Người sống sót kể chuyện nhảy khỏi máy bay Pakistan đang rơi
Muhammad Zubair tháo dây an toàn, cố nhoài ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy của của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan, rồi nhảy xuống từ độ cao 3 mét.
Một trong hai hành khách may mắn sống sót sau tai nạn máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) rơi xuống một khu dân cư cho biết tất cả những gì ông trông thấy lúc đó “chỉ là lửa”, theo Đài BBC.
Cho đến trưa 23-5 (theo giờ Việt Nam), các quan chức y tế Pakistan đã xác nhận 97 người thiệt mạng. Hai hành khách thoát chết một cách kỳ diệu trong vụ tai nạn máy bay trên là ông Muhammad Zubair và ông Zafar Masud, chủ tịch một ngân hàng ở Punjab, Pakistan.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Tuy nhiên, những lời cuối của phi công trên chuyến bay PK8303, cất cánh từ Lahore đến sân bay quốc tế Jinnah, thành phố Karachi, với trạm kiểm soát không lưu là về việc các động cơ gặp trục trặc.
Ông Zubair, chỉ bị vài vết thương nhỏ, cho biết máy bay đã cố gắng hạ cánh và rơi khoảng 10-15 phút sau đó.
“Không ai hay biết gì về việc máy bay sẽ rơi, họ đang trên một chuyến bay rất trơn tru” – ông Zubair chia sẻ.
Ông Zubair bất tỉnh khi máy bay rơi. “Tôi mở dây an toàn và thấy một chút ánh sáng, rồi tôi đi về phía ánh sáng ấy. Tôi phải nhảy xuống từ độ cao khoảng 3m để tới được nơi an toàn” – ông Zubair nói thêm.
Ông Masud là người may mắn còn lại. Cũng như ông Zubair, ông Masud đều ngồi ở phần trước của máy bay.
Các quan chức Pakistan xác nhận 97 người thiệt mạng và chỉ 2 người sống sót, trong khi truyền thông địa phương đưa tin có những người khác sống sót sau vụ tai nạn máy bay.
Đài BBC cho biết một nhà báo của kênh truyền hình 24 News và một cựu giám đốc của Cơ quan quản lý thiên tai Punjab cũng đã có mặt trên chuyến bay xấu số này.
Chuyến bay PK8303 chở 91 hành khách và 8 thành viên đội bay, theo Đài BBC. Hiện không rõ có bao nhiêu người trên máy bay và bao nhiêu người trên mặt đất đã thiệt mạng trong thảm họa này.
Nhân chứng Mohammed Uzair Khan nói với Đài BBC rằng ông đã nghe một tiếng nổ lớn và chạy ra ngoài.
“Gần bốn ngôi nhà hoàn toàn bị sập, có quá nhiều khói và lửa. Họ đều là những người hàng xóm của tôi. Tôi không biết làm thế nào để mô tả nỗi kinh hoàng mà tai nạn mang lại cho tôi” – ông Khan chia sẻ.
Chính phủ Pakistan đã thành lập một ủy ban điều tra vụ tai nạn trong khi các nhà điều tra cố gắng giải mã hộp đen để xác định nguyên nhân tai nạn.
PIA cho biết chiếc máy bay gặp nạn bắt đầu hoạt động từ năm 2014 và vừa thông qua cuộc kiểm tra định kỳ hồi tháng 11-2019.
Năm 2010, một chiếc máy bay của Hãng hàng không tư nhân Airblue đã rơi gần Islamabad khiến toàn bộ 152 người trên máy bay thiệt mạng, được coi là thảm họa bi thảm nhất trong lịch sử hàng không Pakistan.
Năm 2012, một chiếc máy bay Boeing 737-200 của Bhoja Air đã rơi khi cố hạ cánh trong thời tiết xấu ở Rawalpindi, khiến 121 hành khách và 6 thành viên đội bay thiệt mạng.
Ba lần phớt lờ cảnh báo của không lưu, phi công Pakistan hại chết gần 100 người?
Theo báo cáo của đài kiểm soát không lưu tại sân bay TP Karrachi ngày 25-5, cơ trưởng của chuyến bay được cảnh báo về độ cao và tốc độ khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Khi còn cách sân bay Jinnah 24 km, cơ trưởng được cảnh báo hạ độ cao từ mức 3.000 m xuống mức 2.100 m. Tuy nhiên, thay vì thực hiện yêu cầu của mặt đất, phi công vẫn giữ nguyên độ cao và tỏ ra tự tin vào quyết định của mình.
Hai cảnh báo cũng được đưa ra sau đó nhằm nhắc nhở phi công hạ độ cao và tốc độ nhưng đều không được thực hiện. Trong lần cảnh báo thứ 2 yêu cầu phi công hạ thấp máy bay nhưng phi công lại đáp lại rằng anh ta thấy mọi việc đều ổn và sẽ kiểm soát tình huống đồng thời sẵn sàng hạ cánh.
Thành Nhân