+
Aa
-
like
comment

Người nông dân Hải Dương bỏ đi hàng nghìn tấn củ cải, su hào: Lỗi thuộc về ai?

Thái Thanh - 25/03/2021 16:47

Hình ảnh hàng trăm tấn củ su hào, bắp cải, củ cải trắng quá lứa thu hoạch, không thương lái nào mua ở tỉnh Hải Dương, người nông dân phải vứt đi đầy đồng khiến bao người xót xa. Xót vì sự bị động của người nông dân trong trồng trọt đã đưa họ đến viễn cảnh tay trắng, thậm chí nhiều người lâm vào cảnh nợ nần bủa vây. Khi hình ảnh lan tỏa, lời kêu gọi giải cứu nông sản Hải Dương được người dân trong nước, các hội nhóm, công đoàn truyền đi, cũng là lúc câu chuyện đổ lỗi được diễn ra. 

Củ cải trắng bị đổ bỏ đi, thay vì chọn cách làm khác: đem phơi khô, làm củ cải muối

Việc nông dân Hải Dương bỏ đi rất nhiều rau củ, đó là điều không ai muốn, người trồng không muốn và chính quyền địa phương càng không. Không bán được rau, củ, phải đổ đi – thiệt hại nhất là người trồng ra nó. Nhưng dù là xót thương, dù tham gia mua nông sản giúp, nhưng nhiều người dân khắp cả nước cũng đã nói thẳng về sự bị động của người nông dân Hải Dương trong trồng trọt. Như củ cải trắng, thay vì nhổ bỏ đầy đồng, chất thành đóng thì người nông dân có thể phơi khô củ cải, hoặc làm củ cải muối để bán, giá thành không hề rẻ, thậm chí là khoản thu về còn cao gấp đôi so với bán củ cải tươi. Tương tự như vậy, củ cải đỏ, bắp cải, su hào đều có thể sấy khô và vẫn bán ra thị trường như thường. Vấn đề ở đây ai cũng thấy rõ, ăn nên làm ra cốt lõi, quyết định là ở tư duy của người nông dân, và họ cần phải nghĩ khác đi, làm khác đi, linh hoạt để tạo ra thị trường, làm chủ thị trường.

Chuyện thực tế là vậy, thế nhưng “qua tay” những kẻ mang danh “nhà dân chủ” thì cái lỗi ấy thuộc về “thể chế” và muốn chính quyền phải bán cho dân từng cái củ cải. Cái nhìn nông cạn đó không khác gì việc “giúp con nhộng ra khỏi cái kén”. Khi thấy con nhộng đang vất vả, tìm mọi cách để thoát ra khỏi cái kén, người có  kiến thức và có tầm nhìn, không ai đi lấy cây kéo cắt cái kén, để giúp con nhộng rút ngắn thời gian thành bướm. Làm như thế, yêu không đúng cách chẳng khác nào hại chết con vật ấy. Với sự tác động trên, con nhộng thoát khỏi cái kén, thành bướm nhưng không thể bay, và dù có bay được cũng rất yếu ớt. Người có suy nghĩ thấu đáo đều biết, sức mạnh của việc phá vỡ cái kén mới có thể giúp con nhộng ép chất lỏng cơ thể vào đôi cánh của nó, và để nó tự thoát ra cái kén mới là hành động đúng đắn. Từ đó cho thấy, không phải lúc nào sự giúp đỡ cũng là có lợi, có ích, thậm chí còn là sự hủy hoại cả một cuộc đời, cả một thế hệ.

Thương không đúng cách thương là hại

Không chỉ riêng gì cái chuyện người nông dân Hải Dương vứt bỏ rau củ vì không có thương lái mua, các đài chống phá ở hải ngoại đổ thừa “do thể chế”, mà bất cứ câu chuyện thời sự nào đang diễn ra ở Việt Nam cũng được bẻ lái, quy chụp đến mối chung là lỗi tại các nhà lãnh đạo, chuyện không cũng tô vẽ thành có, thậm chí việc Nhà nước lo cho dân, hoặc hệ thống pháp luật Việt Nam đảm bảo quyền lợi cho con người – ngay cả với đối với tù nhân, bị can và các đối tượng đang bị tạm giam, qua ngòi bút của các thành phần chống phá cũng bị đảo ngược trắng thành đen.

Như vừa mới đây, khi cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình của Bộ Luật Tố tụng hình sự, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bị can Trịnh Bá Phương, công an đã đưa đi giám định tâm thần trước khi truy tố, thì một dàn đồng ca các đối tượng phản động dựng chuyện xuyên tạc Trịnh Bá Phương “gặp nguy”, kẻ phản quốc lưu vong Nguyễn Văn Đài vẽ ra hẳn câu chuyện Bộ trưởng Bộ Công an “khủng bố” tinh thần Trịnh Bá Phương. Trong khi đó, cái kết luận “bệnh tâm thần” đối với người phạm tội, và đứng trước vòng lao lý, là kim bài miễn tử mà khối nhiều người muốn mua còn không mua được. Nếu giả sử, khám ra kết quả “bệnh tâm thần” thì chẳng phải Trịnh Bá Phương sẽ thoát vòng lao lý, là người được hưởng lợi! Thế mới càng thấy được cái tâm đen tối, và cái miệng chuyên nói ngược sự thật của những thành phần cơ hội chính trị.

Dường như đã thành thói quen, tấn công uy tín, hình ảnh của lãnh đạo cấp cao của đất nước Việt Nam là việc mà các thành phần chống phá, phản quốc, thế lực thù địch luôn nhắm đến. Vị lãnh đạo nào càng có nhiều quyết sách đưa uy tín Việt Nam ngày càng thăng hạng trên trường quốc tế, nhận được nhiều sự ủng hộ của các chính trị gia trên thế giới, đưa đất nước phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự, đem đến nhiều hạnh phúc, cuộc sống bình yên cho nhân dân, thì càng trở thành mục tiêu của các thành phần chống phá. Có khi chúng xuyên tạc, tấn công hình ảnh một vị lãnh đạo, có khi tấn công tất cả từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ trưởng. Thậm chí có lúc chúng điên cuồng tấn công không chừa một ai – nhất là khi không kích động được người dân phá hoại Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, hoặc không lôi kéo người dân đòi “dân chủ” như Myanmar, chúng chửi toàn dân Việt Nam là “đui, mù”, chửi tuổi trẻ Việt Nam “sống không hoài bão”.

Trong thời buổi hiện nay, khi vàng thau lẫn lộn, hàng giả đôi khi còn đẹp lồng lộn, tinh vi hơn hàng thật. Tuy nhiên, khi trải qua nhiều thử thách của thời đại, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước – nhất là đại dịch Covid, người dân cả nước luôn có những nhận diện đúng đắn nhất, biết và hiểu rõ về chính quyền, Đảng và Chính phủ đã làm những gì cho người dân, đất nước này.

Thái Thanh

Bài mới
Đọc nhiều