượng xấu hơn so với người cao tuổi, do bệnh có tốc độ phát triển nhanh hơn và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.

Để phòng ngừa bệnh, mọi người cần giữ lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia hay thức ăn nhiều mỡ, hạn chế muối, thức ăn lên men, xông khói… Bổ sung đầy đủ chất xơ từ trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… Tập thể dục thường xuyên. Không hút thuốc lá. Khám sức khỏe định kỳ phát hiện các bất thường.

Tầm soát phát hiện sớm ung thư đại tràng đối với người trên 50 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ, bằng các xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi đại trực tràng. Tùy thuộc vào tổn thương được phát hiện khi soi đại trực tràng, bác sĩ sẽ hẹn bạn khoảng cách các lần soi sau có thể 3-5 năm một lần.

Thùy An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều