+
Aa
-
like
comment

Người Mỹ “cạn kiệt” tiền

Bảo Trâm - 21/12/2022 15:07

Trang Fox News đưa tin, đại bộ phận người Mỹ gần như đã tiêu sạch hết tiền tiết kiệm. Điều này đè nặng lên nền kinh tế Mỹ khi tình hình lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế đang ở mức báo động.

Doanh số bán lẻ ở Mỹ giảm 0,6% trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong năm nay và gấp đôi dự đoán của các nhà kinh tế, do nền kinh tế chậm lại và chi phí vay tăng tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng.

Tiền tiết kiệm được trong đại dịch đã giúp một bộ phận người dân Mỹ duy trì chi tiêu, tuy nhiên thời điểm này lượng tiền dự trữ đó không còn nhiều.

Thực chất, trong đại dịch, nhiều người Mỹ tiết kiệm được tiền khi nhu cầu chi tiêu ít hơn cộng với việc chính phủ ra các gói kích thích kinh tế. Số dư tài khoản của các hộ gia đình tăng đáng kể, thậm chí ở các gia đình có thu nhập thấp thì số dư tăng cả hơn 100% vào giữa năm ngoái so với năm 2019, theo ông Chris Wheat, Chủ tịch Viện JPMorgan Chase (nghiên cứu dữ liệu kinh tế, giải pháp tăng trưởng ở Mỹ).

Theo nhà kinh tế trưởng Diane Swonk của Công ty kiểm toán KPMG, khoản tiết kiệm trong suốt hai năm đại dịch đã giúp người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Tuy nhiên, khi các chương trình kích thích kinh tế kết thúc, khoản tiết kiệm nhanh chóng giảm đi khi lạm phát tăng vọt. Người dân bắt đầu tiêu sạch khoản tiết kiệm khi giá cả tăng vọt. Dù tiền lương có tăng do nhu cầu tuyển dụng người lao động sau đại dịch tăng nhưng mức tăng vẫn không thể đuổi kịp lạm phát. Từ giữa năm ngoái số dư tài khoản của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp, bắt đầu giảm xuống.

Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao đẩy nước Mỹ vào tình trạng suy thoái

Một báo cáo nghiên cứu vào tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các hộ gia đình có thu nhập cao nắm giữ phần lớn khoản tiết kiệm vượt mức, tổng cộng khoảng 1.350 tỉ USD vào giữa năm nay. Trong khi đó, nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đã cạn kiệt khoản tiết kiệm trong nửa năm nay, khi phải chi phần lớn ngân sách cho các nhu yếu phẩm và nhà ở, lại trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.

Theo dữ liệu từ ngân hàng Mỹ, đến thời điểm này, người Mỹ vẫn còn khoảng 1.200 tỉ USD tiền tiết kiệm nhưng con số này giảm đáng kể so với mức cao nhất là hơn 2.000 tỉ USD vào năm ngoái. Tỉ lệ tiết kiệm cá nhân cũng giảm xuống 2,3% trong tháng 10, giảm so với mức cao nhất của năm nay là 4,7% vào tháng 1 và 7,3% vào một năm trước đó.

Người dân hết tiền tiết kiệm là điều đáng lo ngại, không chỉ với cuộc sống của họ mà cả với nền kinh tế. Các nhà kinh tế lo ngại về khả năng suy thoái vào năm tới khi Fed không ngừng tăng lãi suất. Chi tiêu tiêu dùng là chìa khóa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, chiếm khoảng 2/3 GDP. Nhưng với việc tiết kiệm do đại dịch ngày càng giảm, nhiều người Mỹ có thể không có khả năng hoặc chọn không chi tiêu nhiều như thời gian vừa qua đại dịch, điều này có thể làm chậm nền kinh tế hơn nữa.

Cắt giảm chi tiêu hết mức nhưng người Mỹ vẫn “cạn tiền”

Ngày nay, các hộ gia đình và doanh nghiệp ít sử dụng đòn bẩy tài chính hơn so với năm 2007, với các khoản nợ chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thu nhập. Lĩnh vực tài chính ít gặp rủi ro về vốn hơn, do các quy định sau khủng hoảng tài chính trở nên chặt chẽ hơn. Tất cả những yếu tố đó làm giảm nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế sâu.

Chuyên gia Davis dự đoán, kịch bản năm 2023 sẽ giống như khoảng thời gian từ tháng 3/2001 đến tháng 11/2001 – giai đoạn mà Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố là suy thoái. Vào thời điểm đó, GDP của Mỹ đã giảm trong quý đầu tiên và thứ ba của năm 2001, nhưng đã tăng trong quý thứ hai và thứ tư. Tính cả năm 2001 GDP của Mỹ tăng 1%. Con số này gấp đôi mức tăng trưởng 0,5% mà Fed dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trong năm 2022 và cả năm 2023.

Lindsay Owen, Giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức hoạt động về các vấn đề bình đẳng kinh tế và việc làm, lập luận rằng Fed đang khiến người lao động gặp quá nhiều rủi ro do nỗ lực chống lạm phát của ngân hàng trung ương.

Bảo Trâm (Theo Fox News)

Bài mới
Đọc nhiều