Người quyết định từ chối tỷ USD để mang vắc xin Covid-19 phủ khắp thế giới
Ít ai biết rằng, vắc xin COVID-19 do AstraZeneca được phân phối khắp toàn cầu theo hình thức phi lợi nhuận đã và đang giúp cứu sống hàng chục triệu con người trước đại dịch và người đứng sau quyết định từ chối hàng tỷ USD đó là CEO của hãng dược AstraZeneca từng là một cậu bé ngỗ ngược thời niên thiếu.
Những ngày đầu tháng 11/2021, trong lịch trình dày đặc những buổi làm việc với các đối tác cấp cao nước ngoài nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP26 tại Vương quốc Anh, nhiều người dành sự chú ý đặc biệt đến cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với ông Pascal Soriot, Tổng giám đốc tập đoàn AstraZeneca.
Kết quả của cuộc tiếp xúc này đã mang đến những thỏa thuận giá trị góp phần phát triển ngành sản xuất dược phẩm sinh học trong nước cũng như hỗ trợ nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
Cụ thể, AstraZeneca sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng (90 triệu USD) hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam. Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được Công ty sản xuất gia công trong nước. Trước đó, vào năm 2019, AstraZeneca cũng đã công bố gói đầu tư trị giá 5 nghìn tỷ đồng (220 triệu USD) dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024..
Bên cạnh đó, AstraZeneca và Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) còn ký thỏa thuận cung ứng thêm một số lượng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca và hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài lên tới 12 tháng của AstraZeneca mang tên AZD7442.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 20 triệu liều vắc xin theo các hợp đồng đã ký với hãng, đồng thời nhận được khoảng 30 triệu liều thông qua cơ chế COVAX và được chuyển nhượng, hỗ trợ từ các nước khác với sự đồng ý của AstraZeneca.
Tại Việt Nam, hãng dược AstraZeneca đã đi vào hoạt động kể từ năm 1994.
Mới đây, đầu tháng 11/2021, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã được chương trình Chứng nhận Xuất sắc Vietnam Excellence 2021 vinh danh là Lãnh đạo truyền cảm hứng. Ngoài ra, công ty AstraZeneca Việt Nam cũng được trao giải thưởng Văn hóa Doanh nghiệp trong hạng mục Nhân sự Xuất sắc 2021.
AstraZeneca Việt Nam được biết đến với văn hóa doanh nghiệp mang tính làm chủ cao, đổi mới, đa dạng và hòa nhập. Công ty đã được vinh danh trong Danh sách 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam của Anphabe từ năm 2018 – một kết quả thường xuyên được xác nhận bởi khảo sát nội bộ được thực hiện mỗi năm hai lần.
Với 97% nhân viên bình chọn AstraZeneca Việt Nam là một nơi làm việc tuyệt vời, công ty đã thành công trong việc chuyển đổi và nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp để tạo ra một đội ngũ đầy tham vọng và gắn kết, nhưng đồng thời vẫn linh hoạt và sẵn sàng đáp ứng với mọi thay đổi để dẫn đầu.
“Tôi chưa hề đánh nhau trong 45 năm qua”
Trong suốt 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19, cái tên AstraZeneca đột nhiên nổi lên như một ngôi sao sáng giữa đêm đông u ám lạnh lẽo, và được nhắc đến hầu như trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày
Vắc xin phòng COVID-19 được phát triển bởi sự cộng tác của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh). AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp & miễn dịch.
AstraZeneca là công ty dược phẩm duy nhất trên thế giới bán vắc xin với tiêu chí không vì lợi nhuận. Doanh nghiệp này còn cam kết sẽ sản xuất một tỷ liều vắc xin để cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để hỗ trợ chống dịch COVID-19.
Dưới sự chèo lái của ông Pascal Soriot, công ty này đã thực hiện một cú lội ngược dòng để tái sinh, thoát khỏi nỗ lực thâu tóm khủng trị giá 165 tỷ USD từ công ty đối thủ Pfizer (Mỹ). Năm 2019, ông được tạp chí Harvard Business Review (HBR) đưa vào danh sách 100 CEO giỏi nhất thế giới, và là một trong ba CEO hiếm hoi đến từ lĩnh vực dược phẩm sinh học có tên trong danh sách danh giá này.
Có một điều thú vị về Soriot khi ngay từ ban đầu, ông hầu như không có khái niệm nào về việc sẽ dấn thân trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm. Là con trai của một nhân viên thuế vụ, ông được mẹ định hướng để lớn lên sẽ trở thành bác sĩ. Thế nhưng, ông lại “đánh võng” sang lĩnh vực thú y bởi quá yêu thích việc chăm sóc những chú ngựa của mình.
Sau khi bố mất vì bệnh tim, ông đã phải giúp mẹ một tay cáng đáng việc nuôi dạy 3 đứa em còn nhỏ với đồng lương khiêm tốn có được từ nghề bác sĩ thú y ở độ tuổi ngoài 20. Nhận thấy cần thay đổi để có thể thoát ra được sự ổn định tẻ nhạt ở quê nhà tại Pháp, ông quyết định đi học ngành kinh doanh, một quyết định mà ông cho là đã mở ra những cơ hội mới cho cuộc đời của mình.
“Tôi đã được học những điều hoàn toàn mới mẻ. Bạn biết đấy, xuất phát điểm của tôi là trong môi trường khoa học. Chính vì vậy, những thay đổi này cũng mang lại nhiều thách thức cho tôi”.
Do không có nền tảng kiến thức về kinh doanh nên Soriot khá chật vật để theo lớp, và thường bị tụt lại phía sau so với chúng bạn và ông phải nỗ lực gấp nhiều lần cho chương trình MBA mà mình theo đuổi.
Sau khi tốt nghiệp, ông mang theo tấm bằng kinh doanh chu du khắp nơi bên ngoài nước Pháp để tìm kiếm một “bến đỗ” cho sự nghiệp. Ông đến Úc, Đức, Mỹ và gia nhập nhiều công ty khác nhau trong lĩnh vực dược phẩm. Cuối cùng, Soriot chính thức cập bến AstraZeneca nơi ông làm việc trong một văn phòng có không gian mở giúp ông dễ dàng giao tiếp và tương tác với mọi người trong công ty.
“Khả năng lãnh đạo và tư duy chiến lược của Soriot đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi của AstraZeneca trong những năm gần đây”, ông Leif Johansson, Chủ tịch tập đoàn AstraZeneca đã không tiếc lời khen ngợi người đồng nghiệp của mình khi nhắc đến sự cống hiến của Soriot trong sứ mệnh cứu sống hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới.
Giờ đây ở tuổi 62, vị CEO đầy quyền lực với khuôn mặt cương nghị pha chút hài hước cùng mái tóc được vuốt keo cẩn thận này dường như không còn dấu vết gì của một thanh niên lì lợm với chiến tích đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán thuở thiếu thời.
Thế nhưng ít ai biết rằng, vào những năm 1970, ông chính là “đại ca” đã từng tham gia nhiều trận thư hùng xảy ra như cơm bữa giữa những đám thanh niên mới lớn tại khu nhà hoang nơi ông sinh ra và lớn lên ở khu ngoại ô phía bắc Paris.
“Tôi chưa hề đánh nhau trong hơn 45 năm qua”, ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Financial Times đầu năm 2016. “Nhưng hồi bé, hầu như tuần nào tôi cũng có tham gia vài trận ẩu đả với đám bạn”.
Tiết lộ đầy vẻ trung thực này có thể khiến bất cứ ai cũng có thể phải giật mình khi đang “đóng khung” ông với hình ảnh của một người thủ lĩnh với vẻ ngoài điềm đạm, niềm nở đang lãnh đạo một tập đoàn dược phẩm khổng lồ có trụ sở ở xứ sở sương mù nước Anh. Chính sự kiên nhẫn, điềm tĩnh cùng khả năng chịu đựng được tôi luyện từ thời niên thiếu đã giúp ông kháng cự thành công trước cú ra đòn knockout trị giá hơn 150 tỷ USD của người khổng lồ Pfizer nhằm thâu tóm AstraZeneca về tay mình vào năm 2014.
Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ công việc của Soriot thì có thể nghĩ rằng, ông được đào tạo để đối mặt với thách thức thông qua chương trình MBA tại HEC Paris, một trong những trường kinh doanh đẳng cấp nhất của nước Pháp. Thế nhưng bản thân Soriot thì luôn đánh giá cao những bài học thu lượm được từ những cuộc thư hùng mà ông cùng nhóm bạn tham gia thời tuổi trẻ bồng bột.
“Điều tôi học được chính là giá trị của sự đoàn kết, can đảm và trung thành. Và những người không mang cho tôi cảm giác tin tưởng thì thường tôi rất khó có thể làm việc cùng”, ông chia sẻ.
Có lẽ điều này giúp giải thích giá trị của sứ mệnh mà Soriot đã thấm nhuần kể từ khi đảm nhận vị trí thủ lĩnh của AstraZeneca vào năm 2012. Lúc đó, ông thậm chí còn bị cho là đã tự mình kết liễu con đường sự nghiệp khi rời bỏ vị trí quản lý ở Roche, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất châu Âu để sang tiếp quản một doanh nghiệp rệu rã và đang lao dốc không phanh. Thế nhưng trước khi cảm xúc bi quan kịp bao trùm lên toàn bộ công ty thì bằng sự chèo lái tài tình của mình, Soriot đã từng bước vực dậy và xây dựng AstraZeneca trở thành một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm như chúng ta chứng kiến ngày nay.
“Tôi đã dành toàn bộ khoảng thời gian 2 tháng đầu tiên ngay khi vừa tiếp nhận công việc ở AstraZeneca chỉ để lắng nghe”, Soriot hồi tưởng thời điểm ông đã dự liên tục không dưới 200 cuộc họp bàn tròn để cuối cùng nhận ra rằng, công ty cần có một cuộc đại phẫu thì mới có cơ hội tồn tại và phát triển tiếp.
Và trách nhiệm của ông lúc đó là phải bằng mọi giá tái cấu trúc dù việc đó khiến hàng ngàn nhân sự phải bị nghỉ việc cùng với việc đóng cửa Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển vốn được xem là niềm tự hào của công ty. Nhưng cũng ngay sau đó, ông xác lập tầm nhìn mới cho AstraZeneca bằng việc lên kế hoạch xây dựng một chiến lược táo bạo tập trung vào nghiên cứu, và hiện thực hóa thành một công trình mới trị giá 330 triệu bảng Anh đặt tại Cambridge. Đây chính là trái tim của công ty, giúp đưa tên tuổi của AstraZeneca trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực dược phẩm.
“Ban đầu chẳng có ai tin vào kế hoạch của tôi cả. Nhưng dần dần, mọi người bắt đầu có những cái nhìn tích cực vào những việc tôi làm”, Soriot nói.
Và một thời khắc mang tính bước ngoặt đối với AstraZeneca chính là lúc Soriot quyết định cho hồi sinh dự án nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư buồng trứng mang tên olaparib đã bị ban quản lý trước đó bác bỏ vì cho rằng nó không mang lại lợi nhuận cho công ty. Chỉ một năm sau, thuốc điều trị ung thư buồng trứng do AstraZeneca nghiên cứu và phát triển đã được Mỹ và châu Âu phê duyệt cho phép sử dụng.
Từ chối cơ hội hốt tiền để bao phủ vắc xin thế giới
Vắc xin COVID-19 do AstraZeneca bào chế được phân phối khắp toàn cầu theo hình thức phi lợi nhuận đã và đang giúp cứu sống hàng chục triệu con người trước đại dịch. Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, để những liều vắc xin quý giá kia đến được với người dân ở những quốc gia nghèo thì Pascal Soriot, CEO của AstraZeneca đã phải thức trắng nhiều đêm trăn trở.
Chớp lấy cơ hội kinh doanh có một không hai để kiếm được hàng núi tiền nhờ vào việc bán ra những lô vắc xin cho cả thế giới đang nháo nhào vì dịch bệnh? Hay là thực hiện sứ mệnh cứu người bằng cách biến vắc xin trở thành sản phẩm phi lợi nhuận, đồng nghĩa với việc phớt lờ hàng tỷ USD?
Bài toán cân não này chỉ có được câu trả lời khi vị CEO phải cùng lúc đối mặt với những khó khăn dồn dập xảy đến cho mình trong một thời gian ngắn: người bạn thân thiết nhất và là chuyên gia về bệnh ung thư José Baselga đột ngột qua đời, những đợt chỉ trích dồn dập từ Mỹ và châu Âu tập trung vào các lỗi trong quá trình xử lý dữ liệu và sản xuất vắc xin COVID-19,… Tất cả đã khiến ông thay đổi tư duy của một doanh nhân chỉ biết đến lợi nhuận thành khát khao được cứu giúp con người đang trong đại dịch COVID-19.
“Quyết định mang vắc xin COVID-19 đến với mọi người theo hình thức phi lợi nhuận là dự án CSR lớn nhất trong lịch sử loài người từ trước đến nay”, một thành viên cấp cao của ban lãnh đạo tập đoàn dược phẩm AstraZeneca bình luận.
Cần đảm bảo rằng, bạn đang làm những điều mà bản thân thích làm
“Tôi chưa bao giờ mơ ước sẽ có ngày trở thành một CEO. Tôi cũng không hề lập kế hoạch nghề nghiệp của mình theo hướng đó. Tôi chỉ luôn cố gắng để có một công việc mà mình yêu thích.
Điều quan trọng nhất mà tôi có thể khuyên bạn, đó là hãy làm những điều mà bạn cảm thấy đam mê, và hãy làm một cách nhiệt tình với khao khát được đóng góp, được cống hiến, và được làm những điều khác biệt. Đây chính là những gì mà tôi vẫn thường hay nói với các con, và bây giờ là với cháu nội 7 tuổi của tôi.
Đừng lo lắng nếu bạn cho rằng mình vừa mất đi một cơ hội nào đó. Hãy cứ tiếp tục làm việc và sẽ có những điều tốt hơn tìm đến với bạn”.
Soriot Soriot, CEO của AstraZeneca
Minh Ngọc