Người phụ nữ “ẵm” 2.386 nhẫn vàng đối diện mức án phạt nào?
Chiều 26/9, Cơ quan CSĐT Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã ra quyết định khởi tố bị can Lương Thị Nhung (28 tuổi, người địa phương) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nhung là nghi phạm đã lấy 2.386 nhẫn vàng tại tiệm vàng Kim Hương 1, phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, gây xôn xao dư luận.
Trước đó, chủ tiệm vàng Kim Hương trình báo về việc mất số lượng lớn vàng tại cửa hàng. Vào cuộc điều tra, cảnh sát mời Lương Thị Nhung lên làm việc và nghi phạm đã thú nhận nhiều lần trộm vàng tại khu vực quầy do mình quản lý từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt ngày 16/9.
Nhung khai mỗi lần mình lấy 5-8 chiếc nhẫn. Đến khi bị bắt, bị can đã lấy tổng cộng 2.386 chiếc nhẫn vàng loại 18K, tương đương 259 lượng vàng (trị giá hơn 9,5 tỷ đồng).
Sau khi lấy cắp, Nhung nhờ người thân mang đi bán, cầm cố. Tất cả số tiền thu được, bị can đều giao cho chồng cất giữ.
Khám xét nơi ở của bị can, công an phát hiện hơn 50 chiếc nhẫn bằng kim loại màu vàng và hơn 30 nhẫn vàng thật, hơn 2.000 giấy in tem vàng.
Ngoài ra, công an cũng phát hiện thêm 350 giấy biên nhận, hợp đồng cầm đồ tại nhiều cửa tiệm cầm đồ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mỗi biên nhận cầm đồ từ 3-20 triệu đồng được lưu lại từ cuối năm 2018 đến nay.
Bị can sẽ bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, số nhẫn vàng do Lương Thị Nhung lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt có giá trị rất lớn. Bị can chiếm đoạt nhiều lần trong khoảng thời gian hơn một năm mới bị phát hiện.
Với diễn biến trên, có thể thấy hành vi của bị can có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản giá trị lớn. Do đó, Lương Thị Nhung có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nghiêm khắc.
Hành vi của nữ nhân viên tiệm vàng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Bị can gây án trong thời gian dài, hành vi có tính chất chuyên nghiệp và che đậy bằng nhiều thủ đoạn như lên kế hoạch lấy vàng, nhờ người thân đi tiêu thụ và để chồng cất giữ số tiền bất chính.
Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự, người bị kết án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù với mức án thấp nhất 6 tháng.
Người phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu, lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt ở khung 2-7 năm tù.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và phải khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Ngoài ra, căn cứ lời khai của Lương Thị Nhung về việc nhờ người thân tiêu thụ, cất giữ tài sản, cơ quan điều tra sẽ xem xét vai trò liên quan của những người này. Nhà chức trách sẽ làm rõ một mình Nhung thực hiện hành vi hay có đồng phạm. Nếu có đồng phạm thì ai là người tổ chức, xúi giục, giúp sức cho Nhung gây án và che giấu tội phạm.
Ngoài ra, người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản phạm pháp do Nhung chiếm đoạt sẽ bị xử lý về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015.
Sương Mai