+
Aa
-
like
comment

Người nước ngoài choáng với văn hóa ‘đi bão’ ở Việt Nam

Bích Ngân - 06/01/2025 09:30

Bước khỏi cửa quán bar, Warren Bisset cảm nhận đường phố TP HCM “như muốn nổ tung” với dòng người đi bão mừng chức vô địch ASEAN Cup 2024.

Người đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam ở đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP HCM.

“Tôi có cảm tưởng bao nhiêu người ở thành phố này đều đổ hết ra đường trong đêm nay”, chàng trai người Anh 29 tuổi nói.

Mọi người đi thành đoàn, hô vang câu “Việt Nam vô địch”. Khi Warren đứng ở ngã ba ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, nhiều người đi ngang qua đã chủ động đập tay với anh như cách ăn mừng chiến thắng. Một số người mang còi, băng rôn phát cho người đi đường, họ nắm tay nhau và nhảy múa.

“Thật thú vị là họ mang niềm tự hào và muốn chia sẻ với nhiều người xung quanh”, Warren nhận xét. Anh từng sống ở 15 quốc gia trước khi đến Việt Nam nhưng cách người Việt ăn mừng chiến thắng rất khác biệt.

Đầu tiên là tinh thần “hòa chung làm một”. Khi đội tuyển giành chiến thắng, mỗi người Anh sẽ có cách ăn mừng riêng từng người nhưng người Việt thường đi thành nhóm lớn, tạo thành một dòng người khổng lồ qua nhiều tuyến đường. Họ sử dụng bất cứ phương tiện gì có sẵn như xe máy, ôtô, xích lô, xe đạp và thậm chí là xe ba gác. “Tất cả đều rất thân thiện, vui vẻ và không hề có hành động quá khích nào”, Warren nói.

Ở quê hương anh, mỗi khi có một chiến thắng quan trọng trong bóng đá người hâm mộ thường uống rất nhiều rượu để ăn mừng. Tuy nhiên, người Việt Nam thường giữ mình tỉnh táo để xuống đường. Ngoài ra, người Anh thường sống trong không khí chiến thắng khá lâu, vài ngày đến một tuần, trong khi người Việt thường ăn mừng cuồng nhiệt nhưng kết thúc sớm, thường trước nửa đêm.

“Tôi ngạc nhiên khi một số bạn bè đi bão gần như suốt đêm nhưng sáng hôm sau vẫn đi làm rất tỉnh táo”, anh nói.

Tối 5/1, Warren không thể gọi được xe ôm hay taxi để về nhà. Anh đã đi bộ hòa vào dòng người mừng chiến thắng suốt 4,5 km.

Trước khi đến Việt Nam, Tony Abbey nghĩ rằng sẽ khó tìm được nơi yêu bóng đá như quê hương mình. Tuy nhiên, sau 8 năm sống và làm việc ở TP HCM, người đàn ông Anh đã thay đổi suy nghĩ.

“Người Việt xem bóng đá là một phần cuộc sống và niềm tự hào”, ông nói. “Điều này thể hiện qua cách họ đi bão ăn mừng”.

Ông đã chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ của bóng đá Việt, đặc biệt là trận chung kết Giải vô địch U23 châu Á, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu trong bão tuyết ở Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018. Đó là lần đầu tiên trong đời Tony cảm thấy choáng ngợp trước tình yêu bóng đá của một quốc gia khác, ngoài Anh.

Tony cảm nhận người Việt “đi bão” ăn mừng chiến thắng và đôi khi là thất bại, như một cách cổ vũ và thể hiện lòng yêu nước của họ. “Người Việt có thói quen đoàn kết và chung vui cùng một nơi”, ông nói và dẫn ví dụ nhiều hẻm nhỏ ở TP HCM thường đặt TV ở khu vực chung và cùng nhau xem hoặc một số công ty lắp màn hình LED, mọi người thưởng thức trận đấu và ăn mừng, hò hét ngay ở công sở. Vài gia đình nhiều thế hệ cùng kéo nhau xuống đường, trong đám đông, có cả những cụ già.

“Họ đã lan truyền tình yêu đó đến cả những người nước ngoài”, Tony nói. Tối 5/1, khi Tony đến quán bar ở TP Thủ Đức, ông thấy 70% là người nước ngoài. Họ cùng nhau bàn luận và phân tích trận đấu.

Tony nói mình không thường xuyên xem V-League nhưng luôn theo dõi đội tuyển quốc gia Việt Nam. Khi đọc báo, ông nhận ra nhiều khách du lịch châu Âu cũng sẵn sàng lên xe máy, thổi còi, hát hò để ăn mừng cùng người Việt.

“Bầu không khí đó rất ấn tượng và tuyệt vời”, ông nói. “Bóng đá là phần cuộc sống không thể thiếu của người Anh và tôi cũng thấy nó ở Việt Nam”.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều