Người tiêu dùng tăng mua thực phẩm sạch
Các loại thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và tốt cho sức khỏe được quan tâm nhiều hơn
4 giờ chiều cuối tuần, sau cuộc hẹn làm việc với đối tác tại một quán cà phê ở quận 1 (TP HCM), chị Thanh Thảo bước thẳng tới quầy rau củ organic của quán mua 2 trái bầu, 1 bịch rau muống, 1 bịch cải ngọt, 1 nải chuối rồi ra xe đi về.
Hàng organic tiêu thụ mạnh
Theo chị Thanh Thảo, từ khi dịch Covid-19 lan rộng đến nay, gia đình chị hạn chế tối đa các hoạt động vui chơi, ăn uống bên ngoài. Thực đơn ăn uống cũng lành mạnh hơn hẳn, tủ lạnh lúc nào cũng có sẵn nước chanh, sả, gừng pha với mật ong để tăng đề kháng. Rau xanh, trái cây thì ưu tiên hàng VietGAP hoặc organic. “Tôi tăng khẩu phần những món ăn nhiều dinh dưỡng, thân thiện với sức khỏe và giúp tăng đề kháng tự nhiên, coi như một cách phòng bệnh” – chị Thanh Thảo nói.
Nhân viên thu ngân quán cho biết tỉ lệ khách đến quán kết hợp uống cà phê và mua rau đã tăng khá nhiều so với trước Tết; một số khách là nhân viên văn phòng các tòa nhà gần đó hoặc khách vãng lai cũng ghé vào mua vì “đang mùa dịch, nhà nào cũng giảm đi chơi, mua sắm nên dồn tiền cho ăn ngon, ăn sạch”.
Theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Organica), thông thường các tháng sau Tết doanh thu chậm hơn so với trước Tết. Lý do là nhiều người đã tập trung mua sắm trước đó nên đồ dùng còn; nhiều gia đình vẫn còn ở quê hoặc đi du lịch, chưa trở lại thành phố.
“Nhưng năm nay, sau Tết, tình hình kinh doanh của Organica vẫn khá ổn định, thậm chí tốt hơn bình thường. Có lẽ cũng do một phần tác động của dịch Covid-19 nên người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng các chất hóa học và tốt cho sức khỏe. Dịch bệnh này chưa có thuốc chữa, chỉ có cách phòng tránh và tăng sức đề kháng của cơ thể. Người tiêu dùng biết rằng cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất là tránh các thực phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, thay thế bằng thực phẩm sạch, không dư lượng hóa chất nên thực phẩm hữu cơ là lựa chọn lý tưởng trong giai đoạn này, kế đến là nhóm hàng tăng sức đề kháng.
“Các mặt hàng sả, chanh, mật ong, tinh bột nghệ, tỏi đen… thuộc nhóm bán chạy nhất. Trong đó, sả, chanh rất đắt hàng vì mọi người mua về làm công thức nước uống tăng sức khỏe cho phổi và hô hấp. Những thứ này trước đây chỉ bán làm gia vị nên số lượng không nhiều nhưng khi người tiêu dùng mua về làm nước uống hằng ngày thì số lượng tăng lên nhiều lần nên vườn không đáp ứng đủ” – bà Thảo dẫn chứng.
Về nguồn hàng, do nguồn rau hữu cơ của Organica được lấy từ trang trại tự đầu tư hoặc liên kết đầu tư nên nguồn cung vẫn bảo đảm, không tăng giá bán so với trước. Các sản phẩm nhập khẩu phần lớn từ châu Âu, Mỹ, New Zealand, Malaysia… là các nơi không hoặc ít bị tác động của dịch Covid-19 nên vẫn dồi dào. Hơn nữa, hàng nhập khẩu Organica đều lên kế hoạch từ trước nên chưa biến động về giá do dịch bệnh. Một vài mặt hàng tăng giá bởi các nhà cung cấp đã thông báo từ trước chứ không phải vì dịch bệnh.
Cũng thông báo không tăng giá các mặt hàng rau củ, trái cây tươi organic đang bán tại các cửa hàng Vinamit Organic và hệ thống phân phối hiện đại dù nhu cầu tiêu thụ đã tăng 30% từ sau Tết, Công ty CP Vinamit đang triển khai mở rộng vùng trồng để kịp thời đáp ứng đơn hàng tăng. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit, quan sát thấy càng lo ngại dịch bệnh, người tiêu dùng càng quan tâm đến dinh dưỡng, ăn uống nhiều hơn.
“Nhu cầu thị trường tăng đột ngột trong khi sản xuất organic không thể ngay lập tức tăng sản lượng nên chúng tôi tạm thời không đáp ứng đủ đơn hàng của các nhà phân phối. Tuy nhiên, công ty cũng không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị phần khi ý thức tiêu dùng thực phẩm sạch, tự nhiên đang gia tăng” – ông Viên nói. Hiện trung bình mỗi ngày Vinamit cung ứng cho thị trường TP HCM khoảng 3 tấn rau củ, trái cây tươi organic; dự kiến sau 2 tháng nữa, sản lượng sẽ tăng lên, đủ đáp ứng cho thị trường.
Doanh nghiệp linh hoạt thích ứng
Trước những biến động thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã linh hoạt điều chỉnh, thay đổi để thích nghi. Ghi nhận của bà Phạm Phương Thảo, từ sau Tết đến nay, người mua hàng đến cửa hàng ít hẳn vì lo sợ dịch bệnh trong khi lượng hàng bán ra vẫn ổn định, một số thời điểm còn tăng lên nhờ bán hàng qua kênh online (website, Facebook), điện thoại và giao hàng tận nơi cho khách hàng. Do lượng hàng giao tăng lên trong khi nhân viên giao hàng vẫn như cũ nên Organica phải tăng cường giao hàng qua các đơn vị chuyên giao nhận.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho biết dịch bệnh khiến người dân ngại ra đường mua sắm. Trái cây dù là mặt hàng tốt cho sức khỏe nhưng gặp ngay thời điểm “giải cứu trái cây” nên người dân tập trung mua hàng giá rẻ. Trong khi đó, trái cây của công ty cung cấp là sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ nên dù có giảm giá thì vẫn cao hơn giá hàng chợ. Doanh thu thị trường nội địa của công ty giảm mạnh là vì vậy” – ông Tùng nói. Để đẩy hàng ra thị trường, Vina T&T Group đã triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với mặt hàng thanh long và dưa hấu tại các cửa hàng của công ty. Cũng nhờ kịp thời giảm giá, đơn hàng thanh long ruột đỏ đi Mỹ tăng gấp 4 lần, từ 20 container đã vọt lên 80 container từ sau Tết đến nay.
Công ty CP Anfoods ở Bến Tre (thương hiệu “Người giữ rừng”) chuyên doanh thủy sản thiên nhiên khai thác dưới tán rừng ngập mặn đã tạm hoãn kế hoạch tăng giá sản phẩm lên 3%-5% (bán sỉ) và 5%-7% (bán lẻ) vào đầu tháng 2 do chi phí sản xuất tăng nhưng vướng dịch bệnh nên phải giữ giá để giữ khách hàng.
Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có khả năng tăng
Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và sản phẩm từ nông sản cho biết đến nay, hàng hóa đi Trung Quốc bằng đường chính ngạch không bị ảnh hưởng nhiều. “Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (tỉnh Long An), cho biết 30% sản lượng công ty tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc nhưng nhờ đi đường chính ngạch bằng tàu biển nên không bị ảnh hưởng nhiều. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, những sản phẩm chế biến gồm trái cây sấy, sữa chua sấy… vẫn xuất sang Trung Quốc đều đặn theo tiến độ đơn hàng đã ký trước đây, khả năng sẽ tăng sản lượng trong thời gian tới.
Phương An – Ngọc Ánh/NLD