Người Mỹ phải trả giá đắt vì “dân chủ” và “tự do”
Ngày 4/7 hằng năm mang nhiều ý nghĩa với người Mỹ bởi là ngày mà những người sáng lập ra nước Mỹ ký tên vào Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra quốc gia này. Ấy vậy mà, vụ xả súng gần nhất, ngay trong ngày lễ kỷ niệm Độc Lập của Mỹ, lại cho thấy một thực tế rất khác. Một ngày để kỷ niệm tình yêu nước, lòng tự hào và khát vọng tự do, bỗng chốc, biến thành nỗi kinh hoàng và khiếp đảm trong ánh mắt thất thần và bất lực của bao người.
Trước hết, tự do kiểu Mỹ với biểu tượng cao nhất là tự do sở hữu súng đạn, là kết quả của một quá trình vận động lịch sử lâu dài, phức tạp ở quốc gia này. Trong đó, các nhà lập pháp xem việc sở hữu súng đạn của công dân là cần thiết. Họ dẫn giải rằng điều này hoàn toàn phù hợp với thiết chế dân chủ ở Mỹ, bởi nếu không có tự do sở hữu súng, quyền lực nhà nước dễ trở thành “cái nôi” ươm mầm cho độc tài, chuyên chế. Chừng nào người dân Mỹ còn được sở hữu súng, chừng đó, chế độ chuyên quyền không có đất sống ở đây. Với người Mỹ, tự do và dân chủ đi liền với nhau.
Sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ chính là “tấm khiên” giúp duy trì sự tồn tại một cách mạnh mẽ của văn hóa sở hữu súng đạn và điều này càng được củng cố bởi một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là các nhóm có thế lực về kinh tế, với đại diện là Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA). Theo tôi được biết, chính trường Hoa Kỳ thường xuyên chịu sự chi phối, ảnh hưởng của NRA. Tổ chức này được chống lưng bởi các tập đoàn công nghiệp vũ khí, do đó dễ dàng chi ra hàng triệu USD mỗi năm cho các cuộc vận động hành lang, tác động đáng kể đến chính sách kiểm soát súng tại Mỹ. Năm 2016, NRA đã chi 55 triệu USD cho cuộc bầu cử Mỹ, nhằm mục đích đạt được các quyền lợi liên quan đến mình. Chính vì sự chi phối của hiệp hội này mà nhiều đời Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội, Tòa án tối cáo có biện pháp hạn chế súng đạn nhưng bất thành.
Khát vọng tự do đã sinh ra nước Mỹ, nhưng hiện nay, chính sự tự do quá đà của một bộ phận người dân đang hủy hoại sự bình yên của đất nước này. Có lẽ, từ cách đây hàng trăm năm, những người khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã không tính tới một sự thật rằng: Súng đạn không có mắt. Năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so mức năm 2016. Trong khi đó, tổ chức Gun Violence Archive cho biết, năm 2021, Mỹ ghi nhận 20.726 trường hợp tử vong vì súng, không tính các vụ tự sát.
Tự do sở hữu súng đạn không thể là “tự do” thực sự. Bởi lẽ, không có thứ tự do nào là tuyệt đối trong các xã hội khi xã hội đó bước vào trạng thái có giai cấp và nhà nước. Bạn không thể biện minh cho hành động “tự do” của mình, bằng cách tước đoạt đi quyền “tự do” của người khác. Tất nhiên, tôi không thể loại trừ các động cơ đến từ các bất mãn xoay quanh tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, phân biệt chủng tộc hay vấn nạn về di cư, … đã và đang bủa vây đời sống công chúng Mỹ trong vài thập niên gần đây. Nhưng, dù với bất kỳ lí do gì, việc nhân danh lợi ích của cá nhân để thực hiện tội ác là điều không thể chấp nhận được. Tự do cá nhân lấn át trách nhiệm xã hội, thậm chí, vượt lên trên lợi ích của cộng đồng là một hành động ích kỷ, tư lợi và vô lương. Kết quả của sự tự do kiểu đó là cái chết của biết bao người. Hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì súng đạn nhiều hơn số người chết vì tan nạn giao thông hay bệnh tật là một thực tế rất đáng báo động trong một xã hội đề cao “nhân quyền” như nước Mỹ. Trớ trêu thay, điều này lại được cổ xúy bằng một nền văn hóa ưa bạo lực.
Ai cũng biết, người Mỹ chuộng những hình mẫu dũng cảm, tài trí, trong đó có “tài” bắn giết. Các siêu anh hùng trong vũ trụ điện ảnh của Marvel và hằng sa số phim hành động, bắn súng vẫn luôn là khuôn mẫu đàn ông và phụ nữ lý tưởng trong mắt người trẻ. Trước những vụ thảm sát hàng loạt xảy ra tại Mỹ, dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu đây có phải là cái giá phải trả cho vô vàn tiểu thuyết, bộ phim và trò chơi máy tính đầy rẫy cảnh bạo lực hay không. Dẫu cho các bộ phim và trò chơi đều có kết thúc rất nhân văn, những cảnh máu me hay bạo lực vẫn tác động đến không ít thanh thiếu niên có tâm lý bất ổn, vốn đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa bạo lực ấy.
Nhiều người ham thích nước Mỹ – miền đất hứa của tự do, nơi biến ước mơ của bao người thành hiện thực. Vậy đã bao giờ chúng ta tự hỏi những nạn nhân của bạo lực súng đạn ở Mỹ: Ước mơ của họ là gì? Họ có gia đình không? Lũ trẻ ở nhà đang làm gì? Hay cha mẹ của chúng sẽ như thế nào khi biết được con cái họ đã chết vì một vụ xả súng? Hiện thực của “tự do” và “dân chủ” ở Mỹ thật xót xa. Nói thật, nếu được lựa chọn một cuộc đời theo ý mình, tôi vẫn sẽ chọn sống ở Việt Nam, một nơi không hào nhoáng, xa hoa, nhưng bình yên. Người dân được sống trong một xã hội có kiểm soát sử dụng súng và bình yên có được cũng nhờ những nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự không ngừng nghỉ của lực lượng công an.
Đăng Võ