+
Aa
-
like
comment

Người thầy tình báo Mười Hương đấu trí khi bị bắt giam

11/06/2020 19:06

Năm 1957, ông Trần Quốc Hương bị quân địch bắt giam, phải đấu trí kiên định, anh dũng, khôn khéo suốt 6 năm trời.

Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trưởng Ban Nội chính Trung ương, phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông là cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tái bản sách nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2020), BBT trích đăng một phần nội dung tác phẩm.

Ngay sau khi bắt được ông Mười Hương tại điểm hẹn ở Gò Vấp, bọn lính kín đưa ông về Vân Đồn, một kho của quân Bảy Viễn trước đây, giờ được Đoàn mật vụ miền Trung lấy làm trụ sở. Vì là kho nên sân rộng, có một tòa nhà có tầng gác.

Chúng để ông ở tầng trệt, có một thằng coi, không nói năng gì. Trưa có cơm. Tối phát mùng: “Ông cứ nghỉ đi. Đừng tìm cách trốn để chúng tôi phải dùng biện pháp không muốn”.

Trần Quốc Hương (Mười Hương), người thầy của nhiều nhân vật tình báo nổi tiếng. Ảnh: Thanh Niên.

Khi nó đã biết về mình rồi, chỉ còn cách đấu tranh trực diệnSuốt cả ngày không hỏi gì, có lẽ đêm đến nó mới đánh? Cũng không. Sáng hôm sau, ngoài sân thấy lính ra tập sớm. Đến khi nhìn qua khe cửa mới biết anh em cùng hoạt động cũng bị bắt vào đây.

“Khi còn ở ngoài hoạt động, tôi luôn nghĩ: Hoạt động mà bị bắt thường phải nghĩ tới hai trường hợp: nó không biết gì về mình, có thể nghĩ ra cách cung khai một bản cung giả nhưng phải hợp lý.

Khi nó đã biết về mình rồi, chỉ còn cách đấu tranh trực diện. Vì vậy, việc quan trọng bây giờ của tôi: Phải tìm hiểu cho ra vì sao mình bị bắt, từ đó mới có thể hiểu là kẻ địch đã biết gì về mình hay chưa.

Bọn chúng để yên cho tôi ba ngày, không hỏi han, không đánh đập. Tôi chưa hiểu nó định làm gì. Lúc ấy đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi nằm một lúc rồi ngồi dậy thiền. Tôi học thiền từ lâu rồi, theo cuốn sách về khí công mà đồng chí Lý Ban (sau này là thứ trưởng Ngoại thương) cho tôi.

Suốt sáu năm tù tôi đều tập, nó làm cho tôi bình tĩnh lại và giữ được sức khỏe. Bọn gác theo dõi cả đêm. Tôi tập đến lúc mệt mới thôi. Một hôm, có thằng đến hỏi:

– Tên ông là gì?

– Các ông giữ căn cước của tôi còn hỏi. Tôi là Trí.

– Không phải, ông nói láo. Đó là giấy giả. Tên ông là H.G.

H.G. chính là tên tôi thường ký trong các báo cáo. Hay là bể đường dây, giao thông bị bắt khai ra? Mấy ngày sau tôi có quan sát xung quanh. Ở nhà ngang phía sau phòng tôi có phòng giam anh em, trong đó tôi có thoáng thấy một số cán bộ cùng hoạt động với tôi. Buổi tối các anh ấy thường chơi cờ.

Một lần khi xin đi vệ sinh, tôi liều tạt thẳng vào. Có một anh nói ngay, thằng Ba nó chỉ bắt anh, nó phản rồi đấy anh ạ. Rồi giơ tay chỉ cho tôi một căn phòng. Đó chính là căn phòng hễ cứ tôi ra là nó đóng cửa phòng ấy lại.

Tôi vờ kêu lên mấy câu, chợt nghe tiếng anh Ba, người đã cùng bị bắt với tôi khi gặp nhau ở Gò Vấp. Anh ta kêu lên: “Các bố mở giùm cửa ra chứ nhốt mãi chịu sao được”. Bọn địch ở đây nói tiếng miền Trung. Tôi chợt nghĩ: Mình dính bọn thằng Cẩn rồi, không thể bịa ra một bản cung đánh lừa chúng được, chỉ còn con đường đấu tranh trực diện”.

“Trước khi bị bắt, tôi đã nhận được hai bức điện của Xứ ủy dặn: Hãy cẩn thận. Ngưng liên hệ với Trung ương và ngoài Trung vì có bể bạc lớn. Có lệnh mới được liên lạc lại. Tôi được biết, ở khu Năm có cơ sở bị xóa trắng toàn bộ. Có những nơi đồng chí ta bị bắt gần hết. Quân của Cẩn phá căn cứ Ba Lòng tàn khốc lắm, thậm chí sau khi đã phá nát nó còn cho người đi kiểm tra, gặp một bé trai sống sót nó cũng giết nốt. Lại còn vụ ở Quảng Nam, đập Vĩnh Trinh… Tư tưởng sẵn sàng chết là có từ đấy, khi tôi nghe giọng nói của bọn công tác đặc biệt miền Trung”.

“Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì?” Dương Văn Hiếu, tu xuất, sau làm giám đốc Cảnh sát đặc biệt, lúc đó đang là Trưởng ty Công an Thừa Thiên. Hắn là một trong số trưởng ty công an đầu tiên do Mỹ đào tạo trở thành Trưởng đoàn Công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn.

Tran Quoc Huong anh 2
Sách Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo.

Một hôm, Hiếu cùng tên Khanh, một tên chuyên phụ trách việc bắt bớ của Nha Cảnh sát đặc biệt ngụy quyền Sài Gòn (kẻ đã bắt tôi), tới gặp tôi:

– Chúng tôi tới thăm sức khỏe ông.

Tôi im lặng. Nó nói tiếp:

– Ông đừng có hy vọng, không trốn được, cũng không tự tử được đâu. Ông bị theo dõi 24/24. Làm gì chúng tôi biết ngay.

Tên Hiếu đi lại, thủng thẳng:

– Ông không biết tôi đâu. Nhưng tôi rất biết ông. Ông và ông Bùi Lâm là người lãnh đạo Tòa án quân sự Quân khu Ba mà. Anh em bị bắt rất ca ngợi ông. Họ phục ông lắm.

Bọn chúng rất cáo già, cẩn thận trong từng câu nói, cả cách xưng hô. Chúng không dùng đại từ gì khác ngoài từ “ông” và “anh” khi nói chuyện với tôi. Kể cả lúc tức tối. Dương Văn Hiếu vốn là người Hà Nam, việc nó biết tôi và anh Bùi Lâm chẳng có gì lạ.

Tôi cứ im lặng xem nó giở bài gì. Nó nói tiếp:

– Cậu Hội cao phục ông lắm.

Hội là tên người liên lạc, rất giỏi và ngoan cường, đòn tra không ăn thua. Thời kháng chiến chống Pháp, Hội nổi tiếng dũng cảm đánh bọn đặc vụ Quốc dân Đảng.

Thấy tôi im lặng, chợt nó hỏi:

– Ông có phải tên Hương không?

Tôi nghĩ đã đến lúc đấu tranh trực diện nên trả lời:

– Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì? Dù ông muốn gì, tôi cũng nói trước cho các ông biết: người cách mạng bị bắt có ba việc không làm: không khai báo, không nói xấu cách mạng, không nói xấu Chính phủ Cụ Hồ. Còn các ông muốn làm gì thì làm. Tôi biết, tôi bị bắt, các ông có quyền hành hạ, không cho ăn, không cho, xin lỗi, ỉa, nhưng tôi nói trước là tôi không khai.

Hai đứa nhìn nhau bất ngờ. Trao đổi vài câu, chúng bỏ về.

Ông Mười Hương ngầm liên hệ được với anh Hoàng – trưởng nhóm tình báo Thừa Thiên khu Năm cũng bị bắt nhốt ở trại Vân Đồn. “Tôi bí mật viết thư nói rõ thái độ của mình cho anh ấy: ‘Tôi bị bắt chắc chết thôi. Thế nào chúng nó cũng biết. Nhờ anh nhắn cho vợ con tôi. Tôi chết thanh thản và trong sáng”.

Anh ấy viết trả lời cho biết là anh không khai gì về tôi cả, chỉ nói là có lần gặp ở bùng binh (đường Nguyễn Văn Cừ bây giờ thì phải). Anh dặn tôi: “Cố gắng sống. Cách mạng cần anh nhiều. Cẩn sẽ đưa anh ra Huế đấy, hắn rất muốn gặp anh”. Cẩn có nói với tay chân, thái độ anh này mà giống Tư Lung thì tao giết ngay thôi, tao không chịu được”.

Tôi nghi ngờ, không biết sự thực sẽ như thế hay không, hay là địch tìm cách bắn tiếng để “tâm lý chiến” tôi.

(Còn tiếp)

Trích sách “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo”.

Ngày 11/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từ trần.

Theo thông báo của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, do tuổi cao sức yếu, ông Trần Quốc Hương đã từ trần vào hồi 10h10 ngày 11/6, tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều