+
Aa
-
like
comment

Người ngoại quốc duy nhất được Việt Nam phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

20/01/2020 16:45

Đó là anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Việt Nam – Chiến sĩ quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ mang dòng máu Hy Lạp, Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.

Chân dung ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.

Sinh ra trong một gia đình công nhân ở miền bắc Hy Lạp, năm 1943, mới 16 tuổi, Kostas Sarantidis bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho chế độ phát xít Hitler. Đến Nam Tư, anh trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu lửa ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư – Hy Lạp.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, anh không có giấy tờ tùy thân, không có đường trở về Hy Lạp, bị bắt đưa vào trại tập trung ở Ý, vào đội quân lê dương của Pháp theo lời rủ rê của bạn bè. Anh nghe người Pháp tả Sài Gòn là một thành phố đẹp nhất Á Đông và bao điều kỳ lạ, hấp dẫn. Lính lê dương Pháp sang Đông Dương để “giải phóng” các xứ ở đây, chống phát xít Nhật. Nhưng khi tàu cập bến Sài Gòn, đứng trên boong nhìn thành phố, anh thấy quang cảnh thật là trái ngược. Nước sông Sài Gòn đầy rác rưởi, xác súc vật chết nổi lềnh bềnh. Trên mặt đất là những hầm trú ẩn, những nhà kho đầy xe quân sự Mỹ.

Vừa mới đến Sài Gòn, tiểu đoàn 3 lê dương của anh bị đưa lên tàu lửa để ra miền Trung. Đến ga Thủ Đức, giữa ban ngày, một tên lính lê dương đã nổ súng bắn chết một ông già chỉ vì ông thấy lính Tây, sợ quá bỏ chạy.

Những ngày tiếp theo, trên đường lên Đà Lạt, xuống Phan Rang, Phan Thiết, anh đã tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh giết người, cướp của, đốt nhà tàn bạo của lính lê dương dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Một hôm, cuối tháng 2/1946, anh cùng đơn vị đứng trước một cây cầu chờ đến lượt sang sông. Anh thấy một lá cờ Pháp treo trên một chòi canh. Trên hàng rào tháp canh, anh nhìn thấy bao nhiêu chiếc đầu người bị chặt cắm lên các cây cọc. Anh ngạc nhiên đến sững sờ. Toàn thân anh run lên, nước mắt giàn giụa, tim đập loạn xạ. Anh tự hỏi tại sao người Pháp đã chịu nhiều đau khổ dưới gót chân phát xít Đức lại có hành động như bọn Hitler?

Từ những bất bình nảy sinh khi mới đặt chân lên Sài Gòn, Thủ Đức, đến đây, máu trong tim anh sôi lên, anh dứt khoát tìm mọi cách nhanh chóng rời bỏ quân xâm lược Pháp dã man, đứng về phía người Việt Nam đang chiến đấu chống Pháp để giành độc lập, tự do.

Đóng quân ở Bình Hòa, Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, Kostas làm quen với một cô gái xinh đẹp, “vợ” tên thiếu úy Pháp – cấp trên của anh. Sau này, anh được biết cô gái ấy là điệp viên kháng chiến Mai Lê. Việc liên lạc bí mật, khôn khéo giữa anh với Mai Lê và người tù Việt Minh Lê Trung Biền do đơn vị anh canh giữ diễn ra đầy những tình tiết ly kỳ.

Một kết thúc vô cùng tốt đẹp là anh đã thoát khỏi đội quân lê dương để ra vùng tự do ở Bình Thuận, rủ thêm một lính lê dương khác là Merinos cùng đi. Anh còn giải thoát cho Lê Trung Biền và 25 người tù khác, mang theo một khẩu súng máy và hai khẩu súng trường. Đó là đêm ngày 3 rạng ngày 4/6/1946, bốn tháng sau khi anh đổ bộ Sài Gòn.

