+
Aa
-
like
comment

Định mệnh nghiệt ngã của lịch sử Đài Loan và Hàn Quốc

Khánh Đăng - 18/08/2022 15:16

Những chuyển động chính trị đầy căng thẳng vừa qua trên hai bờ eo biển Đài Loan đã một lần nữa cho thấy tính chất phức tạp của quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nửa đầu thế kỷ XXI. Di sản của chủ nghĩa thực dân và Chiến tranh lạnh vẫn luôn hiện hữu tại đây, góp phần vào sự chia rẽ, xung đột và cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc trong không gian quyền lực ấy. Ở đó, những thế hệ được sinh ra mà chưa từng phải trải qua chiến tranh, có những suy nghĩ rất khác nhau về sự thống nhất. Ở đó, những người trẻ ở Hàn Quốc và Đài Loan, với những khát khao và niềm tin ngược chiều nhau về giấc mơ độc lập.

2/3 người trẻ ở Hàn Quốc cho biết họ khao khát thống nhất với Triều Tiền.

Cũng như phần lớn thanh thiếu niên châu Á, người trẻ ở Đài Loan và Hàn Quốc, nhìn chung, có mức độ gắn bó với cha mẹ khá cao. Về học tập và sinh hoạt, điểm chung rõ nét nhất giữa thanh niên Hàn Quốc và Đài Loan đó là họ được hưởng thụ một môi trường giáo dục cực kì tiến bộ và hiện đại. Chưa kể, họ còn cùng nhau chia sẻ các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền. Không chỉ trên trang giấy hay những bài giảng khô khan, mà cả trong thực tiễn, họ và cha ông của họ đã đấu tranh đòi dân chủ hết sức kiên cường. Do đó, định mệnh nghiệt ngã của lịch sử cũng kéo họ thêm gần nhau hơn – gần về địa lý, gần về lịch sử và thân phận phụ thuộc của mình.

Mặc dù cùng chia sẻ nhiều điểm chung, nhưng, trong suy tư về sự thống nhất, thế hệ trẻ ở Đài Loan và Hàn Quốc lại cho thấy những khác biệt. Một khảo sát mới nhất từ năm 2021 của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, 2/3 thanh niên nước này mong muốn được thống nhất với Bắc Triều Tiên. Họ ý thức rất rõ sự tình của đất nước mình. Họ xem Mỹ và phương Tây vừa là bạn, nhưng cũng vừa là nguyên nhân cản trở thống nhất. Do vậy, sự hiện diện của những thế lực này trên bán đảo Triều Tiên càng lâu thì tương lai thống nhất còn rất xa vời.

Ở Đài Loan, thống nhất không nằm trong mục tiêu chính trị của phần lớn người trẻ. Bởi họ thật sự không cảm thấy cần thiết khi phải thống nhất với Đại Lục. Trong đó, hai lí do phổ biến nhất cho đến nay là những khác biệt về bản sắc và mô hình chính trị. Bên cạnh đó, khác với Hàn Quốc, người trẻ ở Đài Loan dường như nhiệt tình ủng hộ sự có mặt của Mỹ tại đảo này.

Như vậy, rõ ràng, thống nhất và độc lập, trong suy nghĩ của thế hệ trẻ Đài Loan và Hàn Quốc thật sự không giống nhau. Đó là một khát vọng ngược chiều và cũng chính từ sự ngược chiều này đã quy định những tương đồng và khác biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc trên hành trình phát triển của mình. Hai trường hợp trên đã phần nào cho thấy cái giá của hoà bình, thống nhất và độc lập mà cha ông ta đã giành lấy, duy trì và củng cố trong hơn 40 năm qua là quý báu, là ý nghĩa nhường nào. Vượt lên trên những bi kịch của mất mát và đổ vỡ, của hận thù và sự chia rẽ, người Việt Nam đã làm được một điều mà hai dân tộc kia không thể: Thống nhất. Thế mới thấy, để bảo vệ và củng cố khối di sản đó, những người trẻ trên dải đất hình chữ “S” này, còn phải nỗ lực và phấn đấu rất nhiều.

Đăng Võ

Bài mới
Đọc nhiều