Người Mỹ dùng tiền cứu trợ chơi chứng khoán
Chỉ vừa được Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn cuối tuần trước nhưng gói cứu trợ mang tên ‘Kế hoạch giải cứu nước Mỹ’ trị giá 1.900 tỉ USD đã ngay lập tức tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Gói cứu trợ khổng lồ này đã giúp một loạt chỉ số chứng khoán chính của quốc tế cùng tăng, vực dậy giá cổ phiếu của không ít công ty từng rơi vào cảnh “chợ chiều” ở giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Mỹ đang chủng ngừa cho hơn 3 triệu người một ngày, và lúc này Tổng thống Joe Biden cũng nói cho tới ngày 1-5 mọi người cao tuổi sẽ được tiêm vắcxin. Theo đó, có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và trạng thái bình thường của nền kinh tế.
Ông Norihiro Fujito, trưởng phòng chiến lược đầu tư tại Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định.
Đổ 30 tỉ USD vào chứng khoán
Theo Đài CNBC, ngay từ những ngày cuối tuần qua, các khoản trợ cấp lên tới 1.400 USD/người trong gói cứu trợ mới nhất đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của nhiều người Mỹ. Cùng với đó, gói cứu trợ cũng sẽ “bơm” thêm gần 20 tỉ USD cho các chương trình tiêm vắcxin và 350 tỉ USD cho các chính quyền bang, địa phương và các bộ tộc.
Giới quan sát ước tính một phần đáng kể trong số 1.400 USD tiền trợ cấp trực tiếp cho mỗi người dân trưởng thành sẽ được đầu tư vào thị trường chứng khoán, giống như một thực tế đã từng ghi nhận về cách sử dụng tiền trợ cấp trực tiếp trong gói cứu trợ COVID-19 năm ngoái.
Theo kết quả khảo sát qua mạng của Ngân hàng Deutsche Bank với những người dùng tài khoản môi giới online, các nhà đầu tư cá nhân (lực lượng đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong thị trường chứng khoán Mỹ) đang có kế hoạch sử dụng trung bình khoảng 37% khoản tiền được trợ cấp lần này để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Mức đầu tư dao động tùy vào nhóm tuổi và thu nhập của những người tham gia khảo sát.
Ông Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu tại Deutsche Bank, nhận định “một khoản lớn trong tiền cứu trợ sắp tới đây của Mỹ có thể sẽ đổ vào chứng khoán”.
Bên cạnh đó, cũng có những căn cứ khác để tin rằng người Mỹ muốn đầu tư một phần tiền cứu trợ vào chứng khoán. Một cuộc thăm dò khác gần đây của Cục Thống kê dân số Mỹ cho thấy khoảng 15% trong số những người dân đã nhận được tiền cứu trợ trong bảy ngày trước đó, hoặc những người sống cùng với người được nhận tiền cứu trợ, đã dùng một phần tiền này để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư.
Căn cứ vào kết quả thăm dò của Deutsche Bank và những kế hoạch giải cứu nước Mỹ khỏi đại dịch của Đảng Dân chủ, ông Jim Reid ước tính gói cứu trợ mới sẽ giúp các nhà đầu tư cá nhân ở Mỹ có khoảng 30 tỉ USD tiền mặt để đầu tư chứng khoán.
Thị trường lập lại trật tự
Chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn của Mỹ là S&P 500 vẫn đang trong xu thế nhích dần lên trong nhiều tháng nay. Trong lúc cổ phiếu khối công nghệ giảm thì cổ phiếu của các lĩnh vực ngành nghề vốn bị phớt lờ suốt một thời gian dài vừa qua như ngân hàng, năng lượng nay đã trở lại thế dẫn trước.
Các diễn biến “lập lại trật tự” của cổ phiếu các lĩnh vực ngành nghề như vậy đang diễn ra đồng thời tại nhiều sàn chứng khoán chính ở New York, London và Frankfurt.
Những thay đổi rất lớn này cho thấy gói cứu trợ “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” kết hợp với các chương trình triển khai tiêm phòng vắcxin COVID-19 và việc mở lại các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ kích hoạt một giai đoạn hoàn toàn khác biệt tại các thị trường chứng khoán.
Giới đầu tư đã lại dồn về các ngân hàng, lĩnh vực vốn được xem là đặc biệt nhạy cảm với những biến động thất thường của nền kinh tế thế giới. Chỉ số MSCI của cổ phiếu ngân hàng trên tất cả các thị trường chứng khoán lớn toàn cầu đã tăng gần 30% trong ba tháng cuối cùng của năm 2020 và tăng thêm 20% nữa trong năm 2021.
Báo Financial Times cho rằng xu hướng đổ tiền vào các ngân hàng thời gian qua cho thấy sự thay đổi trong tầm nhìn của giới đầu tư, mà có một phần nguyên nhân từ kế hoạch bơm tiền giải cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như cấp tiền trực tiếp cho nhiều người dân Mỹ của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.
Tuần trước, ông Biden tuyên bố quyết tâm và nỗ lực hành động để đưa nước Mỹ trở lại cảm giác của nhịp sống bình thường trong tuần lễ có ngày quốc khánh Mỹ 4-7.
Ngoài ngân hàng, nhà đầu tư cũng đang đổ xô vào các lĩnh vực khác như nguyên vật liệu, hàng hóa, hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp trong các tuần qua, theo đó cũng đẩy giá cổ phiếu những ngành này tăng thêm.
D. Kim Thoa