Người Myanmar tiếp tục biểu tình phản đối đảo chính
Hàng nghìn người Myanmar biểu tình và đình công khắp cả nước để phản đối đảo chính quân sự, yêu cầu thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Hơn 1.000 người sáng nay đã đổ xuống đường phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, bắt đầu ngày biểu tình thứ ba liên tiếp sau khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
“Hôm nay là ngày làm việc, nhưng chúng tôi sẽ không đi làm ngay cả khi bị cắt lương”, một người biểu tình có tên Hnin Thazin, công nhân nhà máy may 28 tuổi, cho biết.
Tại thành phố lớn thứ hai đất nước Mandalay, hơn một nghìn người dân cũng tập trung biểu tình ngay sáng đầu tuần. Trong khi đó, hàng trăm người đổ xuống đường phố thủ đô Naypyidaw, liên tục bóp còi xe phản đối. Nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn cũng được ghi nhận ở một số khu vực khác trong nước.
Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người đã tập trung trên các đường phố Myanmar, đánh dấu cuộc biểu tình lớn nhất kể từ sau cuộc đảo chính, khiến Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính phủ bị bắt giữ.
Myanmar trong suốt tuần qua gần như rơi vào cảnh hỗn loạn với các sự cố không truy cập được Internet cùng một số mạng xã hội. Quân đội Myanmar trước đó từng cảnh báo dân chúng không đăng những “tin đồn trên mạng xã hội” có thể kích động “bạo loạn và gây bất ổn”. Internet tại nước này đã khôi phục một phần vào ngày 7/2, song dịch vụ giám sát Internet Netbocks cho hay kết nối tại Myanmar chỉ ở mức 14% so với bình thường.
Cuộc biểu tình đường phố đầu tiên ở Myanmar diễn ra tại Mandalay hôm 4/2, với quy mô chỉ khoảng vài chục người. Trước đó, do lo ngại sức mạnh từ quân đội, người dân Myanmar chọn các cách phản đối cuộc đảo chính như đăng ảnh lên mạng xã hội, đình công, hát vang các bài ca dân chủ và liên tục gõ xoong chảo, bấm còi xe.
Quân đội Myanmar tuyên bố họ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp một năm nhằm giải quyết cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo.
Cuộc đảo chính ở Myanmar đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, các nước như Thái Lan, Campuchia và Philippines lại khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là “vấn đề nội bộ của Myanmar”. Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế không “làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar”.
Ngọc Ánh (Theo AFP)