Người nghèo trả tiền xử lý rác cho người giàu là bất công xã hội!
Để người nghèo phải trả tiền xử lý rác cho người giàu như cách tính bình quân hiện nay bởi đó là bất công xã hội.
Những ngày qua, cùng với sự sôi động trên nghị trường, dư luận xã hội cũng bàn tán xôn xao xung quanh Dư thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi không chỉ các Đại biểu mà mỗi người dân đều đã ý thức được sự quan trọng bảo vệ môi trường, nhất là với xử lý rác thải sinh hoạt.
Có một ý kiến nhiều người quan tâm, nhiều tranh luận trái chiều, đó là trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng sẽ tiến tới việc trả tiền theo định lượng. Cụ thể, ai thải rác thải nhiều, phải trả tiền nhiều.
Theo tôi, đây là ý tưởng đúng bởi hiện nay, chúng ta đang thu phí theo kiểu bình quân chủ nghĩa. Tức là nhà có bao nhiêu người, mỗi người bao nhiêu tiền nhân lên để thu.
Đây là cách làm đơn giản nhất, dễ nhất, song cũng chứa nhiều bất công nhất.
Từ xa xưa, người Pháp đã có câu: “Hãy nói cho tôi rác của bạn, tôi sẽ nói bạn là người thế nào”. Giờ đây, câu này hoàn toàn có thể hiểu “vật chất” hơn. Đó là: “Hãy nói cho tôi lượng rác của bạn, tôi sẽ nói bạn ở mức sống nào?”.
Từ thực tế cho thấy, khi đời sống càng lên cao, lượng rác thải càng nhiều. Gia đình nào, hộ dân nào có cuộc sống dư giả, chắc chắn lượng rác sẽ nhiều hơn gia đình, hộ dân có thu nhập thấp. Một bữa cơm rau muống, muối vừng chắc chắn 101% sẽ ít rác thải hơn một bữa cỗ thịnh soạn.
Một nhà “3 ngày tiệc nhỏ, 5 ngày tiệc lớn” chắc chắn sẽ nhiều rác thải hơn người thu nhập thấp, ăn chả đủ no, lấy gì mà thải với loại…
Tóm lại, ai gây ô nhiễm nhiều thì phải trả tiền xử lý nhiều. Nói như dân gian “ai “bĩnh” ra thì người đó dọn (hoặc thuê người dọn)”.
Việc định lượng còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nếu thực hiện tốt việc phân loại, khoảng 40% số lượng rác không phải là đồ phế thải mà trở thành tài sản, nhà sản xuất phải mua.
Tuy nhiên, cùng với việc tránh cào bằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ những gia đình khó khăn bởi trên thực tế, số lượng rác từ những hộ này không cao và thường là rác hữu cơ, ít gây ô nhiễm.
Tóm lại, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, khi làm tốt công tác này, sẽ hình thành ngành công nghiệp dịch vụ xử lý môi trường và khi đó, rác không còn là vấn nạn quốc gia.
Tất nhiên, đây là công việc lâu dài bởi một đất nước kỉ cương như Singapore, chỉ riêng việc cấm khạc nhổ bừa bãi, chính quyền của Thủ tướng Lý Quang Diệu phải mất 10 năm. Thay đổi thói quen là cả một quá trình.
Vấn đề đặt ra, làm thế nào để có thể định lượng chính xác rác của mỗi gia đình? Đây là câu hỏi không dễ, song, không có nghĩa là không có phương pháp.
Theo BT Trần Hồng Hà, sẽ có các loại bao bì khác nhau theo tính chất từng loại rác, thu tiền xử lý vào giá các bao bì bán ra… như nhiều quốc gia đã áp dụng.
Ông Hà cũng cho biết đề xuất thu tiền rác thải theo khối lượng mới chỉ là dự kiến và triển khai ở từng địa phương chứ không đưa vào luật.
Trước khi thực hiện, sẽ bàn bạc với người dân tiến hành làm thí điểm, từ đó, có những qui định ở các văn bản dưới Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để từng bước đi vào cuộc sống.
Tất nhiên, không thể có sự công bằng tuyệt đối, nhưng chắc chắn có sự công bằng tương đối.
Song, dù với phương pháp nào thì cũng dứt khoát không để người nghèo phải trả tiền xử lý rác cho người giàu như cách tính bình quân hiện nay bởi đó là bất công xã hội.
Bùi Hoàng Tám/DT