+
Aa
-
like
comment

Người lớn ích kỷ lắm, tại sao tụm 5 tụm 7 được mà con đi học thì không?

09/12/2021 21:15

Đã bao giờ người lớn tự suy nghĩ về chính mình và đặt câu hỏi “Dịch kéo dài, con mình chỉ quanh quẩn 4 bức tường, trong khi mình tụ tập ăn nhậu, hát hò liệu có ích kỷ không?”

Ăn nhậu giữa mùa dịch.

Bao giờ con mới được đến trường?

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân Đà Nẵng đã phải “lên bờ xuống ruộng” và thành phố ra nhiều chính sách chưa có tiền lệ để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Đến nay, tôi vẫn tự hào khi nói chuyện với bạn bè khắp nơi rằng: “Đà Nẵng chống dịch kiểu rứa đó! Chưa kể, 97% dân số trong độ tuổi đến nay đã phủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và địa phương đang tính chuyện mũi 3 cho 1 số đối tượng”.

Nhưng đến nay, đã gần 2 tháng bình thường mới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đang hồi phục, quán nhậu, cà phê kín bàn, mở cửa đón khách quốc tế thì bọn trẻ vẫn chưa được đến trường.

Cách đây ba hôm, con bé lại hỏi, bao giờ con mới được đến trường? Sau khi tôi trả lời thì bé nói ngay: “Con chẳng tin bố nữa”!

Tôi cũng chẳng tin nổi mình. Sự vô lý nằm ở chỗ, chúng ta vẫn ra rả con rằng dịch còn nhiều lắm, hạn chế đông người, tiếp xúc nhưng vẫn thường xuyên cà phê, đêm đêm ăn nhậu hàn huyên tụm 5 tụm 7. Khi uống vào thì đàn hát, ghé sát tai thì thầm to nhỏ.

Và chúng ta cũng thẳng thắn với nhau là: khi con bạn đang ru rú ở nhà với 4 bức tường thì bố tụ tập ăn nhậu ngoài đường, mẹ cà phê tán gẫu khắp nơi. Các cô các chú vẫn trà sữa sống ảo kín luôn vỉa hè Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng… Cà phê, mua sắm, ăn nhậu, gặp gỡ trò chuyện là nhu cầu chính đáng của người lớn còn nhu cầu đi học của trẻ con là không chính đáng sao?

Trở lại câu chuyện phòng chống dịch, thành phố ban hành nhiều quy định, trong đó nhấn mạnh 5K. Nhưng thử hỏi, đã bao giờ đến quán nhậu mà khách đầy quán chứ không phải 50% theo quy định mà bạn quay về chưa? Đã bao giờ quán cà phê không bắt buộc quét mã QR mà bạn từ chối dịch vụ chưa? Và đã có bao nhiêu quán ăn, nhậu, dịch vụ bị xử phạt vì không tuân thủ các quy định?

Vẫn biết là dịch bệnh làm tổn thất rất lớn và lớn nhất là tính mạng con người, dịch bệnh làm đảo lộn đời sống kinh tế. Việc khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ là để không chết vì đói trước khi chết vì dịch. Nhưng bọn trẻ nó chả quan tâm điều đó và nói đúng hơn là giáo dục không phải là kinh tế.

Mới đây, khi Đà Nẵng quyết định cho khối lớp 1, 8 và 9 đi học trở lại từ ngày 6.12 thì câu hỏi tôi nhận được từ con càng nhiều hơn mỗi ngày. Tôi tự hỏi, không biết khi nào, con gái mình – lớp 2 mới được đến trường.

Tại sao người lớn được đi ra ngoài tụ tập, cà phê còn trẻ con lại không được đến trường?

Trường học là nhu cầu cần thiết của trẻ

Con bé tôi, từ một cô gái hễ không quen ai thì trả lời lí nhí. Sau một học kỳ nó tự tin, mạnh dạn trả lời to, rõ ràng. Từ một con bé dễ nước mắt thì giờ bạn đánh có thể gân cổ lên cãi và phản ứng lại. Không biết các cô đã làm thế nào, các bạn đã cư xử ra sao với nó nhưng thấy sự thay đổi nhờ cô, nhờ bạn khiến tôi vui. Trường học phải thế nào con mới thích đi học. Giá trị giáo dục nằm ở chỗ đó chứ không chỉ là câu chuyện bắt chúng biết rằng 1 + 1 = 2.

Và nếu nhìn giáo dục dưới góc độ kinh tế thì tôi cũng tự hỏi, mấy tháng qua các cô các thầy sống bằng gì? Bán hàng online, kinh doanh thêm, thậm chí len lén nhận giữ 5 – 7 trẻ học trò cũ tại nhà mà vẫn nơm nớp lo bị phạt. Mặc dù đó là nhu cầu chính đáng của giáo viên lẫn phụ huynh.

Hai vợ chồng tôi may mắn khi công việc không bị ảnh hưởng do dịch. May mắn hơn nữa là 7 tháng qua có người thân chăm 2 con nhỏ để yên tâm công việc. Vậy những người không mất việc do dịch nhưng không ai trông con để đi làm thì phải như thế nào? Họ chấp nhận phá bỏ những nguyên tắc giáo dục của gia đình cho trẻ thỏa mãn với TV, điện thoại mà gạt qua những nguy cơ về mắt, sức khỏe và tâm sinh lý.

Khi nào con mới được đi học trở lại?

Phó mặc trẻ cho internet, smartphone chính là sự bất lực của người lớn. Tiếng cãi vã, quát tháo, mệt mỏi, căng thẳng xuất hiện nhiều hơn trong những mái ấm bé mọn, vốn chỉ có tiếng cười.

Bình thường mới, mở cửa dịch vụ nhưng thận trọng với trẻ con. Mỗi người một quan điểm, là ưu việt phòng chống dịch, là vì an toàn của trẻ… Nhưng với tôi, đó là sự ích kỷ của người lớn.

Kỳ Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều