Người nghèo TPHCM sẽ bị ‘bỏ lại phía sau’ nếu không có sự giúp sức từ chính quyền
Trong ngày giãn cách đầu tiên ở Sài Gòn hôm 30/5 cũng lần đầu tiên tôi chợt nghe được bà cụ gần nhà nói về đại dịch. Theo cách nhìn của bà, “Nếu chết thì tới luôn, chứ lây lất vầy mệt quá”. Bà cụ đã vượt quá tuổi 60, tức số tuổi mà đợt giãn cách nhắc nhở rằng nếu không có việc gì thì đừng ra ngoài. Bà ngồi ở trước thềm nhà, mắt nhìn mông lung, không buồn, không vui, và nói vậy.
Sài Gòn, hay Việt Nam, đã có đủ kinh nghiệm về giãn cách từ năm 2020. Có thể nhìn chung, xã hội Việt Nam sốt sắng hợp tác toàn diện trước những mệnh lệnh từ Chính phủ, từ các phương thức phòng chống, cho đến việc người dân tuân thủ khuyến cáo, hạn chế đi lại, cũng như chấp nhận tình cảnh hàng rào phong tỏa xuất hiện trước khu nhà mình. Những người cố tình vi phạm các quy định, thường bị cộng đồng và báo chí lên án mạnh mẽ.
Và chắc vì vậy, bạn của bà cụ gần nhà, là một người bán xôi dạo, cũng đã gần 70 tuổi, cũng tuân theo quy định, không thấy xuất hiện với tiếng rao quen thuộc của mình. Đó là một phụ nữ gầy gò, nhỏ con và hằng ngày kiếm sống bằng những gói xôi nhỏ, gói lá chuối nguyên bản. Không biết bà cụ bán xôi ấy sẽ lây lất những ngày này ra sao?
Đâu đó trên mạng xã hội, tôi đọc thấy một phụ nữ mặc trang phục thể thao, diễn tập trong nhà và ghi chú vui vẻ rằng mọi người chẳng có gì cần phải lo lắng đâu. Cô ấy nói hãy tận dụng thời gian này để vui chơi, tập luyện và thư giãn chờ dịch đi qua.
Nhưng đó là chỉ là một trong số những người may mắn, vì có thể lạc quan bởi cuộc sống của họ vốn không quá khó khăn. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có hàng ngàn, hàng chục ngàn người đang quay quắt, không biết làm cách nào để chống chọi qua đợt dịch lần này. Dù chúng ta vẫn luôn mang tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng hẳn trong bộn bề những công việc để ngăn chặn đại dịch, sẽ có lúc chúng ta không kịp nhìn thấy ai đang bị đuối sức ở ngay sau mình. Họ đang rất cần những người chạy phía trước quay đầu nhìn lại, để nhìn thấy họ đang vấp ngã, và đưa bàn tay giúp đỡ đứng dậy cùng tiếp bước.
Dù là thế nào, đại dịch và giãn cách đã trở thành một cú đánh quá nặng nề vào cuộc mưu sinh mỗi ngày đối với người nghèo. Mỗi buổi sáng thức dậy, họ loay hoay nặn túi dè sẻn chi tiêu, tiền học của con em, tiền nhà, điện, tiền nước… sắp đến. Câu chuyện một nam thanh niên chạy Grab nhảy cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, Sài Gòn) vào cuối tháng 5 do dịch bệnh kéo dài, khó khăn chồng chất suốt hai năm nên tuyệt vọng, là một ví dụ rất rõ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các vùng, khu vực bị phong tỏa để tránh lây nhiễm xuất hiện liên tục ở nhiều nơi. Sài Gòn cũng rơi vào tình trạng như vậy. Dĩ nhiên, trong các vùng phong tỏa ấy, có người bệnh lẫn kẻ lành, nhưng ai cũng chấp nhận vì đó là chuyện chung của quốc gia. Do vậy, cũng đến lúc, chính quyền nên thiết thực và ráo riết xem sự khó khăn của người nghèo trong lúc này. Với kinh nghiệm của năm 2020 về chống dịch và dân khó, chính quyền cũng cần tính toán đến việc sử dụng các loại tem phiếu thực phẩm ngày, nhu yếu phẩm tuần, dành cho những gia đình, hộ, công dân khó khăn đang hết lòng hợp tác với việc phong tỏa.
Người dân có thể giúp nhau. Hàng xóm có thể chuyền gạo, bánh cho nhau, nhưng cũng rất cần sự chung tay chính quyền địa phương. Không thể xem việc xã hội hóa – người dân chăm lo cho nhau – là giải pháp duy nhất của vấn đề, bởi nếu chống dịch thành công, thì đó là ánh sáng chung của toàn đất nước, trong đó có cả những gương mặt những người nghèo khó trên đất nước.
Năm thứ hai của đại dịch Covid mở ra nhiều cái nhìn về cách ứng xử ở mỗi quốc gia, đối với công dân của mình. Bất luận đó là hình thức kiểm soát nghiêm ngặt nhất cho đến các biện pháp tự do miễn dịch cộng đồng, điều quan trọng nhất vẫn là những bài tính có gương mặt con người.
Khanh Nguyên