Người Sài Gòn ngỡ ngàng khi thấy tên đường Park Hang Seo
Một con hẻm tại TP.HCM được treo biển “Đường Park Hang Seo” khiến nhiều người bất ngờ; tuy nhiên, tấm biển đã bị cơ quan chức năng tháo gỡ sáng sớm 22/11.
“Chiều qua, tôi thấy có 2 người tự đến gắn biển trên cột điện này. Đến khoảng 7h sáng 22/11, tấm biển bị gỡ rồi”, bà Thanh, người dân sống ở căn nhà đầu hẻm 70, đường 109, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM nói với PV.
Bà Thanh thậm chí không biết trên tấm biển ghi “Đường Park Hang Seo” cho đến khi cán bộ phường đến tháo gỡ sáng 22/11.
Theo lời của bà Thanh và một số người dân tại đây, tấm biển này mới xuất hiện từ khoảng 5h-6h chiều qua. Người dân ở đây không được thông báo gì về việc đường có tên mới cũng như việc gắn biển tên đường. Hai người đàn ông đến gắn biển cũng không phải dân trong hẻm.
Sáng 22/11, cán bộ của UBND phường Phước Long B (quận 9) xác nhận với Zing.vn rằng tấm biển này đã được cơ quan chức năng địa phương tháo gỡ sáng nay, ngay khi nhận được trình báo từ người dân. Hiện, phường chưa có thông tin về việc ai là người lắp tấm biển này và khẳng định việc tự tiện lắp biển tên đường là sai quy định.
Trước đó, tối 21/11, mạng xã hội rộ lên thông tin và hình ảnh về việc quận 9 có đường mang tên HLV Park Hang Seo. Bài này nhận được hơn 1,6 nghìn lượt thích và 200 lượt chia sẻ.
Cụ thể, Điều 13 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, nêu rõ về việc không được đặt tên ngõ, hẻm.
Theo đó, không đặt tên cho ngõ (kiệt), ngách (hẻm) mà chỉ gọi theo biển số nhà đầu ngõ (kiệt), tính từ đầu phố kèm theo tên phố; ngách (hẻm) được gọi theo biển số nhà đầu ngách (hẻm), tính từ đầu ngõ (kiệt).
Thêm vào đó, thẩm quyền và quy trình xem xét, quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền của UBND với một quy trình cụ thể, người dân không được phép tự tiện đặt tên đường.
Theo quy định, việc đặt tên đường là do Phòng Quản lý Di sản, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phụ trách tham mưu cho Sở và Hội đồng đặt tên đường ở TP.HCM. Việc đặt tên đường cũng phải thông qua HĐND TP chứ không thể do một cá nhân tự ý đặt và lắp tên đường.
Theo Nghị định 91/2005 về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, thì thẩm quyền và quy trình xem xét, quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc: Hội đồng nhân dân tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố; công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.
Theo đó, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp UBND tỉnh, TP nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật …), các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các nhà khoa học.
Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm. Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hoá – Thông tin trước khi trình Hội đồng nhân dân xem xét ra Nghị quyết…
Hoài Nam (tổng hợp)