Người sáng chế ‘ATM gạo’ bị tấn công sau clip từ chối nhận gạo: ‘Quá khủng khiếp!’
Sau sự việc tài khoản mạo danh nhân viên công ty chủ “ATM gạo” miệt thị cô gái áo đen thì những tin nhắn, cuộc gọi nặc danh xúc phạm, dọa giết gia đình khiến anh Hoàng Tuấn Anh rệu rã. Anh đã từng nghĩ “nên buông xuôi”…
Lần trở lại “ATM gạo này”, tôi không tin vào mắt mình. Số lượng người đến nhận rất đông, xếp hàng dài và lượng gạo quyên tặng chật kín không gian quán cà phê.
Đây là điều anh Hoàng Tuấn Anh (Giám đốc công ty PHGLock Việt Nam) mong ước từ ngày đầu triển khai mô hình. Nhưng gặp lại anh lần này, tôi nhìn thấy sự mỏi mệt, áp lực trên gương mặt anh.
“Quá khủng khiếp! Tôi đã nghĩ mình nên buông xuôi”…
Theo đúng kế hoạch, anh vẫn chưa có mặt ở Sài Gòn lúc này. Chuyến công tác hỗ trợ bà con 5 tỉnh miền Tây đã đi hơn phân nửa chặng đường thì buộc phải bỏ ngang. Anh trở về Sài Gòn với nhiều cảm xúc đan xen, vừa buồn, thất vọng, vừa áy náy.
Anh buồn bởi lý do trở về là để giải quyết sự việc đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Chuyện bé H. đi nhận gạo bị từ chối và chuyện nhân viên của anh rơi vào hoảng sợ vì bị người xấu tấn công tinh thần.
“Hiện tại, 3 nhân viên của tôi đã xin nghỉ vì sợ hãi tột độ. Nhiều người nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới và còn chặn xe trước cửa công ty không cho về. Bản thân tôi, người nhà cũng bị hăm dọa giết cả nhà. Áp lực từ cộng đồng mạng quá khủng khiếp”, anh Tuấn Anh lắc đầu chia sẻ.
Giọng trùng xuống, anh nói thêm: “Ngày hôm qua, tôi không ngủ được, suy nghĩ chuyện từ bỏ. Tôi đã nói với tất cả nhân viên là sắp xếp công việc, thu dọn mọi thứ để nghỉ. Không chỉ riêng tôi, bất kỳ ai làm từ thiện quy mô lớn cũng vướng phải vấn đề này. Rất nhiều người không chịu đựng nổi đã phải dừng lại”.
Hơn nửa tháng qua, từ khi cây “ATM gạo” đầu tiên đi vào hoạt động, cả anh và nhân viên không ngày nào thảnh thơi. Mọi người vừa đảm đương trách nhiệm vận hành mô hình mới vừa tiếp tục công việc chuyên môn của công ty. Nhân lực thiếu hụt, lượng người đến nhận gạo ngày càng đông khiến áp lực đè lên vai người lãnh đạo càng thêm nặng.
“Có rất nhiều người nhận gạo chuyên nghiệp. Một ngày nhận đến mười mấy lần. Nếu 1, 2 lần thì tôi không nói nhưng nhận quá nhiều lại còn có đường dây, tổ chức. Họ chuẩn bị cả quần áo để thay, đi một nhóm từ 4-5 người lần lượt vào lấy. Khoảng 5-10 phút sau, họ quay lại với quần áo khác. Tình trạng này xảy ra nhiều gây áp lực lớn cho nhân viên của tôi, những người giám sát. Sự công bằng và đúng người là giá trị cốt lõi cũng là lời hứa của tôi với mạnh thường quân. Tôi sẽ hạn chế những người trục lợi chứ chưa bao giờ nói phân biệt giàu, nghèo qua vẻ bên ngoài.”
Điều khiến anh áy náy nhất là lời hứa với mạnh thường quân khi họ ủng hộ gạo cho máy phát. Lời hứa đem những phần gạo đến đúng tay người gặp khó khăn và hạn chế những kẻ lợi dụng việc từ thiện mà trục lợi cá nhân.
“Có rất nhiều người nhận gạo chuyên nghiệp. Một ngày nhận đến mười mấy lần. Nếu 1, 2 lần thì tôi không nói nhưng nhận quá nhiều lại còn có đường dây, tổ chức. Họ chuẩn bị cả quần áo để thay, đi một nhóm từ 4-5 người lần lượt vào lấy. Khoảng 5-10 phút sau, họ quay lại với quần áo khác”, anh kể.
“Tình trạng này xảy ra nhiều gây áp lực lớn cho nhân viên của tôi, những người giám sát. Sự công bằng và đúng người là giá trị cốt lõi cũng là lời hứa của tôi với mạnh thường quân. Tôi sẽ hạn chế những người trục lợi chứ chưa bao giờ nói phân biệt giàu, nghèo qua vẻ bên ngoài.”, anh bày tỏ.
Giúp cả người khó khăn có việc làm
Ảnh hưởng dịch bệnh đến đời sống người dân, nhất là người nghèo ngày càng lớn. Số lượng người khó khăn gấp nhiều lần số người có khả năng giúp đỡ. Vài trăm tấn gạo không thể san sẻ đến hàng chục triệu người. Khi miếng bánh quá nhỏ, người chia bánh phải cân đo, đong đếm kỹ lưỡng để tránh người gian hưởng lợi, người ngay khốn khó.
Ngay từ ban đầu, anh Tuấn Anh đã nhấn mạnh “ATM gạo” là mô hình áp dụng công nghệ hiện đại, hạn chế nhiều nhất có thể những người gian trá, lợi dụng hoạt động từ thiện. Với những người trông khá giả, người giám sát sẽ hỏi han, kiểm tra lý do vì sao họ đến nhận. Anh không muốn cướp đi cơ hội của họ chỉ vì vẻ bề ngoài.
Trường hợp của em H. là sơ sót trong quy trình khi không đảm bảo đúng các bước mà anh Tuấn Anh đã đề ra. Anh nhận phần lỗi về mình vì nhân viên bỏ sót quy trình, dẫn đến sự việc đáng tiếc. Hiện tại, anh Tuấn Anh chưa liên hệ được với H. để thăm hỏi và đề nghị công việc tại “ATM gạo” cho em.
“Tại máy phát gạo này, tôi đã tạo điều kiện cho 10 người khỏe mạnh, đã từng đến nhận gạo có công việc bốc, vác, xếp gạo với mức lương từ 6-7 triệu/tháng. Tôi muốn đưa em H. về đây làm để cho em thấy ý nghĩa của công việc từ thiện và giá trị lao động khi bản thân em có thể giúp được hàng ngàn người khác”, chủ máy phát gạo tự động bộc bạch.
Đây cũng là điều níu chân anh Tuấn Anh tiếp tục duy trì hoạt động của “ATM gạo” sau những gì đã xảy ra. Lời lẽ chỉ trích, phản ứng thái quá từ cư dân mạng khiến anh nghĩ mình nên dừng bước. Nhưng sự động viên từ các mạnh thường quân, từ những người thấu hiểu cách làm của anh phần nào tạo nên động lực, sức mạnh.
“Tôi muốn đưa em H. về đây làm để cho em thấy ý nghĩa của công việc từ thiện và giá trị lao động khi bản thân em có thể giúp được hàng ngàn người khác” – anh Hoàng Tuấn Anh.
“Ban đầu, tôi đọc những bài viết, bình luận trên mạng thật sự rất buồn. Dường như mọi công sức đều đổ sông, đổ bể hết. Nhưng khi biết đó chỉ là những tài khoản giả mạo, hoạt động với mục đích xấu, tôi đã suy nghĩ lại. Cộng thêm hàng trăm người nhắn tin, gọi điện động viên và ủng hộ hoạt động này giúp tôi vững vàng hơn, quyết tâm làm đến cùng”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Bản thân anh cũng biết rằng theo đúng nguyên lý, nên đưa cho họ cần câu thay vì con cá. Nhưng, số lượng cần câu có hạn và vì vậy mà những người được trao cần là những người anh trân quý, tin tưởng ở họ.
Ngay cả khi suy nghĩ đến chuyện từ bỏ, anh nghĩ đến hơn 6.000 lượt người đến nhận gạo, gần 10 tấn gạo phát ra mỗi ngày. Nếu anh từ bỏ, họ sẽ như thế nào? Nếu anh buông xuôi, thì “ATM gạo” sẽ đi về đâu và người dân nghèo các tỉnh đang tha thiết mong chờ sẽ ra sao? Trả lời cho các câu hỏi này chính là sự vực dậy của anh và các nhà hảo tâm. Gạo vẫn chảy về “ATM gạo” và chảy về hủ gạo của các gia đình nghèo mỗi ngày.
Trinh Thanh/TNO