+
Aa
-
like
comment

Người tung clip “nóng” giả mạo quay ở Karaoke Sunny Phúc Yên có thể đối mặt với án phạt nào?

12/05/2021 10:58

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa xác định các clip “nóng” nghi quay từ quán bar Sunny Phúc Yên là giả mạo, sai sự thật. Vậy người tung clip này có thể đối mặt với án phạt nào?

Như đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các clip khiêu dâm, đồi trụy gây phản cảm, lan truyền trên mạng internet cho rằng ở quán karaoke Sunny Phúc Yên, Vĩnh Phúc là thông tin giả mạo, nguồn gốc đăng tải video trên Internet có máy chủ đặt tại Mỹ và Nhật Bản không được cấp phép tại Việt Nam và những hình ảnh đó không phải ở quán karaoke Sunny Phúc Yên.

Theo đó, việc lan truyền các clip giả mạo này đã dẫn tới sự nhìn nhận lệch lạc, gây hoang mang tại địa phương, ảnh hưởng xấu đến việc đảm bảo an ninh trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 326 Bộ Luật Hình sự để làm rõ việc đăng tải clip giả mạo vậy nhằm mục đích gì.

Liên quan tới ổ dịch quán bar Sunny Phúc Yên, Cơ quan điều tra đã xác định dấu hiệu vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở này nên đã khởi tố thêm một vụ án hình sự khác để điều tra.

Quan-Bar-Sunny-01
Những hình ảnh này, cơ quan điều tra cho rằng, không phải là ở quán bar Sunny mà đều là giả mạo. Ảnh cắt từ clip

Người tung clip “nóng” nghi quay từ quán bar Sunny Phúc Yên có thể đối mặt với án phạt nào?

Trao đổi với PV về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô hoặc khêu gợi những ý thức thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi đàng điếm, dâm ô bằng các thủ đoạn như: Làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy”.

Theo luật sư, tội phạm này xâm phạm đến truyền thống văn hóa của dân tộc, sự quản lý của Nhà nước về việc duy trì, phát triển nếp văn hóa văn minh mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Sự nguy hiểm của nó thể hiện ở sự xâm hại vào thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm suy đồi về mặt đạo đức ảnh hưởng đến sự lành mạnh của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trực tiếp xâm phạm chế độ bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống tinh thẩn của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Bởi vậy, người vi phạm về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Cụ thể các khung xử phạt được quy định rõ tại “Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS).

Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Những hình phạt khác liên quan đến clip “nóng” nghi quay từ quán bar Sunny Phúc Yên

Theo luật sư Cường, ngoài ra, Cơ quan chức năng (CQCN) sẽ làm rõ các cô gái thoát y, thực hiện các động tác khiêu dâm ở cơ sở giải trí này có độ tuổi như thế nào. Nếu có người dưới 16 tuổi thì người tổ chức cho người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi khiêu dâm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 147 BLHS với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ cho thấy có người đã thành niên mà mua dâm người dưới 16 tuổi thì người mua dâm sẽ bị xử lý hình sự về tội mua dâm người dưới 16 tuổi. Đồng thời làm rõ có hành vi môi giới mại dâm hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã dẫn dắt, môi giới để thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm thì người môi giới sẽ bị xử lý hình sự về tội môi giới mại dâm theo quy định của BLHS. Còn đối tượng mua dâm và bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu CQCN phát hiện có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy ở cơ sở kinh doanh này thì người vi phạm cũng sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng thuộc nhóm tội về ma túy theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài hết sức nghiêm khắc, có thể áp dụng hình phạt tử hình nếu như lượng ma túy thu được từ 100 gam trở lên…

Ngoài ra, CQCN cũng sẽ làm rõ các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh của cơ sở này được thực hiện như thế nào. Trong trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS hoặc Tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người theo điều 295 BLHS và hướng dẫn của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao tại Công số 45/TANDTC Về xử lý tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh covid-19.

PV

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều