Người lính gần 100 tuổi kể về nhiệm vụ bảo vệ “đại bàng trắng” chở Bác Hồ
Gần 30 năm trong quân ngũ, trải qua biết bao gian khổ nhưng niềm vinh dự, tự hào của người lính Đào Văn Chỉnh là những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ “con đại bàng trắng” chở Bác Hồ.
Niềm tự hào chưa bao giờ dám nghĩ đến
Những ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi có dịp về thăm và trò chuyện cùng với cựu binh Đào Văn Chỉnh (SN 1926) trú tại xóm 6, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng khi nhắc đến những năm tháng hào hùng, bảo vệ chiếc máy bay trực thăng chuyên chở Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ và đặc biệt là trong chuyến bay Bác về thăm quê 1961, cụ vẫn nhớ như in từng chi tiết. Đôi tai của cụ Chỉnh đã lãng nên khi tiếp khách cụ phải nhờ người cháu ngoại làm “phiên dịch”. Trầm ngâm bên ly nước chè, cụ kể: Cụ xuất thân là một trong những đội viên đầu tiên của Đại đội Phan Đăng Lưu – bộ đội địa phương huyện Yên Thành. Năm 1947 đến năm 1949 cụ nhập ngũ và được bổ sung vào bộ đội chủ lực, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến đấu tại Thượng Lào.
Từ sau năm 1954, cụ được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ về làm lính của Trung đoàn bảo vệ sân bay Gia Lâm (E99). Đại đội của cụ được giao nhiệm vụ bảo vệ máy bay chuyên dụng giành để chuyên chở các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Theo lời cụ Chỉnh, năm 1958, Chính phủ Liên Xô tặng đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một chiếc máy bay IL-14. Trung đoàn Không quân 919 đã sử dụng chiếc máy bay này làm chuyên cơ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác trong những năm 1960 – 1964…
“Thời điểm đó tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ máy bay trực thăng của Liên Xô tặng Bác Hồ sử dụng công việc hay còn gọi “con đại bàng trắng” nên vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Khi được cấp trên giao nhiệm vụ ấy tôi không dám tin đó là sự thật”, cụ Chỉnh nhớ lại.
“Khi được cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng đó, tôi thấy mình không xứng đáng nên xin từ chối. Nhưng sau đó, lãnh đạo đơn vị giải thích vì đánh giá quá trình công tác của tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên tôi vinh dự được nhận nhiệm vụ đáng tự hào này”, cụ Chỉnh chia sẻ thêm.
Từ đó người lính nhận một nhiệm vụ mới là trực cạnh máy bay 24/24h để giữ cho máy bay an toàn… Hàng ngày phải ghi vào sổ trực ban mọi tình huống xảy ra xung quanh máy bay, từ những chi tiết nhỏ nhất cho đến khi chiếc máy bay an toàn hạ cánh.
“Trong những năm tháng ấy, tôi vinh dự được gần Bác Hồ, hầu như tuần nào cũng gặp nhưng chỉ là vòng ngoài. Thấy Bác rất giản dị, hôm nào Bác đi công tác cũng vẫy tay chào, ánh mắt trìu mến nhìn về mình nên tôi cảm thấy rất ấm lòng”, cụ Chỉnh kể.
Vụ án cánh máy bay thủng
Khẽ nhấp ly nước, cụ Chỉnh kể tiếp, trong thời gian công tác ở đơn vị Đại đội E99 có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng cụ lo lắng nhất là vụ án cánh máy bay chuyên chở Bác Hồ bỗng nhiên bị thủng.
“Quá trình bảo vệ, kiểm tra tôi phát hiện một cánh máy bay bị thủng, ngay lập tức chuyên án được thành lập. Lúc ấy, với tư cách là Trợ lý sân bay Gia Lâm, tôi được giao làm Trưởng ban chuyên án. Sau hơn một tuần phối hợp với các cơ quan khác, tôi và đồng đội đã tìm ra thủ phạm gây ra vết thủng cánh máy bay đó chính là người làm trong tổ sửa chữa”.
“Tôi và các đồng đội nhận định đây là một vụ án phức tạp và nguy hiểm nên phải quyết tâm điều tra. Sau khi bắt được thủ phạm rồi giao cho cơ quan công an xử lý, tôi và đồng đội được lãnh đạo tuyên dương khen thưởng”, cụ Chỉnh nhớ lại.
Một kỷ niệm khác mà người lính già Đào Văn Chỉnh rất nhớ chính là dịp Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 vào năm 1961. “Con đại bàng trắng được sử dụng để chở Bác về quê Nam Đàn sau bao nhiêu năm xa cách. Tuy nhiên, theo cụ Chỉnh, thông thường những người phục vụ tại sân bay chỉ được biết giờ xuất phát và giờ trở về của máy bay chứ không biết được máy bay đi đâu.
“Chúng tôi chỉ biết được lần này “con đại bàng trắng” sắp chở Bác về thăm quê, ai cũng lo lắng rồi rưng rưng nước mắt. Biết Bác về thăm quê chúng tôi xúc động lắm, dù trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn nhớ về quê hương (thời điểm ấy những người thân của Bác đã không còn), nghĩ càng thương Bác nhiều hơn”, cụ Chỉnh xúc động nhớ lại.
Sau 2 ngày về thăm quê, sáng ngày 10/12/1961, những người lính bảo vệ sân bay Gia Lâm lại được đón Bác trở về Thủ đô. Buổi sáng hôm ấy, trời nắng đẹp, đơn vị được lệnh ăn mặc gọn gàng, tề tựu đông đủ trong hội trường nhỏ để đón Bác.
Khi chiếc máy bay trực thăng vừa xuất hiện phía Nam, chúng tôi đã ùa ra sân, ai cũng náo nức chờ đợi. Máy bay từ từ hạ cánh xuống đường băng, cửa máy bay vừa mở, Bác Hồ xuất hiện với bộ quần áo nâu, phía ngoài khoác chiếc áo ka ki giản dị, bước xuống máy bay rồi đi nhanh vào hội trường.
“Bác ở quê ra không có quà gì để tặng cho các chú, Bác thưởng cho các chú một món quà nhỏ là chụp ảnh chung cùng mừng cho chuyến đi của Bác về quê thắng lợi đồng thời mừng cho công việc của các chú ngày một tiến bộ. Sau đó cả hội trường lại ùa ra bãi cỏ phía tiền sảnh quây quần quanh Bác để chụp ảnh”, cụ Chỉnh bừng sáng đôi mắt và cho biết đó là món quà cụ quý nhất đời.
“Lúc đó, tôi may mắn được đứng gần Bác cùng với các chiến sĩ cảnh vệ, hậu cần, cả các phi công người Nga trong tổ lái cũng hân hoan, vui vẻ chụp ảnh chung cùng Bác… Đến nay, bức ảnh ấy vẫn là kỷ vật quý giá tôi giữ bên mình. Sau đó chúng tôi được điều động đi huấn luyện tại Trung Quốc, không được phục vụ Bác nữa nhưng những ngày tháng phục vụ, bảo vệ “con đại bàng trắng” thật vinh dự, tự hào”.
“Không chỉ tôi mà tất cả các cựu chiến binh của E99, Trung đoàn Anh hùng của Bộ đội Phòng không không quân (Trung đoàn 99) ai cũng giữ tấm hình này và xem nó như là báu vật của cuộc đời binh nghiệp. Đó cũng là niềm tự hào để khoe với con cháu mỗi khi ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến”, người lính già Đào Văn Chỉnh nở nụ cười mãn nguyện.
“Năm nay tôi đã gần 100 tuổi rồi, cuộc đời tôi nhiều nỗi buồn. Con trai đầu của tôi hy sinh ở chiến trường, còn con trai thứ 2 bị bệnh tim mất tại bệnh viện… Có những lúc tôi gần như tuyệt vọng, nhưng nghĩ về Bác, về cuộc đời hy sinh tận tụy của Người dành cho đất nước, cho dân, tôi lại có sức mạnh để vượt qua những mất mát, đau thương”, cụ Chỉnh chia sẻ.
Nguyễn Tú/DT