Ra vùng tự do, anh gia nhập ngay hàng ngũ quân kháng chiến, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức trở thành “anh bộ đội Cụ Hồ”. Chín năm kháng chiến chống Pháp, anh được giao làm nhiều công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở khúc ruột miền Trung. Thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, anh đã lập công xuất sắc, làm chương trình phát thanh vào đồn địch cảm hóa được nhiều lính lê dương. 40 người lính đã bỏ Pháp mang theo súng đạn sang kháng chiến, cứu sống 120 người bị địch bắt. Khi làm xạ thủ trung liên, anh đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Moran ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam) bắt sống ba tên giặc lái Pháp. Trong trận chống địch đi càn quét ở Hương An – Bà Rén ngày 13/4/1948, anh cùng đồng đội diệt gọn 200 lính địch, bẻ gãy cuộc càn quét.

Khi được điều về làm tổng giám thị Trại tù binh Âu Phi số 3 ở Quảng Ngãi, anh đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho họ hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của chính phủ kháng chiến. Nhiều tù binh đã tỏ lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc về việc chăm sóc, giáo dục của trại.

Lập công xuất sắc, ông Nguyễn Văn Lập được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949. Sau hiệp nghị Genève năm 1954, tập kết ra miền Bắc, anh tham gia chống đối, chống địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay Gia Lập, làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ.

Nhiều lần, anh được mời đi đóng các vai Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam. Bất cứ nhiệm vụ nào, anh cũng tận tình làm, đạt hiệu quả cao. Năm 1958, anh kết hôn với một cô gái Hà Nội, sinh được bốn người con, một trai ba gái.

Trải qua quãng đời trẻ trung, sôi nổi, rất có ý nghĩa ở Việt Nam, anh gắn bó với đất nước này đến mức không nghĩ đến việc rời Việt Nam, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng ở Hy Lạp, anh còn có bà mẹ già, sau nhiều năm mất liên lạc, nay biết tin còn sống, bà rất mong được gặp lại anh. Đáp lại ước nguyện của mẹ, năm 1965, anh và vợ cùng các con rời Việt Nam về Hy Lạp.

Năm đầu về cố hương, gia đình gặp vô vàn khó khăn, túng quẩn. Không có quốc tịch Hy Lạp, vắng mặt quá lâu, lại không trải qua quân dịch, nên anh không tìm được việc làm. Sống trong một căn buồng 10 m2, anh thường ra các nhà hàng xin chân gà, đầu gà mà người ta loại bỏ để ăn qua ngày.

Dần dà, anh được công nhận lại là người dân Hy Lạp. Bằng lái xe của Việt Nam cấp được công nhận có giá trị. Anh đi lái xe tải kiếm sống. Cuộc sống vất vả nhưng cả bốn người con (ba người sinh ở Việt Nam, một người sinh ở Hy Lạp) đều được học hành và thành đạt.

Năm 1975, ông vô cùng sung sướng được tin Việt Nam đại thắng, thống nhất đất nước. Ông đã giữ rất cẩn thận các kỷ vật về Việt Nam. Từ ngày trở về Hy Lạp đến nay, ông luôn luôn hướng về Việt Nam. Ông tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt lập Hội người Việt Nam ở Hy Lạp, vận động quyên góp lấy tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị chất độc da cam, người nghèo. Tổng số tiền ủng hộ lên đến 150 triệu đồng Việt Nam. Ông nhiều lần trở lại Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, đồng đội và đồng bào các tỉnh miền Trung, dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc. Có lần ông tháp tùng Tổng thống Hy Lạp sang thăm Việt Nam. Ông được các nhà lãnh đạo Việt Nam như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết,… tiếp thân mật.

Nhà nước Việt Nam đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị. Ngày 9/11/2010, ông được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết quyết định công nhận là công dân Việt Nam, điều mà ông mong đợi trong nhiều năm. Tháng 5/2013, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng ông danh hiệu Anh hùng LLVTND Việt Nam. Lễ trao tặng được tổ chức trọng thể tại Bộ Quốc phòng Việt Nam vào cuối tháng 8/2013.

TH 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều