+
Aa
-
like
comment

“Người Mỹ bí ẩn”: Truyền thông Nga phát hiện có “bàn tay Mỹ” phía sau các cuộc biểu tình ở Moskva, Kremlin nói gì?

02/10/2019 22:47

Trong quá trình điều tra, cơ quan thông tấn liên bang Nga (FAN) đã tình cờ phát hiện ra một “người Mỹ bí ẩn” đứng sau các cuộc biểu tình ở Moskva trong mùa hè năm nay.

"Người Mỹ bí ẩn": Truyền thông Nga phát hiện có "bàn tay Mỹ" phía sau các cuộc biểu tình ở Moskva, Kremlin nói gì?

Cơ quan thông tấn liên bang Nga (Federal news agency – FAN) mới đây đã tung ra loạt bằng chứng nhằm chứng minh rằng những cuộc biểu tình tại Nga trong mùa hè này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên và tự phát, mà ngược lại tất cả những vụ đụng độ với cảnh sát hay các cuộc tuần hành trái phép đều nằm trong một chuỗi kế hoạch được tính toán kĩ lưỡng.

Theo FAN, “kịch bản” này không hề xa lạ mà đã xuất hiện trên thế giới hơn 30 năm nay với tên gọi “cách mạng màu”. “Nhiệm vụ [của những cuộc biểu tình này] là khiến tình hình tại Nga trở nên bất ổn, rối loạn, khiến Nga phải thay đổi các chính sách đối nội và đối ngoại của mình”, nghị sĩ Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Yevgeny Fedorov bình luận.

Sau đây là nội dung lược dịch những bằng chứng được FAN công bố trong bài viết được đăng tải gần đây:

“Cách mạng màu” từ lâu đã trở thành “thương hiệu”, và nhiều người hẳn đã biết rõ Mỹ là người đứng sau những phong trào ấy, theo FAN. Cuộc “cách mạng màu” gần đây nhất diễn ra ở Sudan đã biến thành đảo chính và nội chiến. Trước đó, vào năm 2014, “Các mạng Cam” ở Ukraine cũng đã khiến nước này rơi vào khủng hoảng chính trị, gây ra những tổn thất lâu dài…

Đầu tiên, FAN lập luận rằng các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền tại Hong Kong (từ tháng 3 đến nay) và các cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do tại Moskva mùa hè này có một số điểm giống nhau.

Các cuộc biểu tình tại Hong Kong bắt đầu nổ ra sau khi hung thủ trong một vụ án giết người dã man không bị tòa tuyên mức án cao nhất do dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.

Trong nhiều tháng qua, người dân Hong Kong đã liên tục xuống đường biểu tình để phản đối dự luật này, và tình hình đặc khu vẫn tiếp tục bất ổn sau khi Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam tuyên bố rút hoàn toàn dự luật dẫn độ vào đầu tháng 9 vừa qua.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình đầu tiên tại thủ đô của Nga đã nổ ra vào giữa tháng 6 năm nay, khi các ứng cử viên cho các vị trí trong hội đồng thành phố bắt đầu ghi danh. Theo luật tranh cử, các ứng cử viên phải thu thập một số lượng chữ ký nhất định từ những người ủng hộ thì hồ sơ của họ mới được coi là hợp lệ.

FAN cho rằng, trong khi nhiều chính trị gia thừa nhận rằng họ không thể thu thập đủ chữ ký, thì nhiều ứng cử viên (phần lớn thuộc phe đối lập của ông Alexei Navalny) đã tìm đến những biện pháp như giả mạo chữ ký nhằm đạt được mục đích của mình.

Những ứng cử viên được cho là gian dối đã bị loại ngay khỏi cuộc đua khi bị phát hiện. Tuy nhiên, điều này đã khiến Moskva rơi vào tình trạng hỗn loạn vì biểu tình trong suốt hơn 3 tháng.

Điểm khác biệt của hai phong trào biểu tình tại hai thành phố này, theo FAN, đó là cuộc biểu tình tại Moskva đã được chính quyền địa phương kiểm soát ngay từ đầu, và đã giảm nhiệt đáng kể sau khi cuộc bầu cử địa phương kết thúc. Trong khi đó, tại Hong Kong, phong trào biểu tình vẫn tiếp tục “nóng” sau khi chính quyền đặc khu quyết định nhượng bộ.

Nói về khoảng thời gian hơn 2 tháng Moskva chìm trong hỗn loạn vì biểu tình, hãng tin của Nga đã đưa ra những bằng chứng cho thấy có “bàn tay Mỹ” phía sau phong trào đòi tự do bầu cử này, đó là nguồn tài trợ từ Mỹ và sự tham gia của một “người Mỹ bí ẩn”.

Tiền của Mỹ

Hiện nay, phe đối lập ở Nga được chia thành nhiều khối độc lập như đảng “Nước Nga Cởi mở” của nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, tổ chức chống tham nhũng (FBK) của thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, đảng Yabloko, Nước Nga Công bằng…

Theo FAN, những khối độc lập này được liên kết với nhau bằng một yếu tố duy nhất, đó là tài chính.

Người Mỹ bí ẩn: Truyền thông Nga phát hiện có bàn tay Mỹ phía sau các cuộc biểu tình ở Moskva, Kremlin nói gì? - Ảnh 3.
Bằng chứng Mỹ can thiệp vào các cuộc bầu cử của Nga. Ảnh: FAN

Câu hỏi đặt ra là phe đối lập lấy tiền từ đâu? Nhiều người biết rằng Khodorkovsky và Navalny nhận tiền từ các quỹ nước ngoài, nhưng phải nói chính xác là từ Mỹ.

Trong khi nhà tài phiệt Khodorkovsky nhận tiền từ công ty Orion Strategies LLC của tỉ phú Mỹ George Soros – một người luôn công khai chống lại Nga; thì thủ lĩnh đối lập Navalny được Tổ chức Dân chủ Quốc gia của Mỹ hỗ trợ (Tổ chức này được Quốc hội Mỹ thành lập năm 1983 và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tài trợ).

Số tiền ông Khodorkovsky nhận được lại tiếp tục được chia về các đảng nhỏ khác thuộc phe đối lập, FAN cho biết.

Người Mỹ bí ẩn: Truyền thông Nga phát hiện có bàn tay Mỹ phía sau các cuộc biểu tình ở Moskva, Kremlin nói gì? - Ảnh 4.
Bằng chứng Mỹ can thiệp vào các cuộc bầu cử của Nga. Ảnh: FAN

Bên cạnh đó, FAN còn thu thập được những bằng chứng cho thấy các hãng truyền thông đối lập ở Nga cũng nhận tiền của Mỹ. Chẳng hạn, báo Novaya Gazeta nhận được các khoản tài trợ hàng năm từ Trung tâm kiểm soát tham nhũng và tội phạm có tổ chức của Bộ Ngoại giao Mỹ thuộc sở hữu của tỉ phú Soros. Kênh truyền hình Dozhd nhận tiền từ Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ. Riêng hãng tin RBC nhận tài trợ của hãng thông tấn BBC (Anh).

Người Mỹ bí ẩn

Lần theo những bằng chứng về nguồn tiền của Mỹ, FAN đã tình cờ phát hiện ra một nhân vật bí ẩn được cho là người phụ trách chiến dịch can thiệp vào nội bộ Nga.

Cụ thể, vào tháng 7 năm nay, trụ sở của thủ lĩnh đối lập Navalny đã nhanh chóng tìm các chuyên gia tư vấn của một bên thứ 3 để giúp các phe đối lập tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố. Một trong số các chuyên gia tư vấn này đã tiết lộ cho phóng viên của FAN một số chi tiết về công việc của mình, và trong một lần trao đổi, người này đã bắt đầu nhắc tới các nhân vật đến từ Đại sứ quán Mỹ tại Nga.

“Họ đã nói rằng có một số viên chức lãnh sự quán [Mỹ] tham gia, một người nào đó có tên là Stephen Sexton,” Alexander nói.

Hóa ra nhân vật có tên là Stephen Sexton này đã tới trụ sở FBK vào thời điểm Navalny bị giam giữ trong 30 ngày, theo thông tin của FAN. Hãng tin này đã xác nhận bằng câu chuyện của một nhân chứng thứ hai:

“Họ đã bí mật đưa chúng tôi đến một địa điểm họp mặt bí mật. […] Ở đó, một người lạ mặt – không phải người Nga, đó là một người nước ngoài – đã nói về một chiến dịch…”, nhân chứng có tên là Arseniy cho hay.

Khi tìm hiểu về nhân vật Stephen Sexton bí ẩn này trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Moskva, FAN đã xác định được rằng ông ta chính là người đứng đầu bộ phận an ninh của ĐSQ.

Người Mỹ bí ẩn: Truyền thông Nga phát hiện có bàn tay Mỹ phía sau các cuộc biểu tình ở Moskva, Kremlin nói gì? - Ảnh 6.
FAN tiến hành tìm kiếm thông tin về nhân vật Stephen Sexton. Ảnh: FAN

Tuy nhiên, điều thú vị hơn cả, đó là ngoài họ tên và chức vụ, ông Sexton này không có thông tin nào khác trên các nguồn mở mà FAN tiếp cận được. Không có bất cứ tấm ảnh hay tài khoản mạng xã hội nào có liên quan tới ông này, và việc tìm kiếm trên website của các cơ quan chính phủ Mỹ cũng không có kết quả.

Tuy nhiên, lực lượng an ninh Nga đã sớm nghi ngờ về nhân vật này:

“Sexton là người duy nhất trong ĐSQ mà chúng tôi không thu thập được bất cứ thông tin nào về quá khứ của anh ta, kể cả những lần bổ nhiệm và địa điểm công tác trước đây. Chúng tôi đã sớm nghi ngờ về điều này.

 

Tuy nhiên có thông tin cho biết chuyên môn của Sexton là về các cuộc biểu tình và tuần hành, và bản thân người này không làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ, mà làm việc cho CIA. Điều này nói chung là hợp lý, vì người thường không được đảm nhiệm phụ trách an ninh cho ĐSQ. Không chỉ có vậy, anh ta còn là một trong những người điều phối các hoạt động của đại diện Mỹ tại Quảng trường Bolotnaya…”

Ông Anatoly Wasserman, một nhà báo và tư vấn chính trị, cho rằng chính nhân vật Sexton bí ẩn này là người đã “huấn luyện” các nhóm người biểu tình hành động trên đường phố Moskva, chứ không phải ông Navalny.

“Tôi cho rằng công nghệ ‘cách mạng màu’ đã được sử dụng trong các cuộc biểu tình gần đây [tại Moskva]”, ông này khẳng định.

Kremlin phản ứng ra sao trước thông tin về nhân vật Sexton bí ẩn?

Bình luận về loạt bằng chứng điều tra của FAN, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định đanh thép rằng mọi hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga đều là điều “không thể chấp nhận”.

“Chúng tôi chưa biết liệu thông tin này có đáng tin hay không. […] Nhưng mọi hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga đều là chuyện hoàn toàn không thể chấp nhận được. Phía Nga đã, đang và sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước trước những hành động đó” – ông Peskov nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó từng khẳng định rằng công dân Nga hoàn toàn có quyền biểu tình theo các điều luật hiện hành. Tuy nhiên, ông cho biết không một ai (kể cả người dân hay chính quyền) có quyền vi phạm luật pháp, dẫn đến các cuộc đụng độ với chính quyền. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, và những người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật pháp Nga”, ông Putin nói.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều