+
Aa
-
like
comment

Người thầy thuốc và “mục tiêu kép” của Thủ tướng

sông trà - 04/03/2020 13:55

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mỗi y, bác sĩ đang trở thành những chiến sĩ ở tuyến đầu trận địa, sẵn sàng chống dịch khi COVID-19 tràn tới.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) năm nay hẳn sẽ đặc biệt hơn tất thảy, sẽ không có những lễ kỉ niệm ngày truyền thống với biểu ngữ và hoa chúc mừng, bởi những người chiến sĩ ấy đang trong cuộc chiến cam go chống dịch- dịch bệnh nguy hiểm đe doạ y tế toàn cầu COVID-19.

Sự hy sinh lặng thầm

Ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào đều có sự “hy sinh’’ của các bác sỹ khi đại dịch nổ ra. Một sự hy sinh cho lý tưởng của nghề y, hy sinh vì sự sống của người khác. Tại nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran và một số quốc gia.

Tính tới 26/2, dịch COVID-19 đã khiến 2.769 người chết trong tổng số 81.176 trường hợp nhiễm bệnh trên toàn cầu. Có 30.006 ca khỏi bệnh. Riêng Trung Quốc đại lục đã có 78.064 ca nhiễm và 2.715 ca tử vong. Trong khi đó, tổng số ca xuất viện là 29.745 ca.

Còn nhớ, 17 năm về trước, Việt Nam cũng trải qua đại dịch SARS, nỗi ám ảnh với đội ngũ y bác sĩ trực tiếp chống dịch vẫn còn tới ngày hôm nay. 44 y bác sĩ nhiễm bệnh khiến bệnh viện Việt – Pháp tự đóng cửa cách ly, 6 y, bác sĩ đã tử vong sau đó. Những sự “ra đi” để lại không ít nước mắt cho dư luận.

Mất mát lớn lao ấy luôn hiện hữu.  Và đến hôm nay hàng trăm hàng ngàn y, bác sỹ trên cả nước cũng lao vào cuộc chiến với COVID-19. “Bác sĩ chúng tôi cũng là con người nên ai chẳng sợ bệnh tật, sợ những cái chết bất thình lình từ đâu rơi xuống với mình, với người thân yêu. Những ngày qua, hình ảnh các nhân viên y tế Vũ Hán kiệt lực chống chọi với dịch bệnh tác động mạnh nhất đến chúng tôi”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Trước đại dịch, với người dân chúng ta, sự sợ hãi đã tới từng nhà, từng ngóc ngách, ra đường phải dùng khẩu trang, trẻ em không được đến trường, các tụ điểm giải trí phải đóng cửa thậm chí phải giật mình mỗi khi nghe tiếng ho của người bên cạnh.

Chúng ta có quyền được lựa chọn ở nhà và không đến những nơi đông người để ngăn chặn rủi ro thấp nhất lây nhiễm dịch COVID-19. Nhưng những người bác sỹ kia họ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là chiến đấu, là đương đầu với những con virus bí ẩn và nguy hiểm này.

Nhìn rộng ra, ngành y tế trên thế giới cũng đã và đang căng mình chống lại dịch COVID-19. Ngay trong lòng dịch, tâm bão của virus corona là Vũ Hán – Trung Quốc, cuộc chiến này càng cam go khi cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nguy cơ lây nhiễm cao. Hôm đầu tuần, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nói đã có hơn 3.200 nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó riêng tỉnh Hồ Bắc chiếm 90%.

Hình ảnh được lan truyền gần đây về một nữ y tá Trung Quốc tham gia chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, tự cách ly với chồng, con để đến ở khách sạn rồi ngày ngày tới bệnh viện chữa trị cho các bệnh nhân. Người chồng vì thương vợ nhưng không được đến gần nên mỗi đêm khuya đều đi sau chiếu đèn xe cho vợ trở về.

Hay câu chuyện của 2 bác sĩ ở Vũ Hán, Trung Quốc qua đời vì dịch COVID-19 cứ mãi ám ảnh tôi. Vị bác sĩ trẻ tuổi Lý Văn Lượng là một trong 8 bác sĩ đầu tiên phát hiện ra căn bệnh COVID-19 với sức khỏe tốt lại bị bệnh nặng đến mức tử vong. Rồi một vận động viên thể hình 10 năm không ốm mà vẫn ra đi..v..v.

Mới đây, trên tạp chí y học Lancet ngày 24/2, hai tác giả là y tá Yingchung Zeng của Bệnh viện Y Quảng Châu và Yan Zhen của Bệnh viện Tưởng niệm Tôn Dật Tiên đã mô tả tình trạng kiệt quệ về tinh thần và sức lực, cũng như thiếu thốn nghiêm trọng về vật tư trước dịch COVID-19 rằng: “Chúng tôi cần thêm sự giúp đỡ. Chúng tôi đang kêu gọi thêm y tá và nhân viên y tế từ các nước trên thế giới đến Trung Quốc ngay lúc này, nhằm giúp đỡ chúng tôi trong cuộc chiến này”.

Bỏ mặc cho những người khoác lên mình bộ blouse trắng, bán rẻ lương tâm đạo đức nghề chỉ biết lợi ích cho mình, mà vô tình quên đi sức khỏe người khác vì đó chỉ là thiểu số, kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”.

Những nỗ lực của đội ngũ y-bác sĩ và áp lực với công việc nơi đầu tuyến của COVID-19 được chia sẻ giúp cho những người xem có cái nhìn rõ hơn về công việc họ đang làm và những nguy hiểm có thể xảy đến với họ khi đối mặt với hiểm họa dịch bệnh.

Người thầy thuốc là một mắt-xíc cho mục tiêu kép

Có một điều đáng lo trong lúc này không chỉ là dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến tác động sâu rộng tới kinh tế- xã hội, mà còn là thái độ tự thua trước dịch bệnh, lấy dịch bệnh là cái cớ để lý giải cho những yếu kém, khiếm khuyết.

Phát biểu kết luận cuộc họp cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua các ý kiến phát biểu đều nói “trong nguy có cơ”. Tinh thần chung của chúng ta là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách và chỉ đạo, điều hành, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để từ đó chắt lọc các đề xuất, kiến nghị”.

Theo đó, Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.

Bộ Y tế trao bằng khen cho các cán bộ y tế

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế – xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân”… Đồng thời, “trong khó khăn, phải vượt qua, quyết liệt, đồng bộ, phải cải cách mạnh mẽ, phải đồng tâm hiệp lực với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên”

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19.

Xét riêng ở “mặt trận y tế”, trên phạm vi toàn cầu, dịch chẳng biết có sớm được dập hay không? Nhưng với người thầy thuốc Việt Nam, mỗi ngày 24 giờ dường như kéo dài thêm rất nhiều lần khi tinh thần luôn luôn đặt trong trạng thái báo động.

Và phải nói rằng 16 bệnh nhân dương tính với COVID-19 liên tục xuất viện, niềm vui này phần nào giúp giảm bớt những căng thẳng trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh, và những y – bác sĩ chính là những “chiến binh” dũng cảm nhất… trong cuộc chiến đó.

Chính câu chuyện của mỗi cá nhân y – bác sĩ trong phòng chống dịch bệnh, những nỗ lực, cố gắng của họ là một trong những điều kiện để đảm bảo cơ thể chúng ta khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng cho mỗi người. Đó cũng là tiền đề để mỗi người dân nói chung, những người quản lý có trách nhiệm nói riêng hăng say lao động, yên tâm  sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đề ra.

Trước những cơn dịch bệnh, thiên tai liên tiếp này những y bác sỹ có xứng đáng được gọi tên anh hùng hay không? Và họ chính là một mắt-xíc quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đưa ra.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều