+
Aa
-
like
comment

Người quay clip ‘tài xế cưỡng ép, sờ soạng cô gái’ rồi tung lên mạng có bị xử lý?

23/04/2020 11:00

Nhiều ý kiến tranh cãi về việc người quay clip không can thiệp, hay có hành động gì để giải vây cho cô gái bị cưỡng ép mà lại quay clip đăng lên mạng. Các luật sư cho rằng hành vi này vi phạm pháp luật.

Người được cho là đã quay clip 'tài xế cưỡng ép, sờ soạng cô gái' rồi tung lên mạng /// Ảnh: Lê Hồng Hạnh
Người được cho là đã quay clip ‘tài xế cưỡng ép, sờ soạng cô gái’ rồi tung lên mạng

Sau khi mạng xã hội chia sẻ đoạn clip quay cảnh người tài xế mặc áo xe ôm công nghệ có hành vi nghi uy hiếp, sờ soạng, cưỡng ép một cô gái có biểu hiện tâm thần trong con hẻm thuộc Q.5 (TP.HCM), đã có nhiều ý kiến tranh cãi về việc người quay clip không can thiệp, hay có hành động gì để giải vây cho cô gái mà lại quay video và đăng lên mạng.

Tung clip lên mạng nhằm tố giác hành vi sai lệch không được xem là tố cáo

Trả lời PV, luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết khi cô gái có biểu hiện tâm thần bị tài xế uy hiếp, sờ soạng cưỡng ép thì người quay clip chỉ cần hô hoán hoặc gọi đông người xung quanh chạy xuống hiện trường, thì người đang thực hiện hành vi đồi bại có thể đã bỏ chạy. Tuy nhiên, họ đã không làm điều đó… Điều này cho thấy người quay clip chưa hết tinh thần cứu giúp, trách nhiệm bảo vệ cho người phụ nữ trong tình cảnh yếu thế.

“Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu chứng minh được động cơ và hành vi khách quan nếu cô gái ấy chẳng may bị thương, bị tước đoạt tính mạng thì người quay clip có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 132 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù cao nhất là 3 năm”, LS Lượng nhấn mạnh.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc nhiều người lạm dụng và sử dụng sai mục đích là điều phổ biến. Vậy đối với những hành vi quay video chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích tố giác hành vi vi phạm mà không gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý thì có vi phạm pháp luật không và có được xem là tố cáo gián tiếp không?

Người quay clip 'tài xế cưỡng ép, sờ soạng cô gái' rồi tung lên mạng có bị xử lý? - ảnh 1
Tài xế mặc áo xe ôm công nghệ có hành vi đồi bại với cô gái ra đầu thú với công an Ảnh: CTV

Theo LS Lượng thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Vì tại khoản 1, điều 2 Luật tố cáo 2018 thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, khoản 2 điều 9 Luật tố cáo quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo phải cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này.

Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy việc tung clip lên mạng xã hội nhằm tố giác hành vi sai lệch không được xem là tố cáo.

Đăng hình ảnh người khác lên mạng bị phạt 20 triệu đồng 

LS Lượng nói thêm, có hơn 6 phút cho sự việc (theo thời lượng của clip đăng trên mạng), cơ quan chức năng cần làm rõ, với khoảng thời gian đó, một người quay có đủ để báo gọi cho công an hay không? Tùy theo vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể về biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Đây là quy định mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm thắt chặt việc quản lý đối với các hành vi vi phạm về thông tin trên không gian mạng. Theo đó, người thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

“Còn nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù”, LS Lượng nói thêm.

Chiều 19.4, Công an Q.5 (TP.HCM) cho biết đã tạm giữ Trương Gia Huy (21 tuổi, ngụ Q.10) về hành vi sờ soạng, cưỡng ép một phụ nữ quan hệ tình dục trái ý muốn tại đường Lão Tử (P.11, Q.5). Qua chứng cứ thu thập được và lời khai của Trương Gia Huy, công an xác định Trương Gia Huy chính là người trong clip ”cưỡng ép, sờ soạn” chị L.T.H trước nhà số 10 Lão Tử (P.11, Q.5) xuất hiện trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng xác định hành vi của Huy có dấu hiệu của tội “hiếp dâm” quy định tại Điều 141, bộ luật Hình sự nên đã tạm giữ Huy để tiếp tục điều tra, xử lý .

Ngọc Lê/TN

Bài mới
Đọc nhiều