Người dân Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị chằng chống nhà cửa, kéo tàu thuyền lên bờ trước giờ bão Noul đổ bộ, sáng 17/9.
Tại Đà Nẵng, sáng 17/9, công an, biên phòng phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, hỗ trợ ngư dân đưa tàu thuyền từ bến cá ven biển lên bờ. Ông Võ Đình Công, Chủ tịch phường Thọ Quang, cho biết 200 thuyền nhỏ, thúng máy… đã được đưa về bờ để giảm thiệt hại do mưa bão.
Đà Nẵng là một trong 7 tỉnh, thành (từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi) đã cấm biển từ chiều qua.
Nhiều tàu thuyền nhỏ ở vịnh Mân Quang cũng được đưa lên bờ trưa nay.
Các tàu thuyền sau khi đưa lên bờ, được chủ phương tiện thuê xe cẩu đặt gọn trên vỉa hè, nhằm đảm bảo giao thông thông thoáng trước khi bão đổ bộ.
Lực lượng biên phòng tuần tra ở vịnh và âu thuyền Thọ Quang để nhắc nhở chủ tàu neo đậu đúng nơi quy định, kiểm đếm tàu thuyền đã vào bờ.
Hàng trăm tàu thuyền ở các tỉnh miền Trung đã vào âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà tránh trú bão. Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tới trưa nay, đã có 615 tàu cá, ghe chèo, xuồng máy được neo đậu. Trong đó có 301 phương tiện của Đà Nẵng.
Tại cửa biển Thuận An, Thừa Thiên Huế, trong tiết trời âm u, hàng chục tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã neo đậu trú bão an toàn. Để tránh sóng lớn va đập thuyền, các ngư dân địa phương đã bơi thuyền thúng để cột những chiếc thuyền sát vào nhau bằng những sợi dây thừng lớn.
Nhiều người dân ở thị trấn Thuận An ra bãi biển đóng những bao tải cát để đặt lên mái nhà, tránh gió bão giật tung.
Nghe đài báo bão Noul đến gần, người dân thị trấn Thuận An dùng bao cát để gia cố căn nhà cấp 4.
Cùng ngày, trên nhiều tuyến phố tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, công nhân môi trường của Công ty cổ phần dịch vụ công ích đô thị Tam Kỳ đã cắt tỉa cây xanh để phòng chống bão.
“Việc cắt tỉa cây xanh là hoạt động thường xuyên trước mùa mưa bão. Đến nay, một số tuyến có nhiều cây chưa thực hiện nhưng nghe tin bão, chúng tôi đã chỉ đạo nhanh chóng triển khai”, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch thành phố, cho biết.
Cách đó khoảng một km, anh Cao Văn Minh (ngụ xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) mặc áo mưa, dùng dây cáp chằng chống mái xưởng cơ khí trước nhà. “Loại ngói này thường bị gió làm tốc mái, nên khi nghe tin bão, gia đình tôi phải mua dây cột chặt liền”, anh nói.
Tại Quảng Trị, sau cơn mưa nhỏ, các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, dùng những bao cát để gia cố mái tôn cho một trường mầm non địa phương.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng chỉ đạo các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 18/9 đến khi có thông báo mới nhằm đảm bảo an toàn.
Nông dân Quảng Trị tất bật thu hoạch lúa khi nghe tin chiều mai bão đổ bộ. Ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ, trưa nay khi thấy trời âm u, người dân đã thu gom lúa cho vào bao để đưa vào nhà.
Quảng Trị hiện còn 1.000 ha lúa hè thu ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Đăkrông, Hướng Hóa chưa thu hoạch do gieo cấy chậm hơn lịch thời vụ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 12h trưa nay, tâm bão Noul cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10 (90-100 km/giờ), giật tăng hai cấp. Dự kiến 13-16h ngày mai, bão sẽ đổ bộ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, trong tâm là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
PV/ VNE