+
Aa
-
like
comment

Người phụ nữ gắn đời mình với các nghiên cứu về Miễn dịch- Di truyền huyết học

27/02/2020 10:42

PGS.TS Bạch Khánh Hòa (SN 1955 tại Hà Nội)- nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc, Viện Huyết học- truyền máu Trung ương được biết đến là một nhà nữ khoa học xuất sắc; đặc biệt là trong lĩnh vực Miễn dịch- di truyền huyết học. Ít ai biết rằng, trước khi đến và say mê với ngành y, thiếu chút nữa, người phụ nữ đó đã bén duyên với ngành… chế tạo máy.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về y khoa, chuyên ngành huyết học – truyền máu nhưng với cá tính mạnh mẽ của mình, sau khi tốt nghiệp THPT, nữ sinh Bạch Khánh Hòa đã thi vào ĐH Bách khoa, chuyên ngành chế tạo máy. Và rồi, như một cơ duyên với người cha- GS Bạch Quốc Tuyên, Viện trưởng đầu tiên của Viện Huyết học- truyền máu Trung ương- chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực huyết học, chị đã bất ngờ rẽ hướng theo học trường ĐH Y Hà Nội.

Tốt nghiệp năm 1978, chị được phân công về khoa Huyết học- truyền máu Trung ương và hàng ngày nghe sự chỉ dạy trực tiếp từ cha. Với sự thông minh vốn có, tinh thần cầu thị, ham học hỏi cộng yếu tố “con nhà nòi”, từng tiếp xúc với phòng thí nghiệp từ nhỏ nên ngay từ những ngày đầu nhận công tác, chị đã có những bước đi vững chắc.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa tại phòng thí nghiệm. Ảnh: T.S

Bên cạnh việc thực hiện một số xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, với tư cách là một bác sĩ trẻ luôn suy nghĩ, day dứt về nỗi đau chiến tranh, chị cùng đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên khoa sâu Miễn dịch- di truyền huyết học, đó là: Rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ; nghiên cứu về dị tật và những hậu quả do chiến tranh hóa học để lại sau chiến tranh chống Mỹ ở những cựu chiến binh có thời gian chiến đấu ở chiến trường B. Tiếp đó chị còn nghiên cứu bộ thẩm định lượng anpha phetoprotein để phát hiện rất sớm hiện tượng bất thường ở thai nhi. Liên quan đến vấn đề này, năm 2001, chị tiếp tục tham gia đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu các biến đổi di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu Dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”. Kết quả nghiên cứu đã góp phần chứng minh hậu quả của chất Dioxin của Mỹ gây ra cho người Việt Nam.

PGS.TS Bạch Khánh Hòa thừa nhận rằng, nghiên cứu khoa học có sức lôi cuốn đặc biệt đối với chị. Nghiên cứu và ứng dụng đã trở thành một vòng tròn khép kín trong chu trình của một người làm khoa học. Chẳng thế mà, năm 1990, chị bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ với đề tài “Góp phần tìm hiểu hệ kháng nguyên bạch cầu ở Việt Nam, kỹ thuật phát hiện và ứng dụng”; thì năm 1991, chị tham gia lựa chọn người cho và nhận thận để tiến hành thành công ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến sau này, chị thường xuyên tham gia hỗ trợ một số BV như BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV 19-8 để triển khai công tác ghép thận, gan và đặc biệt là ghép tủy đồng loại ở những ca đầu tiên và phương pháp điều trị này đã mang lại kết quả rất tốt cho bệnh nhân.

Thêm nữa, chị còn tiến hành nghiên cưu về kháng nguyên khác như kháng nguyên hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đoạn trung tính nhằm hỗ trợ cho công tác điều trị ngày càng hiệu quả cao hơn. Chị nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật mới trong sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu (HIV, HCV, HBV, giang mai, sốt rét) nhằm mục đích có máu sạch để phục vụ cho điều trị. Tham gia các hoạt động của công tác truyền máu, chị cùng anh chị em trong viện hoàn thành tốt các nhiệm vụ thu gom và đảm bảo chất lượng máu sạch để cung cấp cho viện và các BV khu vực.

Công tác phòng chống HIV là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong công tác truyền máu. Vì ý nghĩa đó, chị đã liên tục tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ năm 1987. Nhiệm vụ chính của chị là đào tạo, hướng dẫn cho các tỉnh về nhân sự, phương tiện, khả năng thực hiện kỹ thuật, tham gia nghiên cứu và viết tài liệu kỹ thuật về HIV.

Bận rộn với công tác nghiên cứu khoa học là vậy, PGS.TS Bạch Khánh Hòa còn dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo và các hoạt động xã hội thiện nguyện. Cùng với việc hỗ trợ chuyên môn cho các đồng nghiệp, chị luôn quan tâm đặc biệt và tích cực cổ vũ các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu bởi theo chị, người trẻ luôn có thế mạnh riêng, nhất là trong việc bắt nhịp với công nghệ, đem kỹ thuật mới áp dụng vào nghiên cứu, học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới phụ vụ công tác chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Với những nỗ lực không ngừng trong 34 năm công tác, nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn và đào tạo cán bộ khoa học, PGS.TS Bạch Khánh Hòa đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc ưu tú, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế trong nhiều năm liền; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… Và đặc biệt nhất, năm 2012, chị vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia- phần thưởng danh giá dành cho những nhà khoa học nữ do Trung ương Hội PNVN trao tặng.

“Làm nghiên cứu bằng niềm đam mê, sự vô tư và cái tâm trong sáng, không vì mục đích cá nhân thì dù khó khăn đến mấy cũng có đủ sức mạnh và nội lực để vượt qua…”, PGS. TS Bạch Khánh Hòa bộc bạch.

Linh Anh/PL

Bài mới
Đọc nhiều