Người tung tin cháu bé trường Gateway bị sốc phản vệ thuốc gây tê đối diện hình phạt nào?
Theo luật sư, hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ… là hành vi bị cấm.
Ngày 27/8, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng – Phó giám đốc Công an Hà Nội đã có báo cáo về kết quả điều tra nguyên nhân bé Lê Hoàng L. (học sinh lớp 1 trường Gateway, Cầu Giấy) tử vong, trong đó nêu rõ là do suy hô hấp, tuần hoàn, sốc nhiệt trong không gian giới hạn.
Thời gian bé tử vong từ 9 – 12h tính từ thời điểm khám nghiệm tử thi là 00h30 ngày 7/8, tức là cháu L. bị chết ngạt trong ô tô.
Mặc dù nguyên nhân cháu L. tử vong bước đầu được công an xác định là chết ngạt trong xe ô tô, nhưng những ngày gần đây trên mạng xã hội Facebook lại lan truyền tin đồn thất thiệt nói “cháu mất là do sốc phản vệ thuốc gây tê và kháng sinh”.
Đây chỉ là những thông tin không đúng sự thật, song đáng ngại là rất nhiều người không nắm rõ sự việc đã chia sẻ và bình luận quanh tin thất thiệt này.
PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), liên quan đến mức phạt mà người đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội Facebook có thể sẽ phải chịu.
Luật sư Cường cho biết, những thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể dẫn đến những hoài nghi, hoang mang, lo lắng trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư cá nhân và có thể gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Bởi vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét những nguồn tin đó, tùy vào tính chất mức độ, mục đích và hậu quả gây ra mà người tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Điều 8, Luật An ninh mạng thì hành vi “Đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…” là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.
Người nào thực hiện hành vi này gây ra hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điểm ạ, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, hình phạt có thể đến 3 năm tù.
Trong trường hợp, hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa tác động xấu đến xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân… thì hành vi này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Theo quy định này, cá nhân cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền 10-15 triệu đồng.
Luật sư Cường cho biết thêm, đối với những người sử dụng mạng xã hội chia sẻ lại tin đồn thất thiệt phải thì phải làm rõ mục đích của việc làm này.
Nếu cá nhân đơn thuần chỉ chia sẻ vì thấy đó là thông tin, không biết là thất thiệt, cũng không vì động cơ, mục đích xấu nào thì không có chế tài xử lý. Ngược lại, nếu cá nhân nào tìm kiếm, chia sẻ thông tin này với động cơ, mục đích xấu thì cũng có thể bị xử phạt hành chính.
Hoàng Hải/ Trí Thức Trẻ