+
Aa
-
like
comment

Người thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp

06/05/2021 09:57

Nhắc về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giới sử học Việt Nam từ dân sự đến quân sự, từ trong nước ra ngoài nước đều biết về ông không chỉ là một vị tướng trận mạc tài ba. Trước khi trở thành vị Tổng Tư lệnh quân đội, ông là một giáo viên dạy môn Lịch sử xuất sắc, một nhà viết Sử quân sự uyên thâm. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tác gia kiệt xuất với những công trình hoàn chỉnh tổng kết lịch sử, tổng kết chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1934, sau khi đỗ Tú tài triết học, ông Võ Nguyên Giáp ghi tên vào học trường luật. Vừa đi học đại học, sinh viên Võ Nguyên Giáp vừa xin làm giáo viên Trường tư thục Thăng Long để kiếm sống.

Tháng 9-1935, Trường tư thục Thăng Long (mới) khai giảng năm học đầu tiên. Nhìn vào danh sách các giáo viên, người ta đã có thể thấy được đây là tổ chức của những trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước: Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Lân, Bùi Kỷ, Phạm Huy Thông, Ngô Xuân Diệu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Cao Luyện, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Dương, Vũ Đình Liên… Thế nên học sinh các tỉnh cũng đua nhau tìm đến, ngay năm đầu lên tới 2.000, một thắng lợi mà những người thành lập trường chưa nghĩ tới. “Học trò trường tư vừa hư vừa dốt”, quan niệm xã hội thường cho là chỉ những học trò kém không vào được trường công nên mới phải học ở đây. Vậy mà Trường Thăng Long đã nổi lên như một điểm sáng trong khối tư thục. Điều ấy làm cho các ông Tây bỏ vốn ra lập trường tư – như Bailet mở trường Gia Long – tức tối, “máy” mật thám theo dõi, kiếm cớ sai phạm để tìm cách đóng cửa. Chúng cho bọn chỉ điểm trà trộn vào lớp học sinh lớn tuổi xem nội dung giảng của các thầy ra sao. Nhưng các thầy giáo Thăng Long đã chủ động khôn khéo, kín đáo. Năm nào không có chuyện thì mời một số thầy lên “hỏi thăm sức khỏe” và lúc ra về được lời căn dặn cảnh cáo nhẹ: “Mong thầy lưu ý cho, thầy đã đi quá vào nhiều điểm nhà nước Pháp không quy định trong chương trình giảng dạy”.

Trong hồi ký, thầy Hoàng Minh Giám đã viết: “Với phương pháp giảng dạy, các thầy luôn luôn chú trọng khơi gợi ý thức tự giác học tập trong học sinh, thức tỉnh động cơ yêu nước, ghét thù trong các tâm hồn trẻ. Trường đã vận động một đội ngũ giáo viên và học sinh rất đông đảo tham gia “Hội Truyền bá quốc ngữ”; cuộc vận động đó có tác động rất tốt đến tư tưởng học sinh, mở đường cho anh chị em biết cách thể hiện tình yêu nước thương nòi. Đề cao nhân văn tiến bộ, nhà trường chủ trương trong quản lý giáo dục, phải tôn trọng nhân phẩm của học sinh. Đối lại, các anh, các chị học sinh thường rất lễ phép, yêu kính các thầy”.

Thầy Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Tôi dạy sử, tôi tập trung vào những sự kiện tiêu biểu như phong trào Cần Vương, hay những tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… Ngoài những giờ dạy trên lớp, tôi còn tổ chức cho học sinh đi “dã ngoại”, đến Cửa Bắc, đứng trước quả đạn pháo của tàu chiến Pháp bắn vào thành, đến Ô Cầu Giấy, chỗ Henri Riviere, Garnier tử trận. Ngay tại hiện trường, tôi đã giảng giải cho học sinh diễn biến của trận đánh và gieo vào lòng các em lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm cứu nước”.

Năm 1937, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Húc ốm nặng, thầy Hoàng Minh Giám lên thay đã làm thay đổi cả về chất và lượng của Thăng Long học hiệu. Thầy Hoàng Minh Giám quê xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, là con cụ Bảng Hoàng Tăng Bí, người đã sáng lập Đông Kinh nghĩa thục cùng với cụ cử Lương Văn Can. Tiếp thu tinh thần “nghĩa thục” của cha, thầy tỏ rõ quyết tâm cùng đông đảo đồng nghiệp có tinh thần yêu nước, chống lại chính sách ngu dân của chính quyền bảo hộ. Thăng Long là trường tư thục đầu tiên ở nước ta hằng năm tổ chức thi chọn học sinh giỏi và trò nào khó khăn được miễn giảm một phần hoặc toàn phần học phí.

Trường sống trong một thời kỳ lịch sử sôi động của đất nước: Phong trào Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái, Xô Viết Nghệ Tĩnh, mặt trận Bình dân, mặt trận Phản đế, Nam Kỳ khởi nghĩa rồi tới Mặt trận Việt Minh nối tiếp dấy lên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong lúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai làm đảo lộn cả năm châu, bốn biển. Nhiều thầy trò đã tham gia các hoạt động yêu nước như tổ chức đi bán các báo công khai của Đảng như Le Travail, Rassemblement, En Avant, Hà Thành thời báo, Thời Thế, Tin Tức, Đời Nay… cũng như vận động quyên góp ủng hộ báo.

Đầu năm 1937, học sinh Thăng Long đã là lực lượng chủ yếu trong cuộc đón tiếp Godard, biểu dương lực lượng trước toàn quyền Joseph Jules Brévié. Nhiều người là giáo viên Hội Truyền bá quốc ngữ xóa nạn mù chữ cho nhân dân lao động. Trong cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày 1-5 năm 1938 ở khu Đấu Xảo, học sinh Thăng Long đã tham gia mít tinh, bố trí bảo vệ góp phần vào thắng lợi này. Cuối năm 1938, học sinh Thăng Long đã tổ chức thành công Tuần lễ chợ phiên, ủng hộ Trung Quốc chống xâm lược Nhật. Trong đám tang thầy giáo – chiến sĩ Phan Thanh, hầu hết học sinh Thăng Long và các thầy đã có mặt đông đảo đưa tiễn một cán bộ xuất sắc của Mặt trận Dân chủ, một nhà giáo uy tín của trường. Tới ngày Tổng khởi nghĩa thì cả thầy và trò nhiều người đã là chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ cộng sản đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, làm chủ đất nước.

Nhìn lại danh sách các thầy kế tiếp từ năm 1935 đến 1945, ta còn thấy có Phan Mỹ, Khuất Duy Các, Nguyễn Văn Lưu, Vũ Bội Liêu, Phạm Hữu Ninh, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Xiển, Lê Thị Xuyến, Phan Anh… không ít người sau cách mạng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Dân chủ cộng hòa.

Tiếp nhận tư tưởng tiến bộ của các thầy, nhiều học sinh Thăng Long trở thành cán bộ cách mạng. Có thể kể: Trần Quang Huy, Ngô Duy Cảo, Nguyễn Thành Lê, Lê Quang Đạo, Hồ Lịch, Nguyễn Thọ Chân, Hồ Trúc, Đặng Xuân Kỳ, Đào Thiện Thi, Phan Kế An, Trọng Loan, Vũ Tú Nam, Đào Duy Kỳ, Lý Chính Thắng, Trần Hải Kế, Nguyễn Mai Hiến, Lê Tụy Phương, Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Trần Lâm, Võ Thuần Nho, Trần Sâm, Minh Tranh, Lê Trung Toản…

Trong thời gian 5 năm giảng dạy môn Lịch sử tại trường Thăng Long, thầy Võ Nguyên Giáp dạy cả lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.Nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta vốn là cựu học sinh trường tư thục Thăng Long thuở ấy như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Hồng Cư…đến nay còn vẫn viết hồi ký in trong sách kỷ yếu về nhà trường, thường nhắc đến những bài dạy lịch sử và đầy nhiệt huyết của thầy Giáp giảng về cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, ý nghĩa của ba chữ “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”, lý lẽ của 17 điều trong bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Phá năm 1791, nhất là cuộc chiến tranh của Napoleon, được giải thích và phân tích trên cả những sơ đồ vẽ các trận Austerlitz và Borodino.

Thầy giáo Võ Nguyên Giáp khi còn trẻ.

Ông Bùi Diễm, từng là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ giai đoạn 1967-1972, là một học trò đã học lịch sử với thầy Võ Nguyên Giáp ở trường tư thục Thăng Long đã bày tỏ cảm xúc và sự trân trọng trong hồi ức về thầy Giáp rằng : “trong tất cả các nhân vật đáng nhớ, đặc biệt có một người mà tôi khó quên, đó là ông Võ Nguyên Giáp- người dạy tôi về môn Sử…Ông như người bị quyến rũ bởi cách mạng và đấu tranh. Phần chương trình của lớp đã được ấn định là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII cho đến cuối thế kỷ XIX trong lịch sử Pháp, nhưng ông Giáp nhất định chỉ giảng về hai thời kỳ là cuộc Đại cách mạng Pháp 1789 và những trận đánh thời Napoleon”.

“Những gì về ông Giáp hồi ấy thật là đặc biệt. Vì vậy mà lúc này, hơn nửa thế kỷ sau tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Ông nói về đời sống xa hoa của Hoàng hậu Marie Antoinette. Qua trình bày của ông, người ta cảm thấy rõ ông không phải là giáo sư sử học nhưng là một người thầy say mê cách mạng. Phần giảng dạy của ông về Napoleon thì lại càng ly kỳ hơn nữa. Ông đi lại trước bảng đen với một cái thước gỗ để chỉ rõ các chiến địa, trình bày tường tận chiến thuật và chiến lược của Napoleon bằng cách mô tả từng trận một. Hình như ông đã in tất cả vào trong đầu và sử đã biến thành một phần của con người ông. Vì vậy, trong từng giờ dạy Sử của ông, học sinh thường im lặng như tờ”.

Một người khác, ông Trần Văn Hà- cựu học sinh trường Bưởi, không được trực tiếp học Sử với thầy Giáp, nhưng nghe tiếng Thầy giảng hấp dẫn, có sức lôi cuốn đặc biệt nên đã mượn vở của bạn mình để học. Ông kể rằng “anh bạn cùng gác trọ học trường tư thục Thăng Long cứ luôn khoe với tôi “Thầy Võ Nguyên Giáp giảng về lịch sử cách mạng Pháp thật tuyệt vời. Tôi mượn xem, quả là hay thật! Bài học mà như chuyện kể, rất lôi cuốn về đánh chiếm ngục Bastille, ý nghĩa của 3 chữ “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”, những lý lẽ của 17 điều trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền…Tự nhiên được khơi dậy trong lòng người đọc lòng yêu dân, yêu nước, chống áp bức cường quyền, chống bất bình đẳng, tự do. Rồi như có một sức mạnh vô hình đẩy mình phải làm một cái gì đó.

Cấu trúc bài dạy của thầy lại rất logic. Văn phong tiếng Pháp của thầy rất trong sáng, giản dị nên học sinh đọc là nhớ ngay.Thế là tôi đã học thầy Võ Nguyên Giáp mà không gặp Thầy. Thông qua trọn 2 giáo trình của Thầy do anh bạn quý mến cứ chuyển đến cho tôi hàng tuần là “Lịch sử cách mạng Pháp” và “Địa lý thế giới”. Tôi thi đậu Tú tài phần thứ nhất, vấn đáp trôi chảy và được xếp hạng khá.

Về phương pháp, thầy Võ Nguyên Giáp là một người dạy học có phương pháp rất nhuần nhuyễn và sáng tạo. “Đứng trước lớp, ông nhìn vào học trò và dõng dạc nói. Sự hấp dẫn của bài giảng bắt đầu từ việc nêu vấn đề và hường người học tập trung vào sự kiện, từ sự kiện rút ra bản chất và bài học lịch sử. Người luôn coi trọng tính khách quan của sự kiện lịch sử, đề cao phân tích nhân vật lịch sử để học sinh hiểu lịch sử, biết được thời đại mà họ đang sống”.

Với giọng sang sảng và say sưa, gần gũi và thân thiện với học trò, thầy Giáp đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ học trò với tất cả hình ảnh đẹp về một người thầy đáng kính về nhân cách, uyên bác về kiến thức và giỏi về năng lực sư phạm. Bởi trên tất cả, đó là sự gắn bó của ông về nghề dạy học, lòng yêu Sử, quý trò.

Năm 1990, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow, tác giả của cuốn sách “ Vietnam – a History”, ông đã nói : “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể triết hoặc lịch sử”.

Trần Trung Hiếu

Bài mới
Đọc nhiều