+
Aa
-
like
comment

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói về việc sử dụng từ “quan ngại”

13/12/2021 09:05

Nhân dịp trả lời về công tác ngoại giao của Việt Nam trong thời Covid-19 suốt 1 năm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã dành chút thời gian nói về tình hình biển Đông và chủ quyền đất nước. Đặc biệt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói về nguyên nhân dùng từ “quan ngại” trong các phát ngôn.

Chị có biết nhiều khi công chúng cảm thấy thất vọng khi Người phát ngôn “quan ngại” về vấn đề nào đó mà họ rất quan tâm, chẳng hạn như tình hình Biển Đông?

– Cá nhân tôi không hay dùng từ này. Song cần hiểu cách dùng từ trong các vấn đề chính thức cần cân nhắc kỹ càng, đặt trong nhiều chiều, đối nội nhìn ra đối ngoại trông vào, phải nâng lên đặt xuống, phải tìm ngôn ngữ dễ hiểu, phải chính xác, không được sai.

Bản thân từ đó có nội hàm quan trọng. Có những vấn đề Việt Nam chỉ quan tâm theo dõi, không dính líu, trung dung hơn. Còn quan ngại là quan tâm và lo ngại, là sắc thái thể hiện thái độ của mình. Ngay cả phát biểu về Biển Đông thì Người phát ngôn cũng lên tiếng ở nhiều tầng nấc khác nhau, bối cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau, nhưng nguyên tắc là thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam và bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chị có cảm xúc thế nào khi lên tiếng về Biển Đông và chủ quyền đất nước?

– Vấn đề chủ quyền không chỉ là lợi ích cốt lõi của quốc gia, mà còn rất thiêng liêng, chạm tới trái tim của mỗi người dân. Đó không chỉ liên quan đến vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc mà còn liên quan đến sinh kế của những người bình thường như các ngư dân ngoài biển. Nên khi phát biểu phải chặt chẽ, chính xác, có những khi lựa chọn thời điểm phù hợp. Cá nhân tôi khi phát biểu về chủ quyền thì đó là trách nhiệm rất lớn, vừa là tâm, vừa là trí nữa.

Chủ quyền không chỉ người dân trong nước mà cả người gốc Việt, dù xa đất nước bao nhiêu nhưng họ vẫn coi chủ quyền là thiêng liêng, là vấn đề của họ. Trong những năm qua có một số đoàn kiều bào thăm Trường Sa, sau khi họ đi các điểm đảo, nhà giàn, đã có nhiều thay đổi cơ bản cả về nhận thức lẫn hành động, những người đi về trở thành thông tin viên đến cho cộng đồng ở nước sở tại. Đó là nhân chứng sống động nhất.

Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đã hình thành nhiều phong trào hướng về Trường Sa, vì biển đảo, và bà con tham gia, đóng góp rất tích cực. Quan trọng nhất là tình cảm bà con dành cho những người trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền. Tôi chứng kiến nhiều chị, nhiều cô đi thăm chiến sĩ, gia đình người dân sinh sống trên các đảo, họ đã ôm chiến sĩ vào lòng một cách rất tự nhiên, gọi các chiến sĩ là con. Các phóng viên người gốc Việt đi thăm Trường Sa cũng phản ánh chân thực cuộc sống nơi biển đảo, qua đó cộng đồng dù có mặc cảm điểm này điểm khác nhưng với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngày càng có niềm tin vào chúng ta. Không phải vì tôi nói hay, ngoài những phát ngôn chặt chẽ, đủ lập luận, có sức thuyết phục hơn thì có những cách tiếp cận, phương tiện khác để làm cho người dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và chung tay.

Cách dùng từ trong các vấn đề chính thức cần cân nhắc kỹ càng, đặt trong nhiều chiều, đối nội nhìn ra đối ngoại trông vào, phải nâng lên đặt xuống, phải tìm ngôn ngữ dễ hiểu, phải chính xác, không được sai.

Có câu hỏi nào với chị là nhạy cảm?

– Nhạy cảm hay không không phụ thuộc nội dung, mà là thời điểm đặt câu hỏi, lúc khác có thể trả lời, nhưng lúc này thì không. Tôi tôn trọng các phóng viên, vì họ đặt câu hỏi nghĩa là họ quan tâm tìm hiểu và đã có kế hoạch viết bài. Nhưng nếu vấn đề chưa phù hợp thời điểm, điều kiện chưa cho phép, tôi trao đổi thẳng thắn và các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài thường trú ở đây, họ rất hiểu điều đó.

Thông tin ngày nay đã rất cởi mở, rộng rãi. Báo chí nước ngoài như người bạn lâu năm. Tôi làm lĩnh vực báo chí nước ngoài hơn 25 năm, có những anh phóng viên thường trú nhiều khoá, thậm chí cha họ đã từng làm thường trú ở đây, tuổi thơ của họ ở đây, họ như người bạn với tôi. Họ là đối tác quan trọng, hiệu quả, tại sao không cởi mở, thân thiện, biến họ thành bạn của chúng ta.

Phóng viên nước ngoài nhìn chung hợp tác trên cơ sở cởi mở, rõ ràng, họ quan niệm một số giá trị khác biệt, nhưng nếu chia sẻ thẳng thắn, nêu rõ giới hạn đỏ, nếu là phóng viên hãng lớn, có uy tín thì họ cũng đáp lại bằng sự cởi mở hoặc tôn trọng luật lệ (rule based). Quả thực, tôi không thấy lúng túng với những câu hỏi đó. Thông tin mình nhiều, đầy đủ, cởi mở, công khai, mình có chính nghĩa và chân lý, tôi có thể nêu lập trường chính thống của Việt Nam và có dẫn dụ, chứng minh để thuyết phục họ.

Xin cảm ơn chị!

Mỹ Hằng

Bài mới
Đọc nhiều