+
Aa
-
like
comment

Người nước ngoài hy vọng dân Việt bớt nhậu

16/01/2020 10:35

Hà NộiĐang ngồi trong quán nước, Lee Zhong Yi giật mình thấy người đàn ông chừng 50 tuổi, loạng choạng bước ra từ quán nhậu rồi “đổ kềnh” xuống đất.

Hơn hai năm ở Hà Nội, đó không phải lần đầu Zhong Yi (24 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) chứng kiến người say điều khiển phương tiện giao thông. Năm 2018, sau buổi liên hoan, một cô gái Việt, bạn của Yi dù say khướt vẫn đòi chở anh về. “Cô ấy đi ngược chiều, loạng choạng nên tôi ngồi sau rất sợ. Được một đoạn, tôi yêu cầu cô ấy xuống xe để tôi chở”, Yi nhớ lại. Từ đó, anh hầu như không đi nhậu với bạn bè, nếu đi cũng chỉ gọi xe ôm.

Nghị định 100 ban hành, Zhong Yi hy vọng bạn bè Việt sẽ tuân thủ để giữ an toàn cho chính mình và người xung quanh. Hai tuần nay, Yi cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt khi các quán nhậu gần nhà anh vắng hơn, bớt ồn ào và không thấy những trường hợp say mèm sau tay lái. “Tiệc tất niên ngày 9/1, cơ quan tôi không ai động đến rượu”, Yi tiết lộ.

Chàng trai Trung Quốc đang làm cho một công ty luật ở Đống Đa cho biết, ở nước anh, người lái xe sau khi đã uống rượu bia có thể bị phạt từ 1.000 đến 2.000 tệ (3,3 – 6,7 triệu đồng) và tước giấy phép lái xe 6 tháng. Trường hợp gây tai nạn, tài xế sẽ bị quy vào tội hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn.

Takuya Okazaki rất thích Việt Nam, bao gồm cả văn hóa uống rượu bia. Ảnh: NVCC.
Takuya Okazaki rất thích Việt Nam, bao gồm cả văn hóa uống rượu bia. Ảnh: NVCC.

“Hai tuần rồi, đồng nghiệp chưa rủ tôi đi nhậu lần nào. Chủ nhật tuần trước, tôi lên phố Tạ Hiện, thấy khách Việt cũng ít hẳn”, anh Takuya Okazaki (26 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) chuyên viên thiết kế sống ở quận Ba Đình cho biết.

Sang Việt Nam từ 2016, anh Takuya rất thích văn hóa uống rượu của người Việt. “Vừa uống vừa bắt tay khiến tôi cảm thấy gắn kết với mọi người. Hơn nữa, khi nhậu, không ai phân biệt cấp trên cấp dưới như bên Nhật”, anh nói.

Tuy vậy, Takuya thừa nhận người Việt uống quá nhiều. “Mỗi tuần, tôi chỉ đi uống 1-2 lần. Đồng nghiệp Việt ở công ty thì uống đến 4-5 lần. Họ còn có tiêu chí ‘không say không về’, đã uống là uống tới khi mất ý thức”, anh chia sẻ.

Quán bia trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) chủ yếu là nhân viên ngồi không. Ảnh: Phạm Nga.
Quán bia trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) chủ yếu là nhân viên ngồi không. Ảnh: Phạm Nga.

Như bạn bè Yi, tan cuộc nhậu, đồng nghiệp của Takuya tự đi xe máy về. Ban đầu, anh lo lắng nhắc họ. Nhưng nhắc mãi mà chẳng ai nghe, anh không nói nữa. Một lần chứng kiến tài xế xe máy gặp tai nạn sau khi uống rượu bia, anh càng dặn mình phải cẩn thận.

Qua báo chí, Takuya biết về Nghị định 100. “Tôi rất ủng hộ luật này vì nó sẽ cải thiện ý tức người dân”, anh nói. Tại Nhật, luật cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia đã có từ lâu. Ở mức cao nhất, người vi phạm sẽ bị phạt 5 năm tù và một triệu yen (hơn 210 triệu đồng).

“Nghị định 100 là điều tốt nhất chính phủ Việt Nam có thể làm để giảm thiểu tai nạn trên đường”, Julien Psomas 38 tuổi, quốc tịch Pháp, giảng viên một trường đại học ở Hưng Yên nói. Julien sống ở Việt Nam được bốn năm. Chưa từng trực tiếp chứng kiến, anh vẫn biết tỷ lệ tai nạn do rượu bia ở Việt Nam cao nhờ đọc tin tức.

Tương tự Takuya, Julien đánh giá người Việt uống quá nhiều, “uống chỉ để say” lại chủ quan nên vẫn tự đi xe về. Bản thân anh chỉ uống một lần mỗi tuần, nếu uống ngoài quán thì chắc chắn gọi taxi.

Ở Pháp, muốn điều khiển phương tiện giao thông, nồng độ cồn trong máu phải dưới 0,5 g/l. Nếu kinh nghiệm lái xe chưa tới ba năm, giới hạn cho phép là dưới 0,2 g/l. Vượt các mức này, tài xế phải nộp phạt tiền và trừ điểm trên bằng lái xe. Nếu nồng độ cồn trong máu hơn 0,08%, tài xế bị coi như phạm tội hình sự, phải nộp phạt 4.500 euro (khoảng 116 triệu đồng), tước bằng ba năm và có thể ngồi tù hai năm.

“Taxi ở Việt Nam không đắt đến mức bạn không thể gọi để về nhà sau khi đã uống rượu bia”, Julien phân tích. “Năm tới, tôi hy vọng sẽ có thêm luật cấm vừa đi xe vừa dùng điện thoại”.

Đối với ông Ye Min He 50 tuổi, người Hàn Quốc hiện làm tư vấn đầu tư bất động sản ở Hà Nội, Nghị định 100 không chỉ áp dụng cho người Việt mà còn cảnh tỉnh người nước ngoài. Ông He sang Việt Nam từ bảy năm trước, do công việc mà nhiều lần lái xe máy và ôtô trong tình trạng có hơi men. “Một lần, mắt nặng trĩu vì rượu nhưng tôi vẫn lái xe từ Hải Phòng lên Hà Nội”, ông He kể.

Khi chưa có Nghị định 100, trưa nào, ông He cũng làm một chai bia, ít thì nửa chai, rồi ung dung lái xe về công ty. Từ ngày 1/1, được bạn bè và đồng nghiệp dặn dò, ông He không uống bia buổi trưa nữa, dù chỉ tự đi xe khoảng 200 m.

“Mấy ngày đầu chưa quen, ăn trưa không có bia thấy nhạt mồm lắm. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi”, ông He nói.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng, xe máy 6 đến 8 triệu đồng, ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Minh Trang – Hải Hiền/VNE

Bài mới
Đọc nhiều