“Người ta chỉ cúi đầu thán phục tài năng và quỳ gối tôn trọng là lòng tốt”
Bức ảnh về nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ đánh giày khi đến với điểm cung cấp nước uống miễn phí tại Hà Nội được đăng tải báo ngày 25/6 như đã xua đi cái bức bối, nóng nực của mùa hè.
Không rõ ai là người đã “phát minh” ra sáng kiến về những điểm cung cấp nước uống miễn phí này và dù là ai đi chăng nữa, người viết vẫn muốn bày tỏ sự biết ơn lẫn sự ngưỡng mộ với những tấm lòng thảo thơm, hào sảng, những người đang ngày ngày cố gắng gieo lên những hạt mầm của sự tử tế, lan toả thông điệp về tình người.
Họ không chỉ là những người cấp nước miễn phí, họ còn là những người bán cơm 5 nghìn, là những người phát cháo từ thiện, những chủ ATM gạo, là bất cứ ai có trái tim ấm nóng ở quanh ta.
Không hiểu sao khi nhìn những gương mặt đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt rạng ngời bên những bình nước mát miễn phí đặt trên lề phố, lòng tôi bỗng ngân lên một giai điệu cũ, một bài hát cũ của nhạc sĩ Trần Tiến:
“Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi.
Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình nguời thôi…”
Có thể, xét về giá trị vật chất, những thùng nước khoáng, trà đá, vối đá… không lớn lắm, nhưng sự “miễn phí” xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và hướng đến cộng đồng, hướng đến đúng đối tượng là những người lao động phổ thông… thì lại trở thành món quà vô giá.
Không ai có thể định giá được lòng tốt, không ai có thể định giá được những điều tử tế, tốt đẹp.
Người ta có thể vào cửa hàng và mua một bình nước khoáng với giá hơn 50 nghìn đồng, nhưng cũng là bình nước ấy, sẽ không thể định giá được bằng tiền khi làm từ thiện, khi cung cấp miễn phí cho người dân lao động… vì trong từng giọt nước ấy có tình người vô giá.
Bởi vậy, khi làm điều tốt, không cần suy nghĩ quá nhiều, rằng như vậy đã đủ hay chưa, có ít quá hay không… Dẫu là một cây kẹo hay một chiếc bánh mì, một cốc nước lọc… bất cứ thứ gì có ích khi được cho đi, nghĩa là đã nhân giá trị của những vật chất đó lên trở thành vô cùng. Con người ta, ai cũng đều trở nên đẹp hơn, cao quý hơn khi biết cho đi, biết cảm thông và chia sẻ.
Có một câu nói của nhà văn Pháp Victor Hugo mà nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng biên tập Dân Trí, người thuyền trưởng của chúng tôi vẫn luôn nhắc đến: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.
Ông cũng đề cập đến triết lý sống của vị cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: “You make a living by what you get , but you make a life by what you give“ (Tạm dịch: “Nhận để sống, nhưng “cho” mới là thật sống một đời đáng sống).
Lòng tốt, tình thương… chính là những giá trị làm nên một con người xã hội, một con người trọn vẹn với những ý nghĩa nội hàm của câu chữ.
Cũng chính vì vậy, chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của Dân Trí vẫn luôn luôn được duy trì và phát triển, góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội, giữa cuộc mưu sinh ồn ào với những hoàn cảnh sống đáng thương của những người mắc bệnh hiểm nghèo không nơi nương tựa, những phòng học tan hoang giữa núi rừng, những học sinh chân trần hàng ngày phải lội sông đến trường tìm chữ…
Tôi đã từng chứng kiến những cụ già lưng đã còng, nhưng em bé còn đi học, những người lao động chân chất đến tận toà soạn góp từng 50 nghìn, 100 nghìn đồng để ủng hộ cho những hoàn cảnh bất hạnh. Rất nhiều người trong đó thậm chí không ghi tên, không cần hồi đáp, họ âm thầm đóng góp những điều thiện.
Cuộc đời này trở nên tươi sáng hơn, ấm áp và nhẹ nhõm hơn bởi những tấm lòng nhân ái.
Và cũng chính nhờ những tấm lòng nhân ái ấy, khi nương dựa và tiếp sức cho nhau, con người ta càng trở nên mạnh mẽ, kiên cường. Hàng trăm, hàng nghìn số phận éo le đã được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.
Tương tự, tình yêu thương và quan tâm lẫn nhau cũng sẽ làm nên sức mạnh để tất cả chúng ta cùng vượt qua khó khăn của thời kỳ bệnh dịch Covid-19, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Xin được một lần nữa “người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.
Bích Diệp/DT